Đồng Nai: 2 anh thạc sỹ và 1 chàng kỹ sư rủ nhau bỏ việc về trồng nấm rơm công nghệ cao, lời 90 triệu/tháng
Đồng Nai: 2 anh thạc sỹ và 1 chàng kỹ sư rủ nhau bỏ việc về trồng nấm rơm công nghệ cao, lời 90 triệu/tháng
Hồng Yến (Cổng TTĐT huyện Vĩnh Cửu)
Thứ hai, ngày 26/10/2020 13:02 PM (GMT+7)
Cùng là thạc sĩ công nghệ sinh học và có tình yêu đặc biệt đối với cây nấm, 2 anh Nguyễn Trương Kiến Khương, Nguyễn Hữu Văn và bạn là kỹ sư xây dựng Phạm Tuấn Đạt đã từ bỏ công việc đang ổn định để thành lập một hợp tác xã trồng nấm rơm ở ấp Vàm, xã Thiện Tâm, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai.
Hợp tác xã trồng nấm rơm của các anh, Kiến Khương, Hữu Văn, Tuấn Đạt với thương hiệu Vinh Phúc. Năm 2017, với quyết tâm làm trang trại trồng nấm rơm một cách bài bản, 3 người bạn đã cùng nhau góp vốn xây dựng nhà xưởng diện tích 6.000m2 ở ấp Vàm, xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu (tỉnh Đồng Nai).
Trại trồng nấm rơm với đầy đủ các phòng thí nghiệm phục vụ cho công tác nghiên cứu, phòng phối trộn nguyên liệu trồng nấm, phòng nuôi nấm theo công nghệ tự động, ứng dụng công nghệ cao
Các công đoạn nghiên cứu, tạo meo giống phù hợp với khí hậu, sở thích của người dân địa phương được anh Khương và Văn tự tay làm. Nói về những loại meo giống mà các anh đã nghiên cứu, anh Nguyễn Hữu Văn chia sẻ:
"Chúng tôi đã chủ động được nguồn giống, định lượng và phù hợp với môi trường địa phương. Chúng tôi chủ động được 2 nguồn giống: một loại là vỏ dầy và một loại vỏ mỏng, tùy theo nhu cầu của địa phương mà mỗi nơi người ta yêu cầu trồng loại nấm rơm nào thì mình trồng loại đó, tùy theo mùa và thời tiết ở trong năm nữa...".
Anh Hữu Văn cho hay, về khâu xử lý nguyên liệu, các anh đã rút ngắn được thời gian xử lý nguyên liệu trồng nấm rơm bằng cách xử dụng men vi sinh. Sau khi ủ nguyên liệu trồng nấm rơm bằng meo đó, không sử dụng vôi nữa thì đỡ nguồn vôi thải ra môi trường. Sau khi ủ nguyên liệu trồng nấm rơm xong các anh đưa vào buồng lên men phụ, thanh trùng sẽ xử lý được triệt để về nấm già, nấm mốc, đưa vào nhà trồng nấm rơm sẽ đạt hiệu quả tốt nhất.
Còn theo anh Khương, so với việc trồng nấm rơm ngoài trời thì trồng nấm rơm trong nhà kính có lợi thế hơn. Đó là, trong nhà kính, nấm rơm đượ trồng quanh năm và không cần quá nhiều diện tích đất. Trồng nấm rơm trong nhà kính quản lý được nhiệt độ, độ ẩm từ đó nâng cao năng suất và hiệu quả.
Việc trồng nấm trên rơm rạ như trước kia, nay đã được thay thế bằng các loại mùn cưa, bông phù hợp, dễ thu mua, mà chất lượng nấm vẫn được đảm bảo thơm ngon và an toàn cho người tiêu dùng. Phương pháp này là kết quả của một quá trình dài mà nhóm thanh niên này học hỏi và nghiên cứu.
Tuy vậy để được thành quả như ngày hôm nay, thời gian đầu khi bắt tay vào làm nấm sạch hữu cơ thì các anh Nguyễn Trương Kiến Khương, Nguyễn Hữu Văn và bạn là kỹ sư xây dựng Phạm Tuấn Đạt cũng gặp phải không ít khó khăn.
Anh Khương cho biết: "Ban đầu trang trại trồng nấm rơm cũng gặp rất nhiều khó khăn. Thị trường để tiêu thụ nguồn nấm khá khó khăn khi mọi người chưa biết đến sản phẩm nấm rơm làm theo phương pháp hữu cơ. Giá bán nấm rơm hữu cơ ban đầu bị đánh đồng với nấm trồng bằng các phương pháp khác...".
"Nhưng sau một thời gian thì người tiêu dùng cũng đã nhận biết được giá trị của nấm rơm hữu cơ và cũng quen thuộc với sản phẩm. Vì vậy, nấm rơm hữu cơ được tiêu thụ thuận lợi hơn và được nhiều người biết đến", anh Khương cho biêt thêm.
Để sản phẩm nấm rơm hữu cơ đến tay người tiêu dùng đảm bảo an toàn cũng như hướng đến một mô hình hữu cơ trong trồng nấm rơm, anh Văn cho hay: "Trang trại trồng nấm rơm chúng tôi sản xuất theo hướng hữu cơ. Chúng tôi sử dụng các nguồn nguyên vật liệu tự nhiên như bông vỏ hạt, rơm, cám bắp, cám gạo, cám đậu nành. Chúng tôi không sử dụng bất cứ nguồn phân NPK, hoặc phân ure hóa học vô cơ. Vì chúng tôi muốn tạo ra một sản phẩm nấm rơm an toàn, tốt nhất cho sức khỏe người tiêu dùng."
Hiện nay, trung bình mỗi ngày trại nấm rơm cung cấp ra thị trường khoảng 50 ký nấm rơm, với giá bán nấm rơm hữu cơ là 70 ngàn đồng/kg. Lợi nhuận mỗi tháng từ việc bán nấm rơm và bán meo giống nấm rơm là khoảng 90 triệu đồng.
Không chỉ cung cấp nấm rơm thành phẩm ra thị trường mà trang trại nấm còn cung cấp cả meo giống nấm rơm cho bà con nông dân để tự trồng, tự kinh doanh.
"Ba chàng lính ngự lâm" đã vui vẻ trò chuyện với chúng tôi về định hướng cho tương lai, hướng tới một trang trại trồng nấm tự động hóa, cơ giới hóa và cho ra nhiều loại nấm hơn với số lượng nhiều hơn để phục vụ nhu cầu thị trường ngày một rộng rãi hơn.
Anh Khương hồ hỡi khoe: "Định hướng sắp tới là chúng tôi sẽ liên kết một số farm để triển khai trồng nấm rơm. Chúng tôi sẽ đến các farm và hướng dẫn cho bà con, cách để trồng nấm rơm, và cung cấp luôn nguồn giống nấm. Sau đó cùng vận hành chung với những farm đó để lan tỏa ra những người trồng nấm..."
"Ngoài ra chúng tôi sẽ nghiên cứu và trồng thêm một số loại nấm nhiệt đới như nấm bào ngư, nấm mèo sử dụng phương pháp mới là lên men nguyên liệu để tăng năng suất và chất lượng của các loại nấm hơn nữa.", anh Khương cho hay.
Qua 3 năm đi vào hoạt động đã cho thấy mô hình trại trồng nấm rơm trong nhà kính của hợp tác xã trồng nấm Vinh Phúc là một hướng đi đúng, góp phần phát triển kinh tế ở huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.