Đồng Xuân và tiếng oan thế kỷ

Nguyễn Ngọc Tiến Thứ sáu, ngày 11/02/2022 06:00 AM (GMT+7)
Năm 1889, chính quyền TP.Hà Nội cho lấp khúc sông Tô Lịch chảy qua Tổng Đồng Xuân để làm chợ. Ban đầu chợ họp trên bãi đất có hàng rào tre xung quanh. Năm 1890 họ dựng khung sắt và lợp mái bằng tôn. Sau đó xây tường mặt trước, mặt sau rồi bỏ rào tre bao gạch xung quanh.
Bình luận 0

Đồng Xuân là chợ đầu tiên cũng là chợ lớn nhất ở Việt Nam cuối thế kỷ XIX theo mô hình của phương Tây. Nếu chợ truyền thống họp theo phiên, hết phiên người bán hàng phải gánh gồng mang hàng về nhà thì Đồng Xuân ngày nào cũng họp.

Trước năm 1902 chợ chỉ họp 1 phiên vào ngày Chủ nhật nhưng sang năm 1903 chợ họp thêm 1 phiên vào ngày thứ Tư. Sở dĩ chính quyền mở thêm 1 phiên nữa để đáp ứng nhu cầu bán và mua tăng cao nhung cũng vì thuế chợ là nguồn thu rất lớn cho ngân sách thành phố. Chợ phiên họp bên ngoài khu chợ cố định, tức là ở phố Hàng Khoai, Đồng Xuân và Cao Thắng ngày nay. Người bán hàng ở khu vực chợ phiên đã phần là nông dân ngoại thành, họ bán nông cụ, rau quả, vật nuôi do họ làm ra. Muốn bán hàng ở chợ phiên, người bán phải mua vé.

xuan/Đồng Xuân và tiếng oan thế kỷ - Ảnh 1.

Từ khi ra đời ở cổng chợ có mấy bàn đổi tiền lẻ và các loại tiền châu Âu cho khách du lịch. Thời điểm này vẫn sử dụng song song hai loại tiền, tiền đúc của triều Nguyễn và tiền do Ngân hàng Đông Dương mới phát hành. Đồng Xuân không chỉ là chợ dành cho người Việt mà còn là chợ quan trọng của kiều dân Pháp. Cách bán hàng ở chợ Đồng Xuân cũng khác chợ truyền thống, những nhà buôn lớn có sạp to họ thuê giúp việc lấy hàng cho khách còn họ ngồi một chỗ thu tiền. Họ ngầm thống nhất giá bán để tránh chuyện tranh bán và trao đổi với nhau bằng tiếng lóng, ví dụ họ gọi Tây là "cú", người vùng biển họ gọi là "rươi", người khu 4 gọi là "cu chớ", vùng Nam Sơn Hạ gọi là "thâm"…

Khi khách mua món gì thì có đám "bát tê" (mang hàng hóa thuê) chìa rổ cho họ bỏ vào rồi "bát tê" mang ra xe và nhận tiền công. Cánh "bát tê" cạnh tranh đã sinh ra việc mất đồ nên người ta đồn chợ Đồng Xuân có nhiều kẻ cắp và đám kẻ cắp này nhanh như chớp nên mới có câu "Kẻ cắp chợ Đồng Xuân". Trong truyện ngắn "Mất cái ví" nhà văn Nguyễn Công Hoan cũng đã đề cập đến câu thành ngữ này.

Thực ra đây là tiếng oan thế kỷ của chợ Đồng Xuân. Trong nửa đầu thế kỷ XX, đàn ông Pháp hay đàn ông Việt chịu ảnh hưởng văn hóa Pháp, họ mặc quần Âu nhét ví tiền ở túi sau rồi cài khuy. Ví làm bằng da dầy ở góc gấp có 2 lỗ để móc dây xích, dây xích lại được móc vào đỉa ở cạp quần vừa làm điệu cũng là để bảo vệ cái ví. Chợ cũng không đông như hội nên kẻ cắp muốn móc cái ví cũng chẳng dễ gì. Đàn bà nông thôn đi chợ thì tiền dắt ở thắt lưng, Tây đầm hay con gái tân thời cầm ví trên tay vì thế muốn lấy thì chỉ có cách giật rồi bỏ chạy mà chạy trong chợ sao thoát.

Chủ chợ không chỉ quan hệ tốt với cảnh sát Pháp ở bốt Hàng Đậu mà còn có quan hệ với đám đầu gấu "Gái Hàng Khoai, trai Hàng Lược" nên đám móc túi không dám liều trong chợ. Tuy nhiên ở bến tầu điện trước chợ Đồng Xuân thì có móc túi. Kẻ gian lợi dụng lúc kẻ xuống người lên chen chúc nhau đã móc túi. Tuy nhiên kẻ cắp cũng chỉ lấy được tiền lẻ của mấy ông ở quê ra hớ hênh để vài đồng tiền trinh trong túi áo ta.

Vì chợ họp cả ngày nên chợ Đồng Xuân cũng có nhiều hàng ăn, hàng quà phục vụ cho người bán hàng và cả người đi chợ. Trong "Xẩm chợ Đồng Xuân" đã liệt kê ra nhiều loại quà như: Bún, phở xào, ngô bung, bún thang… nhưng còn thiếu rất nhiều. Chợ còn có nhiều loại quà quê là bún ăn với khế chua mắm tép, các loại bánh bằng bột gạo tẻ, gạo nếp và đặc biệt có hai loại bánh mà không nơi nào có là bánh rán lúc lắc và bánh mảnh cộng. Đầu thế kỷ XX trên một số phố bắt đầu xuất hiện các nhà bán quà sáng như bún, phở, bánh mì pa tê thì một số gia đình đã chuyển từ ăn cơm sáng sang ăn quà nhưng các hàng quà trong chợ Đồng Xuân vẫn đông đúc vì quà trong chợ rất ngon.

Trước Tết Nguyên đán dù có phố Hàng Buồm bán nguyên liệu nấu cỗ như: Măng khô, vi cá, mực khô, lạp xường…; Hàng Đường bán ô mai, mứt tết, rượu; Hàng Bồ bán câu đối, xin chữ thầy đồ… nhưng chợ Đồng Xuân vẫn nhộn nhịp vì chỉ ở đây mới có nhiều sản vật hiếm cho một cái tết sang trọng.

Đồng Xuân cũng là duy nhất bán củ hoa Thủy Tiên cho những người có thú chơi loại hoa này. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem