Dự án đô thị lấn biển vùng đệm vịnh Hạ Long: "Việc lớn như thế mà lãnh đạo địa phương không biết..?"
Dự án đô thị lấn biển trong vùng đệm vịnh Hạ Long: "Việc lớn như thế mà lãnh đạo địa phương không biết...?"
Gia Khiêm - Thanh Hà
Thứ năm, ngày 09/11/2023 13:05 PM (GMT+7)
"Tôi xin kiến nghị Phó Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo đến cùng, làm rõ trách nhiệm từng cá nhân, đơn vị. Nếu có sai phạm phải xử lý nghiêm. Việc lớn như thế, ai cũng nhìn thấy mà lãnh đạo địa phương không biết...?" - Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An thẳng thắn.
Trao đổi với PV Dân Việt, bà Bùi Thị An - Đại biểu quốc hội khóa XIII, nguyên Ủy viên Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội, Viện trưởng Viện tài nguyên, môi trường và phát triển cộng đồng khẳng định, vịnh Hạ Long là di sản thế giới được UNESCO công nhận. Đây là di sản quốc gia, tài sản vô cùng lớn, ai nào dám đụng đến khi chưa được phép!
"Tôi rất hoan nghênh khi Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã yêu cầu các bộ ngành, địa phương có liên quan kiểm tra thông tin phản ánh của báo chí về dự án khu đô thị quây núi đá vịnh Hạ Long làm 'hòn non bộ'. Tôi xin đề nghị Chính phủ đã chỉ đạo thì phải xử lý tận cùng, làm rõ trách nhiệm ai cho phép?", bà An thẳng thắn.
Theo bà An, việc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tổng số tiền là 125 triệu đồng đối với Công ty TNHH Đỗ Gia Capital trong việc triển khai thi công Dự án Khu đô thị tại khu 10B ở vùng đệm vịnh Hạ Long (phường Quang Hanh, TP.Cẩm Phả) vì: "Không công khai báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt kết quả thẩm định theo quy định trong trường hợp quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND cấp tỉnh; không thực hiện nội dung quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường" mới chỉ là bước đầu và "chưa tương xứng".
"Tôi xin kiến nghị Phó Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo đến cùng, làm rõ trách nhiệm từng cá nhân, đơn vị. Nếu có sai phạm phải xử lý nghiêm. Đây là di sản quốc gia, tài sản của 100 triệu người dân Việt Nam. Vịnh Hạ Long là di sản thế giới được UNESCO công nhận vì thế phải tuân thủ nguyên tắc quốc tế mà chúng ta đã ký thoả thuận và cam kết nên phải rất thận trọng trong việc này. Di sản quý như thế xảy ra trong vòng khoảng 3 tháng cuối cùng báo chí phát hiện, việc lớn như thế, ai cũng nhìn thấy mà lãnh đạo địa phương không biết?", bà An thẳng thắn nói.
Về vấn đề này, ông Đào Ngọc Nghiêm - Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, làm dự án ở khu vực di sản thiên nhiên thế giới, di tích lịch sử rất phức tạp. Dù dự án làm trong vùng đệm di sản thì việc thực hiện dự án phải có thỏa thuận từ UNESCO. Vùng đệm di sản không phải là vùng cố định nhưng cũng không phải vùng muốn làm gì thì làm.
Theo ông Nghiêm, việc phê duyệt dự án cần tôn trọng di sản, đặc biệt là những di sản đã được thế giới công nhận. Việc triển khai dự án trong vùng đệm di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long cần được kiểm tra, rà soát, điều chỉnh cho phù hợp.
San lấp vùng đệm Vịnh Hạ Long: Đau xót tài nguyên du lịch bị xâm hại
Ông Phạm Hà, CEO Lux Group, một chuyên gia trong lĩnh vực du lịch đã đi nhiều nơi cho biết: "Tôi chưa thấy nơi nào lại hủy hoại thiên nhiên khủng khiếp như ở Việt Nam. Có thể ví dụ như phá đi di tích đình, chùa… hay bê tông hóa, phá vỡ cảnh quan thiên nhiên như Sa Pa, Đà Lạt, Quảng Ninh, Phú Quốc. Điển hình như vịnh Lan Hạ (Cát Bà) trước đây có một làng chài rất đẹp tồn tại suốt nhiều năm với văn hóa sinh hoạt đặc trưng của người dân làng chài, nhưng sau đó đã bị một vài tập đoàn lớn di dời đi chỗ khác và san lấp biển, vậy là mất đi bản sắc văn hóa, điều tạo nên sự phát triển du lịch bền vững".
Việc xâm lấn vùng đệm 2 của Di sản Vịnh Hạ Long là kết quả của việc quy hoạch trước đó, là câu chuyện cốt lõi không trân quý tài nguyên di sản thiên nhiên.
"Chúng ta phát triển kinh tế bằng việc xây lô, biệt thự, bán bất động sản thì chỉ bán một thời điểm nào đó là xong, nhưng nếu phát triển kinh tế từ du lịch thì sẽ là phát triển bền vững. Việc bảo vệ, giữ gìn tài nguyên thiên nhiên và lấy đó phát triển du lịch thì có thể truyền từ đời này đến đời khác mà không bị mang tiếng là phá nát tài nguyên, không mang tiếng là "ăn hết" tài nguyên của con cháu", ông Phạm Hà chia sẻ.
San lấp vùng đệm Vịnh Hạ Long: Giảm giá trị và độ hấp dẫn của khu vực đối với du khách
TS Trịnh Lê Anh - Khoa Du lịch học, Trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, các quy định và hướng dẫn bảo tồn các Di sản Thế giới được UNESCO công nhận, như Vịnh Hạ Long ở Việt Nam, thường nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ vùng đệm xung quanh các địa điểm này.
Vùng đệm 1 và vùng đệm 2 xung quanh một Di sản Thế giới UNESCO như Vịnh Hạ Long thường được xác định dựa trên các quy định về bảo tồn và phát triển. Vùng đệm 1 là khu vực gần nhất và quan trọng nhất, bảo vệ trực tiếp di sản, trong khi vùng đệm 2 là khu vực tiếp theo, vẫn quan trọng để bảo vệ di sản nhưng không như chặt chẽ như vùng đệm 1.
Việc san lấp vùng đệm 2 để xây dựng các dự án như khu đô thị gặp phản đối từ cộng đồng và các nhà bảo tồn môi trường là điều có thể hiểu được. Điều này có thể vi phạm các quy định và hướng dẫn của UNESCO về việc bảo vệ vùng đệm xung quanh di sản thế giới. Mục tiêu chính của việc xác định vùng đệm là bảo vệ và duy trì tính nguyên vẹn của di sản, vì vậy việc san lấp này có thể gây ảnh hưởng đến giá trị và tính chất thiên nhiên của khu vực", TS. Trịnh Lê Anh cho biết.
Cũng theo TS Trịnh Lê Anh, việc can thiệp vào vùng đệm 2 của Di sản Vịnh Hạ Long, hệ lụy gây ra là có thể làm thay đổi cảnh quan tự nhiên, giảm sự đa dạng sinh học, ô nhiễm môi trường, và ảnh hưởng đến văn hóa cũng như du lịch bền vững. Nó có thể gây ra sự suy giảm về giá trị và độ hấp dẫn của khu vực đối với du khách, cũng như ảnh hưởng đến sức hút du lịch bền vững và phát triển kinh tế của khu vực. Tất nhiên, xác định mức độ ảnh hưởng phải dựa trên báo cáo tác động môi trường và một loạt các đánh giá chuyên môn cần thiết, không thể cảm tính.
Dự án Khu đô thị tại khu 10B, phường Quang Hanh, TP.Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh nằm ở mặt biển vịnh Bái Tử Long, gần đường ven biển Hạ Long - Cẩm Phả.
Dự án được UBND tỉnh Quảng Ninh chấp thuận tại quyết định số 3787 ngày 29/10/2021 với tổng mức đầu tư là 1.232 tỷ đồng.
Dự án có quy mô 31,8ha được dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng vào quý III/2026.
Quy mô các hạng mục công trình gồm: 451 căn biệt thự và nhà ở liền kề; xây thô và hoàn thiện mặt ngoài 52 căn biệt thự.
Sau khi hoàn thành các thủ tục, tháng 7/2023, Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ninh đã cấp phép xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật cho chủ đầu tư để thi công dự án.
Tháng 8/2023, dự án đô thị lấn biển được triển khai xây dựng. Sau 3 tháng thi công, dự án cơ bản hoàn thành đường công vụ rộng 7m để vận chuyển vật liệu xây bờ kè. Để thi công đường công vụ, đất đá được đổ xuống bãi lầy (khi thủy triều lên, đây là vùng nước sâu khoảng 2m).
Vui lòng nhập nội dung bình luận.