Dự án nhà ở cho công nhân ở TP. Thủ Đức 25 năm chưa xong giải phóng mặt bằng

Chấn Đức Thứ tư, ngày 24/07/2024 10:00 AM (GMT+7)
Dự án nhà ở cho cán bộ - công nhân viên và người lao động ở TP. Thủ Đức, TP.HCM "đắp chiếu" suốt 25 năm chưa thể giải phóng mặt bằng hoàn toàn vì vướng nhiều trở ngại. Chủ đầu tư đã gửi đơn kêu cứu khắp nơi, nhưng đến nay dự án vẫn bế tắc.
Bình luận 0

Đất dự án nhà ở cho công nhân ở TP. Thủ Đức bị lấn chiếm vô tội vạ

Năm 1998, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định giao đất (3ha) cho Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Trường Thịnh (thuộc Liên đoàn lao động TP.HCM)  làm chủ đầu tư dự án khu nhà ở cán bộ, công nhân viên và người lao động, tại phường Bình An, quận 2, TP.HCM (nay là TP. Thủ Đức, TP.HCM) (gọi tắt là dự án nhà ở cho công nhân ở TP. Thủ Đức).

Năm 2002, Công ty Trường Thịnh và Công ty cổ phần đầu tư và kinh doanh nhà Tân Việt An ký kết hợp đồng hợp tác kinh doanh, cùng góp vốn thực hiện dự án nhà ở cho công nhân ở TP. Thủ Đức. Từ năm 2003, Công ty Trường Thịnh và Công ty Tân Việt An đã tiến hành đền bù đất đai, hoa màu và vật kiến trúc với các hộ dân có đất nằm trong vùng quy hoạch dự án.

Dự án nhà ở cho công nhân ở TP. Thủ Đức 25 năm chưa xong giải phóng mặt bằng- Ảnh 1.

Một phần đất dự án nhà ở cho công nhân ở TP. Thủ Đức bị người dân rào tôn, lấn chiếm hàng ngàn mét vuông đất. Ảnh: Chấn Đức

Chủ đầu tư đã chi phí hàng chục tỷ đồng để bồi thường đất đai cho hơn 50 hộ dân. Việc bồi thường dựa trên phương án giải phóng mặt bằng đã được UBND TP.HCM phê duyệt vào năm 2004. Thế nhưng, ghi nhận của PV Dân Việt cho thấy sau hơn 20 năm, hiện trạng khu đất dự án nhà ở cho công nhân ở TP. Thủ Đức vẫn trong tình trạng… loang lỗ "da beo", chưa thể giải phóng mặt bằng xong.

Ông Nguyễn Đoàn Hồng Sơn, Trưởng ban quản lý dự án, đại diện Công ty Trường Thịnh, cho biết: "Một số hộ dân đã nhận tiền đền bù và đã giao đất cho dự án. Tuy nhiên sau vài năm, họ lại trở về, lấn chiếm đất dự án và tự tiện xây cất nhà trái phép tại dự án. 

Điều này, khiến cho dự án nhà ở cho công nhân ở TP. Thủ Đức trong tình trạng tranh chấp, không thể nào tiếp tục triển khai xây dựng hạ tầng như: đường sá, hệ thống cấp - thoát nước…".

Ghi nhận hiện trạng dự án thời điểm hiện nay cho thấy có rất nhiều diện tích đất, thuộc khu vực quy hoạch dự án đã và đang bị nhiều hộ dân lấn chiếm như: Hộ ông V.V.N chiếm khoảng 800m2 (năm 2016). Năm 2018, ông N. thuê người vô xây dựng công trình 137m2. Tiếp tục, những người này cho các đối tượng khác vào thuê và lấn chiếm thêm gần 2.000m2 đất thuộc dự án.

Dự án nhà ở cho công nhân ở TP. Thủ Đức 25 năm chưa xong giải phóng mặt bằng- Ảnh 2.

Khu đất dự án nhà ở cho công nhân ở TP. Thủ Đức đã được chủ đầu tư san lấp mặt bằng, nhưng không thể triển khai, vì các hộ dân lấn chiếm. Ảnh: Chấn Đức

Ngoài ra, còn xuất hiện hàng loạt hộ dân khác như: các hộ dân thuộc gia đình ông N.V.H lấn chiếm 300m2; hộ ông H.T.T lấn chiếm 2.000m2… "Toàn bộ các trường hợp lấn chiếm đất, xây dựng trái phép tại dự án; chúng tôi đã báo cáo kịp thời tới chính quyền địa phương. Chính quyền cũng lập biên bản, ra quyết định xử phạt hành chính, cưỡng chế… Tuy nhiên, các quyết định trên chỉ trên giấy, mà chưa có động thái nào cưỡng chế trên thực địa" - ông Sơn nói.

Hiện tại, chủ đầu tư mới giải phóng, quản lý một phần diện tích đất dự án và thực hiện đầu tư một đoạn ngắn đường nội bộ, hạ tầng điện - nước, thoát nước…

Sa lầy trong vụ tranh chấp hợp đồng hợp tác

Trong lúc hiện trường dự án nhà ở cho công nhân ở TP. Thủ Đức đang bị các hộ dân lấn chiếm, chưa có cách giải quyết, lại rơi vào tình trạng tranh chấp hợp đồng giữa Công ty Tân Việt An và Công ty cổ phần Đức Mạnh.

Cụ thể: Sau khi ký hợp đồng hợp tác góp vốn thực hiện dự án với Công ty Tân Việt An vào năm 2002; Công ty Trường Thịnh đồng ý cho Công ty Tân Việt An tìm đối tác liên doanh xây dựng các tòa nhà chung cư cao tầng tại một phần khu đất dự án (4.924m2), thuộc lô C1,C2 và C3.

Dự án nhà ở cho công nhân ở TP. Thủ Đức 25 năm chưa xong giải phóng mặt bằng- Ảnh 3.

Dự án nhà ở cho công nhân ở TP. Thủ Đức có tổng diện tích khoảng 3ha, nhưng chủ đầu tư mới tiếp nhận, đầu tư cơ sở hạ tầng một số nhỏ nền đất. Ảnh: Chấn Đức

Năm 2010, Công ty Tân Việt An và Công ty cổ phần Đức Mạnh ký kết hợp đồng hợp tác đầu tư. Theo đó, hai bên thỏa thuận giá trị khu đất để xây chung cư là 206,8 tỷ đồng. Tân Việt An góp 20% (41,3 tỷ đồng) và Đức Mạnh góp 165,4 tỷ đồng. Tính đến ngày 6/7/2011, Công ty Đức Mạnh đã thanh toán 115 tỷ đồng cho Công ty Tân Việt An.

Tuy nhiên, viện lý do Tân Việt An vi phạm "cam kết về thời hạn và tiến độ thực hiện nghĩa vụ", chưa hoàn thành công tác bồi thường, chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để giao mặt bằng cho Công ty Đức Mạnh xây dựng chung cư… Năm 2014, Công ty Đức Mạnh đã khởi kiện Công ty Tân Việt An, yêu cầu chấm dứt hợp đồng hợp tác.

Theo ông Nguyễn Hải Ninh - Tổng giám đốc Công ty Tân Việt An: "Về phía Công ty Đức Mạnh, cam kết thanh toán đợt 3 đủ số tiền 35 tỷ đồng để chúng tôi chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng. Nhưng Đức Mạnh mới thanh toán 15 tỷ đồng đã ngưng, dù chúng tôi liên tục yêu cầu thanh toán nốt 20 tỷ đồng còn lại. Điều này cũng làm cho việc bồi thường, giải phóng mặt bằng bị kéo dài, chậm ra giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…".

Dự án nhà ở cho công nhân ở TP. Thủ Đức 25 năm chưa xong giải phóng mặt bằng- Ảnh 4.

Về tổng thể, dự án nhà ở Trường Thịnh vẫn dậm chân tại chỗ, hoang hóa suốt 25 năm qua. Ảnh: Chấn Đức

Đề cập tới vụ việc này, ông Hoàng Anh Tấn, đại diện Công ty Trường Thịnh, cho rằng: "Công ty Trường Thịnh không tranh chấp với 2 doanh nghiệp trên. Nhưng Trường Thịnh là chủ đầu tư dự án được Chính phủ giao đất để triển khai dự án. Việc tranh chấp giữa Tân Việt An với Đức Mạnh, dù Đức Mạnh không liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của Trường Thịnh. Tuy nhiên, từ tranh chấp trên, cơ quan chức năng đã ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đã ảnh hưởng rất nhiều tới việc triển khai dự án".

Ông Nguyễn Ngọc Trường Sơn - Tổng giám đốc Công ty TNHH Kim Sinh - nói: "Đây là dự án nhà ở có thời gian kéo dài "khủng" ở TP. Thủ Đức. Trong lúc hàng ngàn hộ cán bộ - công nhân viên đang bức xúc, vì thiếu dự án nhà ở xã hội, thì ngay sát trung tâm thành phố, một dự án lại bị kéo dài vô thời hạn... Hàng ngày đi ngang qua khu đất, chúng tôi không khỏi tiếc nuối, vì càng kéo dài dự án thì càng lãng phí đất đai, càng thua thiệt cho chủ đầu tư".

Thật vậy, dự án khu nhà ở cán bộ - công nhân viên phường An Bình, TP. Thủ Đức, do Công ty Trường Thịnh làm chủ đầu tư đã kéo dài hơn 25 năm, vắt qua 2 thế kỷ. Việc dự án kéo dài gây bức xúc cho người dân và thiệt hại rất nhiều cho chủ đầu tư.

Hơn lúc nào, các bên liên quan trong dự án này mong mỏi cơ quan chức năng, chính quyền phường An Khánh và TP.Thủ Đức, kiên quyết xử lý các trường hợp lấn chiếm đất dự án, xây dựng trái phép… Từ đó, dự án mới sớm được triển khai, chấm dứt 25 năm bị đình trệ, kéo dài.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem