Đường lậu tràn lan, đường nội ế ẩm
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, niên vụ 2017 - 2018, ngành đường đối mặt với muôn vàn khó khăn, không chỉ tiêu thụ chậm mà giá đường liên tục giảm sâu, nhiều nhà máy đã bán bằng giá đường lậu, thấp hơn giá thành sản xuất. Giá tại thời điểm giữa tháng 5.2018 giảm mạnh so với đầu vụ, đường tinh luyện khoảng 2.000 đồng/kg, đường trắng khoảng 2.800 - 2.900 đồng/kg.
Mía đường trong nước ế ẩm vì đường nhập lậu giá rẻ tràn vào, nông dân trồng mía gặp nhiều khó khăn. Ảnh: T.L
Thời gian qua, riêng Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM kiểm tra 29 vụ có dấu hiệu kinh doanh đường lậu thì phát hiện có đến 25 vụ vi phạm, 4 vụ còn lại đang tiếp tục làm rõ. Chi cục đã tạm giữ hơn 138 tấn đường vi phạm... |
Nhiều nhà máy do tiêu thụ chậm không có doanh thu, không vay được ngân hàng, có nhà máy đã phải thanh toán tiền mía cho nông dân bằng đường. Lượng tồn kho tính đến 31.5.2018 tại các nhà máy đường khoảng 670.000 tấn. Trong khi đó, đường lậu, gian lận thương mại, hàng giả có xu hướng gia tăng.
Ông Phạm Quốc Doanh - Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết, từ sau khi phá thành công chuyên án “Tỷ đường” (An Giang), tình hình buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại lại diễn biến phức tạp, tinh vi hơn, gần như công khai và gia tăng ở nhiều tỉnh, thành phố.
Đường cát sau khi được tập kết dọc các tỉnh biên giới Lào và Campuchia được chuyển lậu bằng đường bộ và đường thủy vào nước ta, sau đó vận chuyển bằng ô tô tải thẳng về các điểm tiêu thụ mà vẫn giữ nguyên bao bì nhãn mác của nước ngoài (Thái Lan).
Thực hiện kết luận của Thủ tướng Chính phủ, từ ngày 7 đến 17.6.2018, Hiệp hội Mía đường Việt Nam đã phối hợp với Cục Quản lý thị trường và Tổ công tác đặc biệt 334 của Bộ Công Thương đi khảo sát tại TP.HCM; các tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang, Long An, Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị, Đà Nẵng về tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, sở hữu trí tuệ.
Tại TP.HCM, ngày 15.6, Chi cục Quản lý thị trường thành phố đã lập biên bản thu giữ 152 tấn đường không rõ nguồn gốc, bao bì. Ngày 14.6, tại Quảng Nam, Tổ công tác phát hiện 76 tấn đường nguyên bao nhãn mác Thái Lan nhưng không xuất trình được hóa đơn. Tại Đà Nẵng, nhiều cơ sở kinh doanh đang bán công khai đường nguyên bao của Thái Lan, thậm chí bán ngay tại vỉa hè…
Đường lậu sau khi tập kết thường được gỡ bỏ bao bì của nước sản xuất sau đó sử dụng bao bì, nhãn mác hoặc in theo mẫu bao bì nhãn mác của nhà máy, công ty đường trong nước. Mới đây Đội Quản lý thị trường 12B, Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM đã phát hiện, bắt quả tang xe ô tô vận chuyển 15 tấn đường cát bao bì có nhãn hiệu đường TTC Biên Hòa, không có hóa đơn, chứng từ. Công ty TTC Biên Hòa xác nhận toàn bộ đường cát trên không phải do công ty sản xuất.
Xử lý nghiêm việc hợp thức hoá đường lậu
Nguyên nhân của tình trạng đường lậu hoành hành, theo ông Phạm Quốc Doanh là do đường biên dài khó kiểm soát, đối tượng hoạt động với nhiều thủ đoạn tinh vi.
Ngày 15/6, Chi cục QLTT TP.HCM phối hợp với Tổ kiểm tra theo Quyết định số 334 của Bộ công thương kiểm tra 10 điểm ở quận 5 và quận 6. Qua đó lực lượng chức năng đã phát hiện các cơ sở vi phạm về kinh doanh đường nhập lậu, hết hạn sử dụng... Ảnh: plo
“Sự phối hợp của cơ quan chức năng trong chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại chưa thường xuyên, chưa tốt, nhất là công tác thông tin tố giác tội phạm, phối hợp hành động ngăn chặn và xử lý vi phạm” – ông Doanh cho biết.
Ông Doanh lấy ví dụ, ngày 16.6, tổ công tác khảo sát lối mòn trên sông Sepon, thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị, thấy các thuyền vận chuyển hàng lậu, đường cát liên tục cập bến chuyển hàng lên bờ, dùng xe máy chuyển về nơi tập kết. Sáng 17.6, Tổ công tác đến Đội Kiểm soát hành chính, Đồn Biên phòng Lao Bảo (gần điểm tập kết hàng lậu) để phản ánh tình trạng buôn lậu nhưng không gặp ai trực đồn.
Từ thực trạng trên, Hiệp hội Mía đường Việt Nam đề nghị Thủ tướng giao Ban chỉ đạo 389 quốc gia chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan tăng cường công tác phối hợp, triển khai các biện pháp tích cực ngăn chặn có hiệu quả tình trạng buôn bán hàng giả, gian lận thương mại mặt hàng đường.
Hiệp hội đề nghị Thủ tướng giao Bộ Công Thương chỉ đạo Cục Quản lý thị trường phối hợp với các bộ ngành có liên quan triển khai có hiệu quả các giải pháp chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại. Cho phép Hiệp hội Mía đường Việt Nam ký quy chế phối hợp với Cục Quản lý thị trường, Tổ công tác đặc biệt Ban Chỉ đạo 334 của Bộ Công Thương trong công tác chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại và sở hữu trí tuệ mặt hàng đường.
Bộ Tài chính nghiên cứu xem xét trình Thủ tướng Chính phủ việc đấu giá mặt hàng đường lậu theo hướng đấu giá hạn chế chỉ các doanh nghiệp sản xuất đường tham gia đấu giá đưa vào tái chế, tránh tình trạng lợi dụng trúng đấu giá để quay vòng hóa đơn hợp thức hóa đối với đường lậu.
Bộ NNPTNT chỉ đạo các Sở NNPTNT chấn chỉnh việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm đối với cơ sở được cấp giấy kinh doanh mặt hàng đường.
Yêu cầu UBND tỉnh, thành phố rà soát các doanh nghiệp đã được cấp phép kinh doanh, sản xuất, chế biến đường mà địa phương không có nhà máy đường về điều kiện sản xuất, nguồn gốc nguyên liệu, các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.
Hiệp hội Mía đường Việt Nam cũng đề nghị Thủ tướng sớm xem xét công bố cho phép một số cửa khẩu phụ tại tỉnh biên giới nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp mía đường tiêu thụ lượng đường đang tồn kho lớn và giá thấp hiện nay.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.