FBI để lọt lưới kẻ chủ mưu vụ khủng bố 11/9 như thế nào?

Minh Nhật (theo BBC News) Thứ năm, ngày 09/09/2021 15:17 PM (GMT+7)
Đã 20 năm trôi qua nhưng kẻ chủ mưu vụ khủng bố 11/9/2001 ở Mỹ - Khalid Sheikh Mohammed - vẫn chưa bị kết án. Khalid vốn là đối tượng theo dõi của FBI, vậy làm thế nào hắn có thể trót lọt vạch kế hoạch thực hiện vụ khủng bố đẫm máu cướp đi mạng sống của hàng nghìn người như vậy?
Bình luận 0
FBI để lọt lưới kẻ chủ mưu vụ khủng bố 11/9 như thế nào? - Ảnh 1.

Chân dung truy nã kẻ chủ mựu vụ tấn công 11/9 do Mỹ phát hành năm 2001. Ảnh BBC

"Hắn là đối tượng theo dõi của tôi", Frank Pellegrino, một cựu nhân viên của Cục Điều tra Liên bang (FBI) của Mỹ cho biết.

Khi Pellegrino chứng kiến cảnh 2 chiếc máy bay bị không tặc khống chế lao vào tòa tháp đôi của Trung tâm thương mại thế giới ở New York trên truyền hình khi đang ở một khách sạn tại Malaysia, ông vội thốt lên: "Chúa ơi, chắc chắn là Khalid Sheikh Mohammed".

Mục tiêu và tham vọng của Khalid là trùng khớp và Pellegrino là người duy nhất biết điều đó. Osama Bin Laden - vào thời điểm đó là thủ lĩnh của al-Qaeda là người nổi tiếng nhất sau vụ tấn công 11/9. Tuy nhiên, thực tế, Khalid - với tên gọi tắt là "KSM" mới là là "kiến trúc sư trưởng" cho kế hoạch tấn công nước Mỹ, Ủy ban điều tra 11/9 cho biết. 

Chính Khalid là người đã nảy ra ý tưởng tấn công và giới thiệu nó cho al-Qaeda.

Sinh ra tại Kuwait, Khalid từng học tại Mỹ trước khi tham gia chiến đấu tại Afghanistan vào những năm 1980. Nhiều năm trước vụ tấn công 11/9, Frank Pellegrino khi đó là đặc vụ FBI đã theo dõi hành tung của tên "thánh chiến" này.

Pellegrino đã được FBI phân công điều tra vụ đánh bom Trung tâm Thương mại Thế giới năm 1993. Và đó là lúc cái tên Khalid lần đầu tiên khiến giới chức Mỹ để mắt tới bởi vì hắn đã chuyển tiền cho một trong những tên tham gia vụ đánh bom.

Đặc vụ FBI đã nhận ra tham vọng lớn của Khalid vào năm 1995 khi hắn có liên quan đến một âm mưu cho nổ tung nhiều máy bay quốc tế trên Thái Bình Dương. Vào giữa những năm 1990, Pellegrino đã tiếp cận gần tên này, phát hiện hắn tại Qatar.

Đặc vụ FBI cùng đội ngũ đã tới Oman, từ đó họ có kế hoạch đến Qatar và bắt Mohammed. Chiếc máy bay đã sẵn sàng bắt đối tượng tình nghi này về Mỹ. Pellegrino đã bay đến Qatar và nói với đại sứ cùng các quan chức khác tại Đại sứ quán Mỹ ở Qatar rằng, Khalid bị cáo buộc âm mưu khủng bố liên quan đến các hãng hàng không. Thế nhưng, giới chức ngoại giao Mỹ tại Qatar lại có phản ứng chần chừ, vì lo ngại sẽ gây rắc rối tại Qatar.  

Cuối cùng, Đại sứ Mỹ tại Qatar lúc đó thông báo với Pellegrino rằng, giới chức Qatar cho biết đã mất dấu Khalid. 

"Lo lắng, giận dữ và chán nản. Chúng tôi biết vào thời điểm đó mình đã lỡ mất một cơ hội", ông Pellegrino nói. 

FBI để lọt lưới kẻ chủ mưu vụ khủng bố 11/9 như thế nào? - Ảnh 2.

Frank Pellegrino, đặc vụ FBI năm 1987 và năm 2020 từ trái qua phải. Ảnh BBC.

Nhưng cựu đặc vụ FBI cũng cho biết vào giữa những năm 1990 Khalid không phải là mục tiêu ưu tiên hàng đầu.

Pellegrino không thể đưa hắn ta vào danh sách 10 tên tội phạm bị truy nã hàng đầu của Mỹ. "Tôi được thông báo rằng có quá nhiều tên khủng bố trong danh sách đó rồi", Pellegrino nói.

Khalid dường như đã được cảnh báo về chuyện đang bị Mỹ theo dõi và trốn khỏi Qatar, cuối cùng hắn tới Afghanistan.

Trong những năm tiếp theo, cái tên Khalid vẫn thường xuất hiện trong danh bạ điện thoại của những kẻ tình nghi khủng bố bị bắt trên thế giới, điều này cho thấy rõ hắn có liên quan mật thiết. Và trong suốt những năm này, hắn đã tiếp cận bin Laden với ý tưởng huấn luyện bay cho những tên khủng bố để đâm máy bay vào các tòa nhà ở Mỹ.

Và rồi thảm kịch ngày 11/9 đã xảy ra. Mối nghi ngại của Pellegrino về vai trò của Khalid đã đúng khi mà nhân vật chủ chốt trong al-Qaeda khi bị bắt đã nhận ra hắn ta. 

"Khi phát hiện ra chính hắn là kẻ chủ mưu (vụ 11/9) thì không ai đau khổ hơn tôi", Pellegrino nói.

Vào năm 2003, Khalid từng bị truy lùng và bị bắt tại Pakistan. Pellegrino hy vọng hắn sẽ bị xét xử theo các buộc ông đang nắm trong tay.

Thế nhưng hắn bất ngờ biến mất. CIA đã đưa hắn đến một "địa điểm đen" nơi sử dụng "các biện pháp thẩm vấn tăng cường".

"Tôi muốn biết là hắn biết gì và muốn biết nhanh", một quan chức cấp cao của CIA nói vào lúc đó. 

FBI để lọt lưới kẻ chủ mưu vụ khủng bố 11/9 như thế nào? - Ảnh 3.

Frank Pellegrino luôn tự hỏi nếu ông bắt được tên Khalid từ những năm 1990 thì vụ tấn công 11/9 có được ngăn chặn hay không. Ảnh Reuters.

Khalid đã bị trấn nước ít nhất 183 lần, đôi khi được mô tả là "gần chết đuối". Hắn cũng bị bơm chất lỏng ngược lên trực tràng, bị quỳ, tra tấn không được ngủ, lột hết áo quần và nói con của hắn sẽ bị giết. Khi đó, hắn cũng thừa nhận nhiều âm mưu. Thế nhưng một báo cáo từ Thượng viện sau đó phát hiện rằng nhiều kết quả tình báo đã bị tên này bịa đặt.

Sau khi chi tiết về chương trình giam giữ của CIA được hé lộ, "những tên tù nhân giá trị cao" như Khalid đã bị chuyển đến vịnh Guantanamo vào năm 2006. FBI cuối cùng đã được phép tiếp cận.

Vào tháng 1/2007, Frank Pellegrino đã chạm mặt với kẻ mà ông đã theo dõi trong một thời gian dài.

Pellegrino và tên này ngồi đối diện nhau.

"Tôi muốn cho hắn biết rằng tôi đã truy đuổi hắn vào những năm 1990", Pellegrino cho biết, với hy vọng mở ra một cuộc đối thoại nhằm trích xuất thông tin về vụ 11/9.

Pellegrino mô tả Khalid là kẻ rất thú vị, có khiếu hài hước. Sau 6 ngày nói chuyện thì Khalid cuối cùng nói đã đủ.

Các nỗ lực đưa kẻ chủ mưu vụ 11/9 ra phán xét trước công lý đã bị gặp khó khăn. Một kế hoạch tổ chức phiên xét xử tại New York đã phải dừng lại sau khi vấp phải sự phản đối từ công chúng và giới chính trị. "Mọi người hét lên "Tôi không muốn kẻ này ở đây. Hãy giam hắn ở Guantanamo đi", Pellegrino, cũng là một công dân ở New York nói.

Tiếp theo đó là một phiên xét xử quân sự tại Guantanamo. Nhưng quy trình bị hoãn lại, lại thêm dịch Covid-19 lan tới nhà tù, khiến quá trình bị kéo dài. Tuần này sẽ có thêm các phiên xét xử nhưng khi nào kết thúc thì vẫn còn chưa rõ.

Pellegrino trước đó đã hoãn việc về hưu tại FBI suốt 3 năm với hy vọng rằng phiên toà quân sự xét xử Khalid" tại Guantanamo sẽ diễn ra và ông có thể tham gia đối chất."Sẽ tốt nếu tôi thấy phiên xét xử được hoàn tất khi tôi còn mang huy hiệu của FBI", Pellegrino nói.

FBI để lọt lưới kẻ chủ mưu vụ khủng bố 11/9 như thế nào? - Ảnh 4.

Đã 20 năm trôi qua kể từ vụ khủng bố 11/9. Ảnh Reuters

FBI để lọt lưới kẻ chủ mưu vụ khủng bố 11/9 như thế nào? - Ảnh 5.

nhưng kẻ chủ mưu gây ra vụ khủng bố đẫm máu này vẫn chưa bị đưa ra xét xử. Ảnh Reuters.

Thế nhưng cựu đặc vụ của FBI đã đến tuổi hưu và vừa rời khỏi cơ quan này khi việc xét xử Khalid vẫn còn dang dở.

Đã đi qua nhiều nước để theo dõi Khalid và giờ thì cựu đặc vụ của FBI cảm thấy có sự thất bại to lớn. Ông cảm thấy day dắt và thường đặt câu hỏi nếu ông bắt được tên khủng bố này vào những năm 1990 thì vụ tấn công khủng bố ngày 11/9 có thể được ngăn chặn hay không.

"Tên của hắn xuất hiện trong đầu tôi mỗi ngày và không phải là suy nghĩ gì hay ho", Pellegrino chia sẻ.


 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem