Gần 400 cơ hội việc làm cho lao động là người khuyết tật trên địa bàn Hà Nội

Thùy Anh Thứ năm, ngày 23/11/2023 18:14 PM (GMT+7)
Tham gia ngày hội việc làm, nhiều lao động là người khuyết tật còn được hỗ trợ đào tạo nghề, tư vấn giới thiệu nghề nghiệp miễn phí tại Hà Nội.
Bình luận 0

Nhiều vị trí việc làm tốt, thu nhập cao cho người khuyết tật

Sáng nay (23/11), Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội phối hợp với Hội Người khuyết tật Hà Nội tổ chức Phiên Giao dịch việc làm lồng ghép tuyển dụng lao động là người khuyết tật (NKT) trên địa bàn Hà Nội.

Chị Trịnh Thị Thúy – 31 tuổi, (Mỹ Đức, Hà Nội) là NKT vận động cho biết, trước đây chị từng tốt nghiệp CĐ chuyên ngành kế toán. Sau học chị cũng có 3 năm lăn lộn ở thị trường lao động, từng làm qua nhiều công việc.

Chị Thúy kể: "Tốt nghiệp xong tôi xin làm kế toán cho một công ty tư nhân, công ty rất tạo điều kiện cho tôi làm việc. Thu nhập mỗi tháng cũng được từ 6-7 triệu đồng, nhưng vì nhà xa thường xuyên di chuyển từ Hà Đông về Mỹ Đức khá vất vả nên tôi xin nghỉ việc".

Nghỉ việc, chị lập gia đình và về quê làm việc. Công việc mới của chị là thêu tranh, bán hàng online không đúng chuyên môn, nhưng cũng khá phù hợp với sức khỏe và thu nhập cũng đảm bảo.

"Thu nhập của tôi được 6-7 triệu đồng/tháng, cũng tương đương mức thu nhập trước đây nhưng được ở gần nhà, có thời gian ở nhà nhiều hơn để chăm sóc con. Tuy vậy, con giờ cũng lớn, tôi muốn tìm kiếm thêm thông tin có thể học nghề, chuyển đổi việc làm, tự kinh doanh phát triển theo hướng riêng của bản thân", chị Thúy nói.

phiên giao dịch việc làm cho người khuyết tật

Lao động là người khuyết tật được hỗ trợ tư vấn giới thiệu việc làm và học nghề tại phiên giao dịch việc làm. Ảnh: N.T

Thông qua phiên giao dịch việc làm lần này, chị Thúy đã kết nối được với đơn vị dạy nghề miễn phí. Khả năng chị sẽ xin học nghề pha chế hoặc làm bánh, dự định mở cửa hàng kinh doanh riêng.

Anh Đào Mạnh Nguyên, 28 tuổi (xã Phú Ninh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) khuyết tật vận động, suy giảm sức khỏe thì ứng tuyển vào vị trí nhân viên công nghệ thông tin của HTX Tâm Ngọc. Kết thúc buổi phỏng vấn, anh được công ty tuyển dụng, đào tạo nghề cam kết nhận vào làm việc.

"Em cảm thấy rất may mắn, hạnh phúc vì đã tìm kiếm được cơ hội học nghề, làm việc. Đây là công việc em thích nhất cũng cảm thấy phù hợp nhất với bản thân vì em bị khuyết tật vận động, rất khó đi lại", anh Nguyên chia sẻ.

"Dạy nghề, tạo việc làm cho cho NKT chính là con đường bền vững giúp họ thực sự hòa nhập vào đời sống. Có việc làm, NKT không chỉ có cơ hội tiếp xúc với xã hội mà còn có thu nhập, tạo dựng cuộc sống tự lập".

Ông Trịnh Xuân Dũng - Phó Chủ tịch Hội NKT Hà Nội

Ông Nguyễn Kim Khôi – Giám đốc Công ty TNHH xã hội 3/12 cho biết, hiện công ty đang tiếp nhận dạy nghề may tạo việc làm cho hàng chục lao động là người khuyết tật. Lao động đến đây không chỉ được tạo việc làm mà còn được dạy nghề may cờ. Lao động được hỗ trợ học nghề miễn phí, hỗ trợ ăn ở, còn được hỗ trợ thêm 500 nghìn đồng/1 người. Thu nhập của lao động sau học nghề có thể đạt từ 7-8 triệu đồng/1 người, chưa kể tăng ca.

Là một trong hàng trăm đơn vị tham gia phiên giao dịch, Trung tâm Huấn luyện bay thuộc Công ty CP Đào tạo huấn luyện nghiệp vụ hàng không Việt Nam giới thiệu 65 vị trí việc làm hàng không cho các bạn lao động là NKT.

phiên giao dịch việc làm Hà Nội

Đại biểu tham gia khai mạc Phiên giao dịch việc làm cho NKT Hà Nội. Ảnh: N.T

Bà Phạm Thúy Huyền – Phó Giám đốc Thường trực Trung tâm Huấn luyện bay - Công ty CP Đào tạo huấn luyện nghiệp vụ hàng không Việt Nam cho biết có nhiều vị trí tuyển dụng phù hợp với NKT vận động như Đào tạo nghiệp vụ bán vé máy bay; maketing; cán bộ tuyển sinh… các bạn lao động chỉ cần có máy tính, ngồi 1 chỗ là có thể làm việc. 

Nhiều cơ hội việc làm dành cho người khuyết tật

Theo báo cáo của Sở LĐTBXH TP Hà Nội, hiện Hà Nội có khoảng hơn 100.000 NKT, trong đó có trên 30.000 người có khả năng lao động. Để tạo việc làm cho nhóm này TP. Hà Nội đã đưa ra nhiều giải pháp cụ thể.

Ông Nguyễn Tây Nam - Phó Giám đốc Sở LĐTBXH TP Hà Nội cho biết, ngoài chương trình hỗ trợ học nghề, thành phố cũng yêu cầu các đơn vị liên quan tổ chức các phiên giao dịch việc làm nhằm kết nối việc làm cho lao động.

Ông Nam đánh giá cao bản tính cần cù, khéo léo, nghị lực vượt khó và khát khao được làm việc để khẳng định bản thân của NKT. Ôn hy vọng những NKT tham gia phiên giao dịch có thể tìm kiếm được việc làm phù hợp, có thu nhập để tự chăm lo cho chính mình và đóng góp cho sự phát triển của xã hội.

phiên giao dịch việc làm cho người khuyết tật

Rất nhiều lao động là người khuyết tật tham gia tìm kiếm việc làm tại phiên giao dịch. Ảnh: N.T

"Giải quyết việc làm cho NKT không chỉ là trách nhiệm của Nhà nước, mà đó còn là trách nhiệm của cả cộng đồng xã hội. Với tinh thần này, tôi mong muốn cộng đồng DN phát huy trách nhiệm hơn nữa để cùng Nhà nước và toàn xã hội mang cơ hội việc làm đến cho NKT. Đồng thời hãy tin tưởng, NKT hoàn toàn có khả năng lao động sản xuất để tạo ra của cải vật chất, đóng góp cho sự phát triển của DN nói riêng và xã hội nói chung", ông Nam nói.

Thống kê từ phiên giao dịch việc làm cho người khuyết tật lần này cho biết, có 38 đơn vị, DN tham gia tuyển dụng và tuyển sinh 1.080 chỉ tiêu. Đặc biệt, trong đó có 15 DN, cơ sở dạy nghề có chủ sử dụng lao động là NKT tham gia tuyển dụng và tuyển sinh 375 chỉ tiêu. Trong đó có các cơ sở sản xuất, đào tạo có uy tín thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như Công ty TNHH Mỹ nghệ Hồng Ngọc, Công ty TNHH Thêu tranh ảnh cao cấp Hoàng Thị Khương, Công ty TNHH Xã hội 3/12,… tuyển dụng lao động khuyết tật vào làm nghề may, nhân viên kinh doanh, thợ thêu tranh, thợ may công nghiệp…



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem