Giá vé máy bay nhảy theo giờ trong cao điểm, Bộ GTVT nói gì?
TP.HCM: Người dân thắc mắc giá vé máy bay "nhảy" theo giờ trong cao điểm, Bộ Giao thông Vận tải nói gì?
Hồng Trâm
Thứ sáu, ngày 16/09/2022 10:04 AM (GMT+7)
Thời gian qua, hàng không nội địa dần phục hồi, nhu cầu đi lại của hành khách tăng đột biến khiến giá vé máy bay "nhảy" theo giờ trong các dịp cao điểm.
Đến hẹn lại lên, vé máy bay tăng chót vót trong cao điểm
Thị trường hàng không Việt Nam đang bước vào giai đoạn phục hồi nhanh chóng với nhu cầu di chuyển tăng vọt của hành khách trong nước và quốc tế. Đặc biệt, các dịp cao điểm, lượng khách tăng mạnh nên giá vé máy bay liên tục leo thang. Theo đó, các hạng vé giá rẻ vừa mở bán lập tức được khách "săn" ngay, thậm chí các hạng vé giá cao cũng được mua hết một các nhanh chóng.
Khảo sát của Dân Việt, vào cao điểm, giá vé máy bay thường tăng cao gấp nhiều so với ngày thường. Đáng chú ý, cao điểm hè vừa qua, nhu cầu đi lại tăng đột biến khiến giá vé "nhảy" theo giờ. Đặc biệt, các chặng bay "vàng" từ Hà Nội, TP.HCM đến nhiều điểm du lịch nổi tiếng như Phú Quốc, Nha Trang, Quy Nhơn, Đà Nẵng, Huế... giá vé liên tục tăng "ngất ngưỡng".
Chị Nguyễn Thị Nga (33 tuổi, nhân viên văn phòng tại TP.HCM) chia sẻ dịp hè vừa qua chị quyết định đặt vé đi Phú Quốc cho cả nhà đi du lịch. Tuy nhiên, chị không khỏi bàng hoàng khi đại lý vé liên tục báo giá mới chỉ sau vài cú nhấp chuột.
Theo đó, chị Nga đặt vé Vietnam Airlines cho chặng bay khứ hồi TP.HCM - Phú Quốc đi ngày 22/7 về 25/7. Ban đầu đại lý báo giá hơn 12 triệu đồng cho 3 người lớn 1 trẻ em nhưng chỉ 10 phút sau hội ý để chốt thì mức giá mới là 13 triệu đồng và sang buổi chiều giá này đã lên trên 15 triệu đồng cho 4 khách.
"Đại lý nói rằng lịch bay là ngày cuối tuần nên giá vé tăng cao, cộng với việc số lượng vé còn trống rất ít. Cuối cùng, tôi phải chấp nhận chuyển tiền mua vé vì sợ rằng để thêm lâu thì giá vé sẽ còn tiếp tục tăng", chị Nga chia sẻ.
Tương tự, cao điểm 2/9 vừa qua, giá vé máy bay cũng tăng cao. Đơn cử, chặng Hà Nội - TP.HCM dao động trong khoảng 3-5,3 triệu đồng, cao hơn ngày thường 1,8-2,5 triệu đồng.
Một trường hợp khác, anh Nguyễn Thế Hà (44 tuổi) chia sẻ: "Lễ 2/9 vừa qua, tôi đặt vé khứ hồi chặng TP.HCM - Côn Đảo, giá vé lên tới 10 triệu đồng. Mức giá này đắt hơn ngày thường 3-4 lần nhưng vì nhu cầu du lịch của gia đình nên tôi đành bấm bụng chấp nhận đặt vé".
Đại diện một hãng hàng không cho biết các dịp cao điểm là thời điểm lượng khách tăng đột biến nên giá vé rẻ thường hết sớm. Thông thường, giá vé máy bay của các hãng được phân theo dải từ thấp đến cao nên với các chặng bay đến những điểm du lịch "nóng" giá vé thường tăng liên tục theo nhu cầu đặt mua của khách.
"Bên cạnh đó, ngoài yếu tố cung cầu đẩy giá máy bay cao điểm hè tăng nhanh thì giá nhiên liệu đầu vào đang tăng gấp đôi cũng khiến giá thành vé máy bay tăng thêm so trước trước đó. Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm, có thời điểm giá xăng Jet-A1 tăng trên 160 USD một thùng khiến chi phí hoạt động của hãng tăng cao", vị này giải thích thêm.
Giá vé máy bay vẫn chưa vượt trần
Vừa qua, cử tri TP.HCM đã có kiến nghị giảm biên độ dao động của giá vé máy bay trong giai đoạn cao điểm hè gửi Bộ Giao thông Vận tải. Trả lời vấn đề này, Bộ Giao thông Vận tải cho biết giá vé máy bay vẫn chưa vượt mức tối đa của khung giá ban hành từ năm 2015 tới nay.
Theo đó, Bộ Giao thông Vận tải cho biết giá vé máy bay phổ thông nội địa được thực hiện theo khung giá quy định tại thông tư số 17/2019/TT-BGTVT của bộ này về khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa.
Theo đó, giá vé máy bay trên các đường bay nội địa được thực hiện theo cơ chế giá vé linh hoạt, hãng hàng không kê khai nhiều dải giá gồm nhiều mức giá từ thấp đến cao đảm bảo không vượt mức giá tối đa (giá trần) quy định tại thông tư số 17/2019/TT-BGTVT. Hãng hàng không thực hiện niêm yết giá công khai trên trang thông tin điện tử của hãng.
Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Vận tải cho biết mức tối đa giá vé máy bay hạng phổ thông nội địa theo thông tư 17/2019/TT-BGTVT đã được áp dụng từ năm 2015 đến nay. Từ đầu năm 2022, giá nhiên liệu bay Jet A1 liên tục tăng cao, ảnh hưởng đến chi phí của hãng hàng không nên các hãng đề xuất tăng giá trần vé máy bay nội địa.
Tuy nhiên, trong thời gian chưa tăng giá trần, các hãng hàng không đã chủ động điều chỉnh các mức giá và tỉ lệ bán vé tương ứng với từng mức giá để giảm thiểu tác động về chi phí do biến động của giá nhiên liệu.
Được biết, tháng 7/2022 vừa qua, Cục Hàng không Việt Nam đã có công văn gửi Bộ Giao thông Vận tải báo cáo một số giải pháp giảm chi phí cho ngành hàng không trước giá xăng tăng cao. Trong đó đáng chú ý là việc đơn vị này đề xuất tăng giá trần vé máy bay nội địa lên 3,75% so với quy định hiện hành.
Đây là lần thứ ba Cục Hàng không Việt Nam đưa ra đề xuất nới giá trần với lý mục đích tháo gỡ khó khăn cho các hãng hàng không đang chịu sức ép chi phí giá nhiên liệu tăng cao. Theo đó, các hãng Vietnam Airlines, Bamboo Airways, Vietjet Air đều cho rằng cần phải điều chỉnh giá trần vé máy bay.
Trước đó, tháng 4/2022, Bộ Giao thông Vận tải đã "bác" đề nghị tăng giá trần vé máy bay, với lý do giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa được thực hiện theo cơ chế giá vé linh hoạt. Các hãng hàng không vẫn có thể chủ động điều chỉnh các mức giá và tỉ lệ bán vé tương ứng với từng mức giá để giảm thiểu tác động về chi phí do biến động giá nhiên liệu.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.