Công nhân không có nhiều khả năng tích lũy để mua nhà ở xã hội

Thùy Anh Thứ sáu, ngày 28/04/2023 06:00 AM (GMT+7)
Hầu hết công nhân đều sống trong cảnh thuê trọ và nhiều người trong số ấy phải sống trong những căn nhà "ổ chuột".
Bình luận 0

Thăm nhà công nhân đang ở, chuột rơi cả xuống sàn!

Nhu cầu nhà ở công nhân, nhà cho người thu nhập thấp đang rất lớn và cấp bách là vấn đề đáng quan tâm nhất tại buổi tọa đàm "Chỗ ở và nhà ở - Nhu cầu cấp bách của công nhân" do Báo Kinh tế và Đô thị, Tổ chức ActionAid quốc tế tại Việt Nam và Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam phối hợp tổ chức chiều 27/4 vừa qua.

Ông Vũ Minh Tiến - Viện trưởng Viện công nhân Công đoàn cho hay, qua khảo sát, nhu cầu nhà ở của công nhân rất lớn. Tuy nhiên, hầu hết khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN, KCX) không đáp ứng được.

Còn ông Lê Văn Nghĩa - Trưởng Ban quản lý dự án thiết chế công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết, tại nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất, công nhân phải thuê nhà trọ do người dân tự xây dựng, điều kiện sống khá tạm bợ, diện tích phòng trọ chật hẹp (10m2), không có không gian vui chơi, giải trí...

"Khảo sát tại tỉnh Hà Nam, công nhân sinh sống trong những dãy nhà cấp bốn, điều hòa không có, mùa hè nóng bức, thậm chí càng quạt càng nóng...", ông Lê Văn Nghĩa nói.

nhà ở công nhân

Các chuyên gia tìm lời giải cho bài toán thiếu nhà ở cho công nhân. Ảnh: KTĐT

Ông Tạ Việt Anh - Chủ tịch Quỹ hỗ trợ chương trình, Dự án An sinh xã hội Việt Nam cho biết, nhiều lần Quỹ của ông đi thực tế tại các khu công nghiệp vào thăm nhà ở công nhân. "Không hiếm lần đang ngồi nói chuyện mà chuột chạy trên trần nhà, thậm chí rơi cả xuống dưới sàn. Vấn đề nhà ở của công nhân, lao động có thu nhập thấp đang rất cấp bách" - ông Việt Anh nói.  

Hà Nội thiếu nhà ở xã hội cho công nhân trầm trọng

Cũng như nhiều những thành phố lớn, nơi tập trung đông các khu công nghiệp, tình trạng nhà ở cho công nhân vừa thiếu, vừa yếu.

Ông Trần Anh Tuấn - Phó Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp và khu chế xuất Hà Nội cho biết, Hà Nội có 10 khu công nghiệp, gần 170.000 công nhân. Hầu hết các khu công nghiệp chưa quy hoạch, bố trí chỗ ở cho công nhân. Đến nay, mới có 4 khu công nghiệp có khu nhà ở cho công nhân, tổng công suất thiết kế khoảng 22.450 chỗ ở. Số nhà ở này mới đáp ứng được khoảng 13% nhu cầu.

Hầu như các gia đình công nhân không có nhiều khả năng tích lũy kinh tế để mua nhà ở xã hội. Do vậy, họ phải trông chờ vào việc trợ cấp của nhà nước, doanh nghiệp, nhằm thuê những căn hộ phù hợp khả năng kinh tế, bảo đảm nhu cầu cuộc sống.

Giá thuê nhà ở cho công nhân ở các khu công nhân được bố trí, doanh nghiệp hỗ trợ khá rẻ, chỉ từ 70-120 nghìn đồng/1 người hoặc 1 hộ gia đình. Tuy nhiên, vì số lượng ít nên không phải ai cũng tiếp cận được.

Để có thêm nhà ở và nơi vui chơi cho công nhân, từ năm  2015-2017, Tổng Liên đoàn Lao động đã có tờ trình Thủ tướng Chính phủ về đề án thiết chế công đoàn (gồm nhà ở, nhà văn hóa, thể thao, trạm y tế, nhà trẻ, dịch vụ, thương mại...) phục vụ công nhân khu công nghiệp. 

Chính phủ đã có quyết định giao Tổng Liên đoàn Lao động thực hiện 50 thiết chế công đoàn. Hiện đã có 35 tỉnh, thành giới thiệu địa điểm (quy mô 3-7ha) cho Tổng Liên đoàn Lao động để bố trí xây dựng. Tuy nhiên, còn một số vấn đề về pháp lý cần phải điều chỉnh.

"Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam rất quyết tâm, đưa ra các giải pháp, chính sách tháo gỡ để có thể đứng ra làm nhà ở cho công nhân...", ông Lê Văn Nghĩa nói.

nhà ở công nhân

Đa phần công nhân đều phải sống ở những căn phòng trọ chật hẹp. Ảnh: NN

Gần đây nhất, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chương trình xây dựng 1 triệu nhà ở cho công nhân. Tuy nhiên, đó cũng mới là chủ chương, cần thời gian để thực hiện.

Kể cả khi có nhà ở xã hội thì với mức lương như hiện nay, theo ông Vũ Minh Tiến, công nhân lao động cũng rất khó có thể mua nhà khi tiền lương chưa đủ sống (chỉ từ 6-9 triệu đồng/tháng). "Sẽ phải mất ít nhất vài chục năm công nhân mới có thể tích lũy mua được nhà, nhưng không phải công nhân, lao động nào cũng tích lũy được vì có người còn lương thấp không đủ chi tiêu", ông Tiến nói.

Ông Vũ Minh Tiến cho rằng, để công nhân tiếp cận được với nhà ở giá rẻ, bên cạnh hoàn thiện chính sách, cần phải thay đổi cả nhận thức, hành vi của các cấp chính quyền, cán bộ giải quyết thủ tục liên quan đến phát triển nhà ở, cấp phép, vay vốn... Đặc biệt, cần có sự tham gia của Nhà nước, các tổ chức, người sử dụng lao động trong việc hỗ trợ, phát triển nhà ở cho công nhân.

Theo báo cáo tổng hợp của Bộ Xây dựng thu thập ý kiến của người dân, cơ quan, các bộ ngành trong cả nước, kết quả phát triển nhà ở xã hội thời gian qua chưa đạt yêu cầu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Quỹ đất dành cho phát triển nhà ở xã hội trong giai đoạn vừa qua còn thiếu rất nhiều, cả nước mới quy hoạch, bố trí được 36,34% diện tích đất so với nhu cầu đến năm 2020.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem