Hà Nội đưa sản phẩm lụa Vạn Phúc ra thế giới

Thứ hai, ngày 15/02/2016 10:00 AM (GMT+7)
''Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát / Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông / Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng / Thơ của anh vẫn còn nguyên lụa trắng'' (Thơ Nguyên Sa)
Bình luận 0

img

Khách du lịch tham quan và chọn mua sản phẩm lụa Vạn Phúc. (Ảnh: Thanh Hà/TTXVN)

Những tứ thơ làm say đắm lòng người gợi nhớ về một thức vải quý hiếm từng là vật phẩm cung tiến triều đình - lụa Vạn Phúc (Hà Đông, Hà Nội).

Trải qua bao đổi thay, có những giai đoạn tưởng như nghề dệt lụa truyền thống của làng Vạn Phúc không còn giữ được nhưng những người dân làng lụa đã vững vàng vượt qua sóng gió, tìm ra hướng đi mới để bám khung cửi giữ lấy nghề truyền thống của ông cha. Giờ đây, làng nghề Vạn Phúc còn là một điểm đến du lịch và lụa Vạn Phúc lại có cơ hội theo chân du khách ra thế giới.

Người Vạn Phúc luôn tự hào về nghề truyền thống của mình. Dưới triều nhà Nguyễn sản phẩm lụa Hà Đông đã được chọn để may quốc phục cho hoàng triều. Sang thời kỳ Pháp thuộc, các sản phẩm lụa Hà Đông cũng đã gây dựng được tiếng vang tại hội chợ kinh tế Marseille (Pháp) năm 1973 khi nhận được giải cao. Thời bấy giờ, chỉ bằng những khung dệt thô sơ, nguyên liệu tơ tằm nguyên chất nhưng dưới bàn tay khéo léo của các nghệ nhân, lụa Hà Đông đã trở thành mặt hàng được ưa chuộng của giới thượng lưu.

Tuy có một thời kỳ phát triển rực rỡ như vậy, nhưng những năm gần đây dưới sức cạnh tranh của nhiều mặt hàng lụa nhập ngoại cũng như các chất liệu vải khác nhau khiến lụa Vạn Phúc mất đi thị trường. Các sản phẩm lụa tơ tằm làm bằng thủ công sản xuất ra không đáp ứng kịp nhu cầu thị trường.

Bên cạnh đó, sự ra đời của các loại vải làm từ sợi công nghiệp chất lượng tuy không tốt nhưng giá thành rẻ luôn được ưa chuộng khiến thị trường của lụa tơ tằm Vạn Phúc bị ảnh hưởng.

Làm thế nào để giữ lửa cho làng nghề để lụa Vạn Phúc được bảo tồn và phát triển đang là nỗi trăn trở của những nghệ nhân làng nghề nơi đây. Đây cũng chính là việc các nghệ nhân đã dồn tâm huyết vào những thước lụa, nâng cao chất lượng sản phẩm để làng nghề vượt qua những khó khăn, thử thách, đứng vững trên thương trường.

Nói về quy trình sản xuất ra sản phẩm lụa tơ tằm, ông Phạm Khắc Hà, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Vạn Phúc, cho biết lụa tơ tằm được xếp trong nhóm vải quý, được ưa chuộng, là sản phẩm của thiên nhiên, nhưng chứa đựng công sức và tâm tư của con người.

Các nghệ nhân đã phải tỉ mẩn từ những công đoạn đầu tiên như trồng dâu nuôi tằm để lấy tơ, phải kén được loại tơ của ấu trùng ăn lá của cây dâu tằm là loại tơ cho chất lượng đẹp và ổn định đến công đoạn làm sợi.

Trải qua các giai đoạn khác như nhập tơ, guồng tơ, mắc cửi... tơ tằm được cửi và dệt thành miếng vải trơn. Với nhiều cách dệt có thể cho nhiều loại vải khác nhau. Những miếng vải dệt là lụa mộc, màu trắng ngà, mỏng sau đó được đem nhuộm bằng những nguyên liệu thiên nhiên như lá bàng và một số loại cây, củ. Các hoa văn, họa tiết trên lụa thường đơn giản, nhã nhặn.

Ngoài ra, bằng sự sáng tạo độc đáo của riêng mình, các nghệ nhân Vạn Phúc đã tạo ra một loại lụa độc đáo, chỉ có của riêng làng nghề này là lụa vân - một loại lụa có hoa văn nổi vân trên bề mặt. Mật độ các sợi ngang, sợi dọc dày khi nhuộm, độ thẩm thấu màu cao hơn. Loại hoa văn dùng trên lụa này thường là song hạc, tứ quý...

Làm nên giá trị của lụa Vạn Phúc không thể không kể đến bước đột phá trong công nghệ nhuộm lụa không phai đã tạo ra bước ngoặt lớn cho thương hiệu nổi tiếng lụa Vạn Phúc. Bằng kinh nghiệm và tình yêu với nghề dệt lụa cổ truyền, nghệ nhân Lê Văn Thành đã tạo ra “bí quyết” nhuộm lụa đa màu, không phai đã tô điểm thêm vẻ đẹp cho những thước lụa Vạn Phúc nổi tiếng có từ ngàn năm.

Giai đoạn vừa qua, lụa Vạn Phúc cũng gặp không ít khó khăn. Người sản xuất lụa phải mua nguyên liệu trôi nổi trên thị trường, nguồn hàng và giá thành không ổn định, công nghệ xử lý nguyên liệu còn thấp. Bên cạnh đó còn phải cạnh tranh với các sản phẩm nhập lậu từ Trung Quốc, giá thành rẻ hơn nên lụa Vạn Phúc cũng chịu rất nhiều ảnh hưởng.

Trước những khó khăn của làng nghề đồng thời thực hiện chủ trương của thành phố khôi phục các làng nghề truyền thống, Quận ủy Hà Đông đã xây dựng và triển khai đề án phát triển về kinh doanh dịch vụ và thương mại, đặc biệt là phát triển khôi phục làng nghề truyền thống Vạn Phúc.

Cùng với duy trì các gian hàng hiện có, Hiệp hội làng nghề Vạn Phúc có nhiệm vụ tham mưu, thành lập các doanh nghiệp để thúc đẩy sản xuất và mở rộng thị trường.

Ngoài việc thành lập công ty cổ phần, Hiệp hội làng nghề Vạn Phúc cũng là nơi cải tạo hệ thống cơ sở làng nghề, góp phần đẩy mạnh du lịch, thương mại. Các hộ sản xuất cũng mở những lớp nâng cao kỹ thuật dệt và nâng cao kỹ thuật sửa chữa máy dệt.

Theo ông Phạm Khắc Hà, Chủ tịch Hiệp hội làng nghề dệt lụa Vạn Phúc, ba năm gần đây, Hiệp hội được Học viện Mekong của Thái Lan mời sang dự hội thảo ngành dệt tơ tằm của các nước tiểu vùng sông Mekong, bao gồm sáu quốc gia Việt Nam, Trung Quốc, Myanmar, Lào, Campuchia và Thái Lan.

Ngoài ra, ban tổ chức còn mời thêm một số nước như như Ấn Độ, Nhật Bản, Australia… đến để các làng nghề có cơ hội học tập kinh nghiệm sản xuất tơ tằm của các nước, từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm; đồng thời, tạo điều kiện cho Hiệp hội mang sản phẩm tham gia các hội chợ ở Thái Lan, Italy, Nga.

Sản phẩm đi tham dự tại các hội chợ được đánh giá tốt, sản phẩm đẹp, chất lượng. Và cũng thông qua những đợt hội thảo đó, tạo điều kiện cho các đoàn tham quan du lịch đến địa phương, tạo cơ hội cho du lịch làng nghề phát triển.

Đến Vạn Phúc ngày hôm nay, bộ mặt làng nghề như được thay áo mới, được quy hoạch lại, xây dựng, cải tạo khang trang. Tiếng máy trong các xưởng dệt rộn ràng, những người thợ dệt cần mẫn bên khung cửi để dệt nên những tấm lụa làm nên thương hiệu làng nghề.

Trong cơ chế thị trường, nhiều làng lụa đã phải tìm lối đi riêng để tồn tại và phát triển. Vạn Phúc là một trong những làng nghề đã thành công trong việc tìm ra hướng đi mới, bảo tồn nghề gắn với phát triển du lịch.

Vạn Phúc hiện nay đã trở thành một điểm đến quen thuộc của các tour du lịch làng nghề. Du khách đến Vạn Phúc không chỉ mua được sản phẩm lụa tơ tằm chính hiệu mà còn được thăm quan các cơ sở sản xuất tìm hiểu về quy trình sản xuất ra sản phẩm và trò truyện cùng các nghệ nhân và tìm hiểu về lịch sử của một làng nghề nức tiếng mới được công nhận danh hiệu là làng nghề truyền thống lâu đời nhất còn hoạt động đến nay.

Lần đầu tiên đến Việt Nam du lịch cùng chồng, bà Theresa d Lan Lee-England bày tỏ từng mơ ước được đến làng dệt. Lần này đến đây bà đã được chứng kiến người thợ dệt làm ra sản phẩm rất đẹp mà ở nước Anh không có.

“Tôi sẽ chụp nhiều ảnh để khoe với bạn bè và mua một chiếc váy là sản phẩm độc đáo của làng dệt Vạn Phúc mặc về nước giới thiệu cho mọi người biết đây là sản phẩm được mua của một làng dệt lụa nổi tiếng của Việt Nam," bà Theresa d Lan Lee chia sẻ.

Tuyết Mai (TTXVN/VIETNAM+)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem