Hàng ngàn người dân về quê sau ngày “30 tết”: Hẹn trở lại Sài Gòn khi hết dịch Covid-19
Người dân hồi hương sau “30 tết”: Hẹn trở lại Sài Gòn vào một ngày sớm nhất
Chinh Hoàng
Chủ nhật, ngày 03/10/2021 07:58 AM (GMT+7)
Những ngày qua có hàng ngàn người dân ở TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương xếp thành hàng dài, chen chúc nhau tại chốt kiểm soát. Ai nấy đều trông ngóng, mong mỏi được sớm thông chốt trở về quê, hẹn sẽ trở lại vào một ngày sớm nhất khi TP.HCM chính thức kiểm soát được dịch bệnh.
Từ ngay sau khi có lệnh "mở cửa" của TP.HCM vào ngày 30/9, dòng người đã tập trung rất đông tại chốt kiểm soát thị trấn Tân Túc, quốc lộ 1, đoạn giáp ranh giữa TP.HCM và Long An để về quê ở các tỉnh miền Tây. Tại huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai trong hai ngày qua cũng có hàng ngàn người là công nhân đã đổ ra đường để về quê sau nhiều tháng mắc kẹt do dịch Covid-19.
Đường lui cuối cùng
"Nhiều tháng qua thực phẩm chính là mì gói trộn cơm, có hôm nhai mì sống vì nhà hết sạch gạo để nấu. Trong người tôi còn đúng 50.000 đồng duy nhất mượn ở chị chủ trọ, số tiền này tôi dùng để mua ít bánh, nước để đi về quê", anh Trịnh Cường (trú tại Bạc Liêu) mở đầu câu chuyện với Dân Việt.
Anh Cường cho biết, 2 năm ngoái anh lên TP.HCM cùng vợ và con gái để tìm kế mưu sinh. Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, anh với vợ làm phụ hồ tại một công trình ở huyện Bình Chánh. Số tiền kiếm được mỗi ngày của hai vợ chồng ngoài chi trả tiền ăn, tiền nhà, còn lại hàng tháng phải gửi về dưới quê phụ ông bà nội nuôi hai con nhỏ ăn học.
Anh nói, những tháng vừa qua là những ngày không bao giờ quên được. Hơn 4 tháng liền anh với vợ con không hề biết mùi cơm có cá, có thịt là gì.
Khi đợt dịch Covid-19 thứ 4 bùng phát, anh Cường giục vợ đi mua 2 thùng mì gói, ít gạo và mì chín về tích trữ. Anh không thể ngờ rằng, thời gian kiểm soát dịch bệnh lại kéo dài quá lâu. Thất nghiệp, hết tiền và thức ăn dự trữ cũng không còn, anh Cường vội chạy đi vay bạn bè một ít để cầm cự.
Anh nói, ai cũng khó và không có ai mà cho mình vay hoài, họ cũng cần tiền để sống. Từ khi dịch đến bây giờ 5kg gạo và 10 cái trứng là phần quà duy nhất vợ chồng anh Cường nhận được từ phường nơi mình đang sống.
"Tôi vay được tiền của một số người bạn khi còn đi làm hồ với nhau, nhưng chỉ dám mua mì loại rẻ nhất, ngay cả ăn cũng không dám ăn nhiều. Có hôm chỉ ăn một nửa gói, nửa còn lại dành cho vợ con. Thỉnh thoảng nhịn đói một đến hai ngày là chuyện thường!", anh Cường chua xót.
Anh kể, dưới quê còn hai đứa con đang tuổi ăn học mấy tháng nay phải chuyển qua nhà ông bà nội để sống vì thời gian vừa qua hai vợ chồng anh không gửi được đồng nào về.
Theo anh Cường vợ anh bị bệnh đại tràng, thế nhưng đợt dịch này ngay cả ăn còn không có thì chuyện mua thuốc uống càng không thể.
"Nhịn ăn, chịu đau cứ thế lay lắt sống qua ngày. Giờ này về quê là đường lui cuối cùng của gia đình tôi. Quay lại Sài Gòn ư! Có chứ, nhưng phải đợi thành phố ổn định lại đã, giờ về quê có gì ăn đó thôi…", anh Cường nói.
Cùng hoàn cảnh như anh Cường, chị Nguyễn Thị Mỹ Diễm, (quê ở Kiên Giang) cho biết: "Được về quê tôi rất mừng, phấn khởi lắm. 4 tháng nay ở Sài Gòn quá vất vả, có những lúc không còn gì ăn phải đi xin cơm từ thiện để ăn qua ngày...".
Chị kể, nhận được 2 đợt hỗ trợ từ chính quyền nơi mình sống là 10kg gạo cùng một số loại rau củ quả, ít mì gói. Những lần nhận hỗ trợ này giúp gia đình chị sống lay lắt thêm nửa tháng. Khoản dành giụm của chị trước dịch khi còn làm công nhân may ở một công ty tại quận 12 đã hết sạch không còn đồng nào từ tháng trước.
Chị Diễm cho hay, chị với chồng đã ly dị. Hai đứa con gái của chị (6 và 8 tuổi), theo mẹ lên Sài Gòn mưu sinh đã được 3 năm.
"Một mình tôi có thể nhịn đói không sao, nhưng khi nhìn hai đứa trẻ mặt mày ngày càng hốc hác vì đói, nhìn rất đau xót", chị Diễm xúc động kể.
Chị nói, hai đứa có được học hành gì đâu, một mình chị chạy vạy đi làm suốt ngày tăng ca sớm hôm ở công ty khi chưa dịch không đưa đón con đi học được. Bình thường, khi đi làm chị gửi hai đứa cho hàng xóm nhà trọ trông hộ.
"Lo miếng ăn cho cả ba người đủ thấm mệt, việc đi học là chuyện rất xa vời. Tôi biết chứ, không được đi học con sẽ thua kém bạn bè và ít hiểu biết nhưng giờ làm không đủ ăn sao tính đến chuyện lo đi học cho con được", chị Diễm xúc động.
Mong ngóng Sài Gòn nhanh hết "bệnh"
Ban đầu khi đại dịch chưa xảy ra, Sài Gòn là điểm đến của hàng ngàn người dân cả nước. Họ đổ xô lên đây để kiếm sống, mưu sinh. Trong số đó nhiều người nhận định rằng, rất hài lòng với mức lương ổn định, đồng thời cũng là môi trường giúp họ tiến thân hơn trong công việc.
"Lênh đênh trên mảnh đất sông nước là cách người ta hay định danh cho người dân miền Tây chúng tôi. Nhưng giờ đây một lần nữa chúng tôi lại phải chèo ngược, chèo xuôi để cố kiếm đường sống trên mảnh đất Sài Gòn này một cách rất cơ cực", chị Phan Thùy Linh tâm sự.
Mấy tháng sống trong tâm dịch ở quận Bình Tân (TP.HCM) chị Linh kể, món ăn chủ đạo của hai vợ chồng cùng con gái chị là trứng chiên, trứng luộc, trứng ốp la, còn canh thì lấy nước lã bỏ muối vắt chanh vào.
Theo chị Linh, chỉ duy nhất một lần chị được gọi lên phường và nhận 1,5 triệu đồng cách đây một tháng. Số tiền được nhận này chị dùng mua cả loạt trứng vịt cùng mì gói dự trữ chống đói khi phải ở nhà nhiều tháng liền như vậy. Chính vì thế giờ con gái hay chồng chị thấy trứng vịt hay mì gói đều ngán đến mức buồn nôn. Theo lời chị Linh: "Ăn nhiều từ ngày này qua ngày nọ, chắc say!".
"Vợ chồng tôi không còn gì hết trơn, nói chung không còn gì hết nữa rồi. Cơm hết, gạo hết, tiền sạch túi, phải về thôi. Về quê rau cháo có thể qua ngày được. Đợi Sài Gòn hết dịch chúng tôi sẽ quay lại. Quay lại đi làm mới có tiền nuôi con chú à nhưng chắc còn lâu lắm", giọng chị Linh buồn buồn.
20h tối ngày 2/10, tại chốt kiểm soát thị trấn Tân Túc lượng người về quê bắt đầu thưa thớt dần.
Rất nhiều người trong số đó cho rằng chuyến này là chuyến cuối, họ xem như đây là kỳ nghỉ tết sớm và khi được hỏi có quay trở lại Sài Gòn làm ăn khi hết dịch không? Ai nấy đều trả lời chắc nịch: "Có chứ, mong Sài Gòn hết dịch là chúng tôi quay lại!".
Tại buổi họp báo thông tin về kế hoạch phòng, chống dịch Covid-19 và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội sau ngày 30/9, ông Lê Hòa Bình, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết: "Không phải ngay sau 30/9 TP.HCM sẽ mở cửa ồ ạt tất cả các hoạt động mà mở cửa từng bước và có lộ trình. Đưa sinh hoạt người dân từng bước về trạng thái bình thường mới nhưng không phải mọi người đồng loạt ra đường".
Đồng thời, cũng yêu cầu người dân không tự ý đi lại giữa các tỉnh và không ra khỏi địa bàn TP.HCM. Khi thực sự cần thiết sẽ có hướng dẫn của Sở GTVT.
Người dân ùn ùn rời các TP lớn như TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương... để về quê. Clip: TTTHS/Bảo Trung
Vui lòng nhập nội dung bình luận.