Hàng thủ ĐT Việt Nam chống đỡ những quả tạt của Bunmathan thế nào?

Thứ sáu, ngày 13/01/2023 13:10 PM (GMT+7)
Dù sở hữu các hậu vệ sở hữu chiều cao ấn tượng, ĐT Việt Nam không thể coi thường những cú tạt bóng của Theerathon Bunmathan.
Bình luận 0

Hàng thủ ĐT Việt Nam chống đỡ những quả tạt của Bunmathan thế nào? - Ảnh 1.

ĐT Việt Nam cần phải biết cách hóa giải những pha bóng bổng của Thái Lan, đặc biệt là các quả tạt từ chân Bunmathan. Ảnh: Việt Linh.

"Chúng tôi đến đây không phải để đá phòng ngự. Để tận dụng luật bàn thắng sân khách, Thái Lan sẽ chơi tấn công để ghi bàn. Việt Nam là đội phòng ngự tốt nhất còn chúng tôi là đội tấn công tốt nhất. Đây sẽ là một trận cầu đáng xem", HLV Alexandre Polking tuyên bố đanh thép trước trận đấu.

Trong khi đó, ĐT Việt Nam của HLV Park Hang-seo hoàn toàn sẵn sàng chơi phòng ngự - phản công, lối đá vốn là sở trường, trước người Thái.

Vì thế, kịch bản "Thái Lan tấn công - Việt Nam chủ động phòng ngự" nhiều khả năng xảy ra. Khi đó, ĐT Việt Nam cần dè chừng những cú tạt bóng của Theerathon Bunmathan.

Sự linh hoạt của Thái Lan

Phát biểu của HLV Alexandre Polking là có cơ sở. Trên bảng xếp hạng các cầu thủ có nhiều lần tạo cơ hội nhất, tuyển Thái Lan thống trị với 3 cái tên là Theerathon Bunmathan (25 lần), Teerasil Dangda (13 lần) và Ekanit Panya (12 lần). Bên cạnh đó, Bunmathan cũng đứng đầu danh sách kiến tạo của giải đấu với 4 đường chuyền thành bàn.

Không khó để nhận ra rằng Bunmathan chính là nhân tố chủ đạo trong lối chơi tấn công của ĐT Thái Lan. Ở giải đấu mà "Voi chiến" thiếu quá nhiều ngôi sao tấn công, hậu vệ trái số một của đội tuyển được đẩy lên chơi tiền vệ trung tâm.

HLV Polking từng chia sẻ với Zing: "Bunmathan là một cầu thủ rất thông minh, đọc trận đấu rất nhanh, có thể tung ra những đường chuyền cực kỳ sắc bén. Cậu ấy có thể chơi ở bất cứ vị trí nào trên sân. Đó là một cầu thủ tuyệt vời".

Khi Thái Lan tổ chức tấn công, Bunmathan thường xuyên tung ra những pha rót bóng nguy hiểm ra sau lưng hàng thủ đối phương. Anh tạo điều kiện để đồng đội băng xuống căng ngang hoặc dứt điểm. Đôi khi, anh treo bóng ra phía cột xa để Dangda băng xuống. Sau đó, trung phong này đưa đồng đội vào thế thuận lợi để ghi bàn. Kịch bản này đã mang lại hai bàn thắng cho ĐT Thái Lan ở AFF Cup 2022.

Không chỉ vậy, Bunmathan cũng có những thời điểm bám biên để sẵn sàng tạt bóng bằng cái chân trái rất ngoan của mình. Anh có 3 kiến tạo ở khi có bóng ở cánh trái. Để Bunmathan có thể di chuyển linh hoạt như vậy, HLV Polking chỉ đạo hậu vệ Sasalak Haiprakhon thường xuyên di chuyển vào trung lộ, chơi như một inverted-wingback (tạm dịch: hậu vệ biên ngược).

Nhờ đó, Thái Lan vẫn đảm bảo quân số ở khu trung tuyến, Bunmathan vẫn có những vệ tinh để phối hợp. Đồng thời, "Voi chiến" cũng sẵn sàng tổ chức phòng ngự nếu mất bóng.

Một điểm nữa, Bunmathan cũng rất nguy hiểm trong các pha đá phạt trực tiếp. Tình huống kiến tạo cho Dangda mở tỷ số trong trận gặp Philippines ở vòng bảng là một ví dụ điển hình.

Hàng thủ ĐT Việt Nam chống đỡ những quả tạt của Bunmathan thế nào? - Ảnh 2.

Những pha tạt bóng, treo bóng của Bunmathan đều có quỹ đạo rất khó chịu. Ảnh: Changsuek.

ĐT Việt Nam cần thận trọng

Thái Lan đang làm tốt ở những tình huống bóng bổng. Theo lý thuyết, ĐT Việt Nam có thể dễ dàng hóa giải phương án tấn công này khi sở hữu hàng loạt cầu thủ phòng ngự có chiều cao tốt.

Trong khung thành, thủ môn Đặng Văn Lâm cao 1,88m. Trong số các trung vệ phía trên, người thấp nhất là Bùi Tiến Dũng, với chiều cao 1,72m. Còn lại, Quế Ngọc Hải, Đỗ Duy Mạnh, Nguyễn Thành Chung, Bùi Hoàng Việt Anh đều cao 1,8m trở lên.

Không chỉ vậy, hai hậu vệ cánh cũng có thể hình khá lý tưởng. Hồ Tấn Tài, Đoàn Văn Hậu có chiều cao lần lượt là 1,8m và 1,85m.

Vi thế, nhiều người tin rằng tuyển Việt Nam có thể làm chủ tình hình trong những pha bóng bổng. Tuy nhiên, mọi chuyện không đơn giản như vậy.

"Những tình huống bóng bổng của Thái Lan không hề dễ cản phá. Họ có những tình huống đưa bóng vào vị trí nhạy cảm, nằm lưng chừng giữa thủ môn và hậu vệ, khiến hàng thủ đối phương bối rối. Từ đó, các tiền đạo của Thái Lan có thể băng vào tận dụng sai lầm", BLV Quang Tùng chia sẻ với Zing.

"Ngoài ra, khả năng tấn công của Thái Lan cũng đa dạng. Họ dùng bóng bổng nhiều, nhưng không hề đơn điệu. Ngoài những quả tạt bóng thẳng vào vùng cấm, họ còn tỉa ra biên, sau đó căng ngang tầm thấp vào phía trong. ĐT Việt Nam không thể chủ quan ở lần tái đấu, dù về mặt lực lượng, Thái Lan suy yếu đi nhiều so với AFF Cup 2020 nhưng vẫn còn mạnh", BLV Quang Tùng nói thêm.

Chuyên gia Phan Anh Tú có cùng quan điểm: "ĐT Thái Lan có thể yếu đi nhưng họ cũng còn điểm mạnh là HLV Polking quá hiểu cầu thủ của mình. Ông biết năng lực cầu thủ, biết sắp xếp họ vào những vị trí phù hợp. Tôi nghĩ điểm yếu nhất của Thái Lan chỉ là các cầu thủ dự bị không có chất lượng tốt bằng nhóm đá chính".

Trước Thái Lan, ĐT Việt Nam sẽ có cơ hội triển khai lối đá phòng ngự - phản công ưa thích. Lúc này, hàng phòng ngự của HLV Park cũng đang tự tin khi chưa phải nhận bàn thua nào. Tuy nhiên, nếu có bất cứ khoảnh khắc chủ quan nào xuất hiện, họ lập tức bị trừng phạt.

Trận chung kết lượt đi giữa ĐT Việt Nam và Thái Lan trên sân Mỹ Đình sẽ diễn ra lúc 19h30 ngày 13/1.


Nguyên Khang (Theo Zingnews)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem