Hành trình cai thuốc lá, quay sang làm ăn khấm khá của một lão nông Ninh Bình
Hành trình cai thuốc lá, quay sang làm ăn khấm khá của một lão nông Ninh Bình
Thùy Anh
Thứ năm, ngày 16/07/2020 18:34 PM (GMT+7)
Nhờ những cách làm hay, tuyên truyền sáng tạo mà 3 năm gần đây nhận thức của hội viên nông dân ở tỉnh Ninh Bình về tác hại của thuốc lá đã thay đổi. Hiểu được tác hại, nhiều nam nông dân đã từ bỏ thuốc, chăm lo phát triển kinh tế, trở thành những nông dân sản xuất kinh doanh giỏi.
Không chỉ là một nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, thời gian gần đây ông Nguyễn Văn Doãn còn được biết đến như là người cai nghiện thuốc lá thành công nhất ở xóm 5, xã Kim Đông, huyện Kim Sơn.
"Trước không hiểu tác hại thuốc lá nên hút, giờ bệnh vận vào người mới biết sợ. Chính bởi hiểu, thấy tác hại nên giờ tôi quyết không để các con tôi mắc sai lầm như bố. Cũng may chúng trẻ tuổi, hiểu biết, thấy bố bệnh tật vì thuốc lá, thuốc lào nên không đứa nào hút".
Ông Nguyễn Văn Doãn
Ông Doãn tâm sự trước đây công việc làm nông, nuôi tôm thường rất vất vả, thức khuy dậy sớm khiến cho ông khá căng thẳng, mệt mỏi. Những lúc mệt mỏi, căng thẳng như vậy, được mọi người rủ rê và mời hút thuốc nên ông cũng "hút chơi". Hút nhiều rồi thành quen, quen rồi không bỏ được.
Hơn 10 năm hút thuốc, điều ông nhận thấy là sức khỏe có phần giảm sút. Công việc làm nông thì ngày càng vất vả, có thời điểm ông ốm, ho triền miên đến mức vợ ông quá sốt ruột phải giục đi khám.
"Năm 2018, lúc tôi lên bệnh viện tỉnh khám, bác sĩ bảo tôi bị viêm phổi, viêm họng cấp, nguyên nhân là do hút thuốc lá quá nhiều. Bác sĩ cũng tư vấn để tôi bỏ thuốc lá" - ông Doãn nhớ lại.
Phải mất khá lâu điều trị, các chứng bệnh của ông mới thuyên giảm, sức khỏe dần bình phục. Kể từ đó ông quyết định bỏ thuốc lá. Nói bỏ, nhưng thực ra quá trình ông Doãn cai thuốc lá không hề đơn giản. 3 tháng đầu, cứ bỏ rồi lại hút, bỏ rồi lại hút... "Mình không có phương pháp, lại không kiên trì nên việc từ bỏ thuốc lá khó như đi lên trời. Nhất là mỗi khi đi tiệc đi đám, người ta mời thuốc, mình từ chối rất khó" - ông Doãn kể lại.
Ngỡ là sẽ thôi kệ, thế nhưng cũng trong năm 2018, ông nghe nói Hội Nông dân tỉnh có tổ chức lớp tập huấn phòng chống tác hại thuốc lá cho nông dân huyện Kim Sơn nên đăng ký tham gia lớp tập huấn. Kết thúc lớp tập huấn, ông hiểu được tác hại của thuốc lá, nắm thêm được một số kỹ năng cai thuốc.
Từ lần đó, ông đã cai nghiện thuốc lá thành công và còn truyền đạt nhiều kiến thức, trở thành một tuyên truyền viên phòng chống tác hại thuốc lá cho người thân và hàng xóm. Có sức khỏe, việc sản xuất của ông Doãn cũng hiệu quả hơn, thu nhập cao hơn.
Nhân rộng các lớp tập huấn
Bà Nguyễn Thị Ngọc Hà - Phó trưởng Ban Kinh tế - Xã hội (Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình) cho biết, liên tiếp trong nhiều năm trở lại đây Hội Nông dân tỉnh đã tổ chức các buổi tập huấn, hội thi tuyên truyền phòng chống tác hại thuốc lá cho nông dân các huyện, thị.
Cuối năm 2019, Sở Y tế tỉnh Ninh Bình, Ban chỉ đạo phòng chống thuốc lá của tỉnh phối hợp Hội Nông dân xã Yên Hòa (huyện Yên Mô) tổ chức tập huấn công tác phòng, chống tác hại thuốc lá cho 50 hội viên nông dân xã Yên Hòa. Dự kiến cuối tháng 7 này, Hội Nông dân tỉnh cũng sẽ tổ chức tập huấn công tác phòng chống tác hại thuốc lá cho cán bộ chủ chốt.
"Hội Nông dân tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo phòng chống tác hại thuốc lá. 100% các cơ sở hội trên địa bàn tỉnh có treo biển cấm hút thuốc. Ngoài ra, Hội Nông dân tỉnh cũng yêu cần cán bộ hội ký cam kết từ bỏ hút thuốc. Với hội viên cơ sở, các chi hội cũng đưa việc cam kết từ bỏ mời thuốc, hút thuốc lá trong đình đám, lễ hội vào hương ước của làng xã" - bà Hà thông tin.
Theo bà Hà, nhìn chung, dù còn thiếu thốn về kinh phí triển khai nhưng công tác phòng chống tác hại thuốc lá trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả nhất định. Nhận thức của bà con nông dân đã có chuyển biến, số người ý thức được hút thuốc lá là có hại tăng và tự nguyện từ bỏ thuốc lá cũng nhiều.
Ông Đinh Hồng Thái - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho hay, hiện toàn tỉnh có 131.423 hội viên, khoảng 2/3 trong số này đã được truyền thông về tác hại của thuốc lá. Hội Nông dân các cấp ở Ninh Bình cũng xây dựng được 141 Câu lạc bộ Nông dân với pháp luật. Thông qua các câu lạc bộ này, nông dân không chỉ được truyền thông kiến thức pháp luật mà còn được truyền thông về tác hại của thuốc lá.
"Vấn đề khó khăn lớn nhất hiện nay là kinh phí hỗ trợ thực hiện các chương trình này. Do không có kinh phí nên các hoạt động truyền thông phòng chống tác hại thuốc lá được thực hiện lồng ghép. Điều này giảm bớt tác dụng của chương trình. Chúng tôi đang kiến nghị và tìm kiếm các nguồn kinh phí để có thể triển khai tiếp hoạt động này" - ông Thái nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.