Hình ảnh đầu tiên của cựu Giám đốc CDC Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm kể từ khi bị bắt

Nguyễn Hòa - Ngọc Hải Thứ năm, ngày 10/12/2020 09:19 AM (GMT+7)
Đúng 8h30 sáng nay (10/12), Tòa án nhân dân TP.Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử cựu Giám đốc CDC Hà Nội cùng đồng phạm. Ông Nguyễn Nhật Cảm và 9 bị cáo còn lại được đưa đến tòa từ sớm.
Bình luận 0

Clip: Nguyễn Nhật Cảm được đưa đến tòa.

Ghi nhận của PV Dân Việt, chủ mưu vụ nâng khống giá máy xét nghiệm Covid-19 Nguyễn Nhật Cảm sức khỏe ổn định. Ông này được đưa đến tòa cùng với Nguyễn Thanh Tuyền (SN 1985, nhân viên Công ty TNHH Thiết bị y tế Phương Đông).

Chiêu trò Nguyễn Nhật Cảm câu kết với đồng phạm

Theo cáo trạng, CDC Hà Nội là đơn vị sự nghiệp Y tế công lập hạng I, thuộc Sở Y tế Hà Nội. Nguyễn Nhật Cảm được bổ nhiệm làm giám đốc kể từ ngày 19/9/2018.

Lợi dụng tình trạng dịch bệnh Covid-19, với động cơ vụ lợi, từ đầu tháng 2/2020, Nguyễn Nhật Cảm – cựu Giám đốc CDC Hà Nội đã câu kết với các bị can Nguyễn Ngọc Nhất (nhân viên Công ty TNHH Phát triển khoa học Vitech), Nguyễn Thanh Tuyền (nhân viên Công ty TNHH thiết bị y tế Phương Đông), Đào Thế Vinh (Giám đốc Công ty TNHH Vật tư khoa học và Thương mại Việt Nam (MST)) để thỏa thuận giá mua bán các máy, thiết bị y tế thuộc gói thầu số 15 cho CDC Hà Nội trước khi thực hiện quy trình, thủ tục chỉ định thầu thông thường.

Nguyễn Nhật Cảm cũng được xác định câu kết với Nguyễn Trần Duy – Tổng Giám đốc, thẩm định viên về giá Công ty Nhân Thành gian lận, hợp thức thủ tục thẩm định giá gói thầu số 15 theo đúng giá do CDC Hà Nội yêu cầu.

Hình ảnh đầu tiên của nguyên Giám đốc CDC Hà Nội kể từ khi bị bắt - Ảnh 2.

Cựu Giám đốc CDC Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm. (Ảnh: Ngọc Hải)

Về hành vi thỏa thuận ấn định giá mua sắm các máy móc, thiết bị của gói thầu số 15 giữa cựu Giám đốc CDC Hà Nội với các bị can Nguyễn Ngọc Nhất, Nguyễn Thanh Tuyền, Đào Thế Vinh, Nguyễn Nhật Cảm ngay từ đầu đã tự liên hệ tham khảo hệ thống Realtime PCR tự động.

Cụ thể, do biết trước chủ trương CDC Hà Nội sẽ được mua sắm máy móc, trang thiết bị y tế trong đó có hệ thống trên để phòng, chống Covid-19, mặc dù Sở Y tế Hà Nội chưa giao nguồn kinh phí bổ sung và trách nhiệm thực hiện gói thầu số 15, tuy nhiên từ đầu tháng 2/2020, Cảm đã liên hệ tìm hiểu về hệ thống.

Nguyễn Ngọc Nhất biết CDC Hà Nội đang có nhu cầu mua hệ thống Realtime PCR tự động, chiều ngày 1/2/2020, Nhất và Chiến (nhân viên kinh doanh của Công ty GETZ) gọi điện cho Tuyền xin giới thiệu, báo giá hệ thống Realtime PCR của hãng Qiagen – Đức do Công ty Phương Đông nhập khẩu, phân phối.

Tuyền cho biết mức giá là 7 tỷ đồng, Chiến và Nhất đến gặp Nguyễn Nhật Cảm để giới thiệu, tư vấn hệ thống Realtime PCR tự động của hãng Vela, với giá dự trù là 6,5 tỷ đồng, hệ thống Realtime PCR của hãng Qiagen – Đức với giá dự trù là 7 tỷ.

Hình ảnh đầu tiên của nguyên Giám đốc CDC Hà Nội kể từ khi bị bắt - Ảnh 3.

Bị cáo Nguyễn Ngọc Nhất (SN 1986, nhân viên Công ty TNHH Phát triển khoa học Vitech) được áp giải tới tòa. (Ảnh: Ngọc Hải)

Nguyễn Nhật Cảm sau đó thông báo cho Chiến về việc CDC Hà Nội chọn mua hệ thống Realtime PCR tự động của hãng Qiagen – Đức. Chiến đã trao đổi với Tuyền về việc này, đề nghị để Chiến đứng ra bán cho CDC Hà Nội nhưng Tuyền không đồng ý.

Tuyền đã gọi điện cho Cảm và nói hệ thống Realtime PCR tự động của hãng Qiagen đã có sẵn, Cảm đã yêu cầu Tuyền gửi báo giá cho Nguyễn Ngọc Quỳnh – Trưởng phòng Kế hoạch nghiệp vụ CDC Hà Nội.

Theo sự chỉ đạo của Tuyền, Trần Quốc Đạt - nhân viên Công ty Phương Đông lập báo giá của Công ty này gửi CDC Hà Nội, báo giá hệ thống Realtime PCR tự động 7 tỷ chuyển cho Nguyễn Thị Giang – nhân viên phòng hành chính Công ty Phương Đông.

Hình ảnh đầu tiên của nguyên Giám đốc CDC Hà Nội kể từ khi bị bắt - Ảnh 4.

Bị cáo Nguyễn Thanh Tuyền (SN 1985, nhân viên Công ty TNHH Thiết bị y tế Phương Đông). (Ảnh: Ngọc Hải)

Giang đóng dấu chữ ký của Nguyễn Xuân Thành là Giám đốc, đóng dấu pháp nhân công ty vào bản báo giá đó.

Đạt sau đó dùng file báo giá hệ thống Realtime PCR của Công ty Phương Đông chỉnh sửa lại thành 2 báo giá của Công ty CP Đầu tư và Phát triển Ý tưởng Việt (Công ty Ý tưởng Việt), Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển công nghệ Thành Công (Công ty Thành Công) với mức giá lần lượt là 7,15 tỷ, 7,25 tỷ đồng, cao hơn báo giá của Công ty Phương Đông rồi chuyển 3 bản báo giá trên cho Nguyễn Ngọc Quỳnh.

Theo chỉ đạo của Nguyễn Nhật Cảm, Nguyễn Ngọc Quỳnh và Nguyễn Vũ Hà Thanh (Trưởng phòng Tài chính kế toán CDC Hà Nội) đã xây dựng tờ trình trình Sở Y tế, Sở Tài chính về việc bổ sung kinh phí phòng chống Covid-19, trong đó có đề xuất mua bổ sung 1 hệ thống Realtime PCR tự động giá 7 tỷ theo đúng báo giá của Công ty Phương Đông.

Hình ảnh đầu tiên của nguyên Giám đốc CDC Hà Nội kể từ khi bị bắt - Ảnh 5.

Bị cáo Nguyễn Vũ Hà Thanh (SN 1979, nguyên Trưởng phòng Tài chính kế toán CDC Hà Nội.

Đối với 1 máy tách chiết DNA/RNA tự động, do chưa được báo giá nên Quỳnh có gọi điện hỏi Tuyền, được biết giá là 1,2 tỷ đồng nên đã đưa vào dự toán.

Đối với 3 tủ lạnh được xác định giá hơn 1,3 tỷ đồng dựa trên báo giá của Công ty TNHH BCE Việt Nam.

Cuộc gặp gỡ và màn ngã giá ăn chia

Cáo trạng truy tố cựu Giám đốc CDC Hà Nội Nguyễn Nhật cảm cùng các đồng phạm nêu rõ, sáng ngày 6/2/2020, Nhất gặp Tuyền tại một quán cà phê ở Cầu Giấy, bàn bạc, thống nhất giao cho Nhất đứng ra thực hiện các thủ tục mua hệ thống Realtime PCR tự động của Công ty Phương Đông với mức giá mua khoảng 4 tỷ, lựa chọn nhà thầu để bán cho CDC Hà Nội.

Tuyền sẽ về xin Công ty mức giá tốt nhất. Để trúng thầu, Nhất sẽ chi cho Cảm 10% giá trị sản phẩm. Số tiền chênh lệch còn lại, sau khi trừ đi toàn bộ chi phí thực hiện (phí mượn pháp nhân nhà thầu, chi phí mua vật tư, nhân công vận hành, đào tạo, chạy thử ứng dụng, VAT…), Nhất và Tuyền sẽ chia đôi 50%, Nhất chịu trách nhiệm thỏa thuận và đưa khoản chi phí 10% cho Nguyễn Nhật Cảm.

Sau khi thống nhất, Nhất nhắn tin vào điện thoại cho cựu Giám đốc CDC Hà Nội hẹn gặp.

Nhất và Tuyền sau đó hẹn gặp Cảm tại phòng làm việc của Cảm. Tại đây, Nguyễn Nhật Cảm thỏa thuận với Nhất và Tuyền sẽ mua hệ thống Realtime PCR của hãng Qiagen – Đức, do Công ty Phương Đông nhập khẩu giá 7 tỷ đồng với 3 năm bảo hành.

Lúc này Tuyền nói Công ty Phương Đông không tham gia thầu trực tiếp vì công ty có nhiều đơn hàng không đủ nhân viên thực hiện, đề nghị giao cho Nhất thực hiện.

Nguyễn Nhật Cảm đồng ý, đề nghị Nhất đưa nhà thầu đủ năng lực về kỹ thuật và nhân sự để thực hiện gói thầu với giá bán không thay đổi là 7 tỷ, 3 năm bảo hành.

Tuyền đi ra ngoài, Nhất ở lại phòng trao đổi với Cảm sau khi mua bán hoàn tất, sẽ chi cho Cảm 15% trước thuế giá trị hệ thống máy Realtime PCR tự động.

Chiêu trò lập hợp đồng mua bán khống để nâng giá

Thực hiện thỏa thuận với Nhất, sáng ngày 7/2/2020, Tuyền báo cáo giám đốc, đề xuất bán hệ thống máy cho Nhất với giá hơn 3,7 tỷ đồng và 3 năm bảo hành để Nhất vào thầu, bán cho CDC Hà Nội và được giám đốc chấp thuận, thời gian bảo hành là 2 năm.

Khoảng 2 ngày sau, Nhất bàn bạc với Vinh việc tham gia bán hệ thống Realtime PCR và máy tách chiết do Công ty Phương Đông nhập khẩu cho CDC Hà Nội với giá 8,2 tỷ đồng.

Theo thỏa thuận, Vinh được hưởng 1,5% giá trị hợp đồng.

Nguyễn Nhật Cảm sau đó chủ trì họp Hội đồng tư vấn mua sắm, chọn giá hàng hóa dịch vụ và khoa chuyên môn liên quan, thống nhất giá dự toán gói thầu số 15 là hơn 9,5 tỷ đồng, trong đó, hệ thống Realtime PCR là 7 tỷ.

Ngày 10/2/2020, do biết trong dự toán gói thầu số 15 có thêm máy tách chiết DNA/RNA giá 1,2 tỷ, Nhất đề xuất xin được cung cấp theo gói thầu.

Để giảm mức độ chênh lệch về giá mua vào, bán ra trước khi bán sản phẩm cho CDC Hà Nội, Đào Thế Vinh dùng thủ đoạn sử dụng các pháp nhân là Công ty của gia đình Vinh và nhờ công ty của bạn hàng lập hợp đồng mua bán khống, xuất hóa đơn, chứng từ để nâng giá 2 sản phẩm là hệ thống Realtime PCR tự động và máy tách chiết DNA/RNA tự động từ 4,1 tỷ đồng lên 7,8 tỷ đồng.

Cụ thể, Công ty Phương Đông bán cho Công ty Cổ phần Thương mại và Công nghệ Hưng Long (Công ty Hưng Long, do vợ Vinh làm giám đốc) 2 sản phẩm với giá 4,1 tỷ.

Công ty Hưng Long bán cho Công ty Cổ phần Sản xuất kinh doanh thương mại Xuất nhập khẩu KĐ (Công ty KĐ) của Bùi Thị Hồng Hà với giá 5,2 tỷ đồng.

Công ty KĐ bán cho Công ty MST của Vinh với giá 7,8 tỷ đồng.

Cuối cùng, Công ty MST bán cho CDC Hà Nội 2 sản phẩm nêu trên với giá 8,2 tỷ đồng.

Quá trình thực hiện việc mua bán, cơ quan chức năng xác định, chỉ có Công ty Phương Đông xuất hóa đơn thực tế để bán hàng với giá trị hợp đồng 4,1 tỷ đồng, nhận đặt cọc 200 triệu của Công ty Hưng Long.

Còn các Công ty Hưng Long, KĐ, MST chỉ ký hợp đồng khống, xuất hóa đơn GTGT để hợp thức việc nâng khống giá mua bán, không có việc thanh toán và chuyển tiền giữa các công ty.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem