“Hộ chiếu vaccine” có phải là tiêu chí duy nhất an toàn để khách du lịch quốc tế vào Việt Nam?

Huy Hoàng Thứ bảy, ngày 27/03/2021 17:31 PM (GMT+7)
Singapore, Hàn Quốc…lên phương án, thậm chí Thái Lan đã mở cửa thị trường du lịch quốc tế, Việt Nam cũng đã đề xuất, giải pháp "hộ chiếu vaccine" để đón làn sóng khách quốc tế vào Việt Nam.
Bình luận 0

"Hộ chiếu vaccine" không phải là tiêu chí duy nhất để khách du lịch quốc tế nhập cảnh vào Việt Nam

“Hộ chiếu vaccine” có phải là tiêu chí duy nhất an toàn để khách du lịch quốc tế vào Việt Nam? - Ảnh 1.

Du khách quốc tế thăm đền Ngọc Sơn tháng 2/2020. Ảnh: Huy Hoàng

Trước thông tin này, nhiều doanh nghiệp cho rằng, đây là tín hiệu đáng mừng cho ngành du lịch. "Hộ chiếu vaccine" được kỳ vọng là "thẻ xanh" phá băng du lịch sau thời gian ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Bà Trần Thị Bảo Thu, đại diện công ty Lữ hành Fiditour – Vietluxtour chia sẻ với Dân Việt: "hộ chiếu vaccine" thực chất là giấy chứng nhận đã tiêm chủng đầy đủ hai mũi vaccine ngừa Covid-19, cho phép người có giấy chứng nhận này không phải cách ly, xét nghiệm Covid-19 (trừ một số nước vẫn yêu cầu xét nghiệm Covid-19).

"Có thể nói đây là 1 giải pháp khả thi để "phá băng", thu hút khách quốc tế đến Việt Nam, khơi thông hoạt động du lịch và thương mại, giúp ngành du lịch có thể vượt qua khó khăn hiện tại".

Tuy nhiên bên cạnh những ý kiến đồng tình thì vẫn có những ý kiến e ngại, cho rằng còn quá sớm để nói về hiệu quả tiêm vaccine. Thậm chí Tổ chức Y tế thế giới cũng kêu gọi thận trọng, yêu cầu các nhà chức trách và các nhà điều hành du lịch không đưa ra bằng chứng về việc tiêm chủng như một điều kiện để đi du lịch quốc tế.

Hội đồng tư vấn du lịch (TAB) cũng đã chia sẻ với Dân Việt, xung quanh về vấn đề này. Ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng Ban thư ký Hội đồng tư vấn du lịch TAB cho biết: "Hộ chiếu vaccine" hay chứng chỉ tiêm chủng vaccine, không phải là tiêu chí duy nhất có thể xét để du khách quốc tế vào Việt Nam mà không phải cách ly.

TAB ủng hộ mạnh mẽ chính sách của chính phủ Việt Nam, việc không hy sinh và không gây nguy hiểm đến sức khỏe của cộng đồng người dân Việt Nam để đổi lấy lợi ích kinh tế. Và TAB hoàn toàn ủng hộ Chính phủ và các bộ ngành về công tác chống đại dịch vừa qua, qua đó đã khống chế được dịch, giảm thiểu lây lan ra cộng đồng nhờ đó Việt Nam đã trở thành quốc gia thành công nhất trên thế giới về kiểm soát đại dịch Covid-19.

Hiện tại, chúng ta chưa có sự chuẩn bị, chưa có đầy đủ một quy trình, cho nên dù có hộ chiếu vaccine chúng ta vẫn chưa thể bỏ cách ly. Vẫn phải cách ly đủ 14 ngày. Chúng ta chưa tìm được biện pháp cách ly ngắn ngày mà vẫn an toàn nên Hội đồng tư vấn du lịch ủng hộ chưa mở cửa quốc tế. Chờ cho đến khi nào có giải pháp an toàn và yên tâm chúng ta sẽ mở cửa thị trường khách quốc tế".

“Hộ chiếu vaccine” có phải là tiêu chí duy nhất an toàn để khách du lịch quốc tế vào Việt Nam? - Ảnh 2.

"Hộ chiếu vaccine" cần thận trọng

Chia sẻ cụ thể hơn về giải pháp ‘hộ chiếu vaccine" ông Hoàng Nhân Chính cho biết: "Yêu cầu đầu tiên của giải pháp "hộ chiếu vaccine" là thành lập nhóm, hoặc Ban, trong đó bào gồm có các chuyên gia, ngành nghề khác nhau: Bộ Y tế; Bộ ngoại giao; Bộ quốc phòng; Bộ VHTTDL; Bộ Công an.

Việc mở cửa thị trường quốc tế phải được thực hiện theo lộ trình, sau khi thành lập được nhóm chuyên gia nghiên cứu, thì họ sẽ phải và chỉ ra được thế nào là an toàn về dịch bệnh, để từ đó xây dựng lên bộ tiêu chí và từ bộ tiêu chí này để đánh giá được nước nào đủ yên tâm để đưa khách quốc tế vào Việt Nam, chứ không chọn và mở cửa đại trà.

Yêu cầu tiếp theo khách quốc tế đến Việt Nam phải có hộ chiếu tiêm vaccine, hoặc chứng chỉ tiêm vaccine. Bên cạnh đó khách quốc tế cần phải làm xét nghiệm trước khi lên máy bay sang du lịch ở Việt Nam. Sau khi xuống sân bay Việt Nam sẽ một lần nữa xét nghiệm nhanh từ phía Bộ y tế Việt Nam, nếu khách quốc tế âm tính mới được nhập cảnh.

Yêu cầu tiếp, Việt Nam cần đưa ra tiêu chí bảo hiểm y tế du lịch bắt buộc, trong đó bao gồm bảo hiểm Covid-19 cho tất cả khách du lịch quốc tế đến Việt Nam và kể cả khách trong nước đi ra nước ngoài.

Đồng thời, Việt Nam cần tiếp tục xây dựng chương trình xúc tiến quảng bá du lịch nhắm vào các thị trường du lịch quốc tế trọng điểm và cần có chính sách visa cởi mở vì nếu chúng ta vẫn giữ chính sách visa như trước đây có thể có nhiều nước khó đi du lịch Việt Nam".

Theo ông Hoàng Nhân Chính, chương trình tiêm chủng vaccine đại trà đang diễn ra ở nhiều nước và một số đối thủ cạnh tranh. Các nước này đang lập ra kế hoạch tái mở cửa biên giới theo một cách an toàn để hỗ trợ các doanh nhân, chuyên gia và du khách nước ngoài. Đặc biệt hai đối thủ cạnh tranh với Việt Nam chính là Singapore và Thái Lan đã đi trước chúng ta trong việc mở cửa du lịch.

Singapore chuẩn bị từ tháng 12/2020, họ đã chuẩn bị rất nhiều phương án khác nhau như phương án mở cửa đơn phương, phương án làn xanh đối ứng, phương án bong bóng du lịch hàng không...

Singapore đặt theo thứ tự ưu tiên và Việt Nam được đặt ở trong top đầu tiên là mở cửa đơn phương. Ưu tiên ở đây là khi người Việt Nam đi du lịch tại Singapore sẽ không cần phải cách ly 14 ngày, mà chỉ cần làm xét nghiệm nhanh trước khi lên máy bay trong vòng 3 ngày và âm tính. Và khi đến nước họ sẽ xét nghiệm nhanh một lần nữa và chờ ngay tại sân bay hoặc đến nơi cách ly từ 1-2 ngày để chờ kết quả. Nếu kết quả âm tính du khách Việt Nam được phép vào mà không cần cách ly 14 ngày.

“Hộ chiếu vaccine” có phải là tiêu chí duy nhất an toàn để khách du lịch quốc tế vào Việt Nam? - Ảnh 3.

Du khách quốc tế thăm đền Ngọc Sơn tháng 2/2020. Ảnh: Huy Hoàng

Cũng theo ông Hoàng Nhân Chính, dự kiến thời gian mở cửa thị trường quốc tế: "TAB đưa ra một số nhận định, kịch bản cho việc mở cửa du lịch vào quý hai năm 2021 và kịch bản này hoàn toàn không đáp ứng được. Kịch bản trung bình là vào quý ba và kịch bản bi quan nhất là mở cửa vào quý tư hay thậm chí vào năm 2022.

Nhìn vào tình hình diễn biến dịch Covid-19 trên thế giới hiện nay, TAB rất hy vọng vào kịch bản trung bình, mở cửa he hé ban đầu và bắt đầu mở cửa vào tháng 7/2021.

Tuy nhiên, mùa du lịch quốc tế thông thường bắt đầu vào tháng 10. Những nước du lịch thị trường gần như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc... thuộc khu vực Châu Á họ đi du lịch quanh năm. Nên lúc đầu mới mở cửa nên thí điểm các nước thị trường gần, và đến tháng 10/2021, quý tư bắt đầu thí điểm các thị trường xa như Úc, Nga, Châu Âu.

TAB cũng đã nhận định việc mở cửa còn phụ thuộc vào lịch tiêm chủng của các nước ở thị trường nguồn. Ngoài ra, chúng ta phải chuẩn bị thật kỹ để đối phó với những điều không lường trước được, đặt an toàn lên hàng đầu."


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem