Hỗ trợ phục hồi kinh tế: Doanh nghiệp “ngóng”, tiền ở đâu?

Huyền Anh Thứ bảy, ngày 06/11/2021 17:42 PM (GMT+7)
Với quy mô gói hỗ trợ được cho là lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng, doanh nghiệp kỳ vọng sẽ có “đòn bẩy” để hồi sinh và phát triển.
Bình luận 0

Trong báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Tài chính, ngân sách trình Quốc hội, Ủy ban Tài chính ngân sách cho rằng cần thiết triển khai gói kích thích, phục hồi kinh tế, tạo đòn bẩy cho tăng trưởng, đặc biệt trong bối cảnh GDP quý III giảm mạnh.

Trước đó hồi đầu tháng 10, trong buổi làm việc với VCCI và gặp gỡ đại diện giới doanh nhân, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết sẽ có gói hỗ trợ lớn hơn để tái thiết kinh tế.

Doanh nghiệp "ngóng" gói hỗ trợ phục hồi kinh tế

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Trần Văn Tân, Tổng giám đốc Công ty CP Xây dựng và Thương mại phong cách mới (Queen Farm) cho biết, nguồn thu sụt giảm 90%, các kế hoạch ra mắt sản phẩm mới trong quý III/2021 của doanh nghiệp cũng "phá sản" vì đại dịch.

Sức khỏe tài chính của doanh nghiệp vì vậy suy giảm rất nhiều, do đó hơn ai hết doanh nghiệp kỳ vọng và mong mỏi nhanh chóng có một "đòn bẩy" để giải cứu và giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất kip thời.

Cũng theo ông Tân, chương trình hỗ trợ này phải sát thực tế để doanh nghiệp tiếp cận một cách dễ dàng và đơn giản. Có như thế, việc triển khai gói kích thích kinh tế mới thực sự mang lại hiệu quả cho người lao động, doanh nghiệp và nền kinh tế.

Hỗ trợ phục hồi kinh tế: Doanh nghiệp “ngóng”, tiền ở đâu? - Ảnh 1.

Doanh nghiệp "ngóng" gói hỗ trợ phục hồi kinh tế. (Ảnh: Baothanhhoa)

Dưới góc nhìn của mình, TS.Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam thừa nhận, hiện kinh tế đã suy yếu khá trầm trọng và sẽ còn tiếp tục yếu hơn, muốn cho khu vực thị trường "sống trở lại", cần nhanh chóng đẩy mạnh nguồn lực hỗ trợ nền kinh tế.

Về chiến lược dài hạn, chúng ta "đứng dậy" sớm, có nghĩa là nền kinh tế có khả năng "kiếm" được một ít thời cơ để vươn dậy nhanh. Đây là điều rất quan trọng.

"Không có chương trình hỗ trợ phục hồi kịp thời, nền kinh tế không chỉ không đứng dậy được, mà những thành quả đã tích cóp được trong những năm qua cũng suy giảm nghiêm trọng. Hơn thế nữa, chúng ta mất đi thời cơ lịch sử để thay đổi và đuổi kịp thế giới", ông Thiên chia sẻ với PV Dân Việt.

Tiền đâu để hỗ trợ phục hồi kinh tế?

Được biết, Bộ Kế hoạch & Đầu tư đang trình các cơ quan chức năng chương trình khôi phục kinh tế, trong đó có đề xuất về gói hỗ trợ phục hồi kinh tế cho giai đoạn 2 năm 2022 – 2023.

Đến thời điểm hiện nay, chưa có con số cụ thể về quy mô gói hỗ trợ phục hồi kinh tế này, tuy nhiên theo nhiều chuyên gia "chắc chắn sẽ lớn hơn hoặc tương đương tổng mức đầu tư công hàng năm đang thực hiện". Thậm chí một số chuyên gia khác cho biết quy mô có thể tới 800.000 tỷ đồng (tức 35 tỷ USD).

Hỗ trợ phục hồi kinh tế: Doanh nghiệp “ngóng”, tiền ở đâu? - Ảnh 2.

Nhà máy Vinfast. (Nguồn: Reuter)

Thừa nhận tính cấp thiết của gói hỗ trợ này, TS.Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn tiền tệ quốc gia lưu ý, việc đưa ra quy mô gói hỗ trợ này phải được tính toán thận trọng và khoa học.

"Giả sử chúng ta dự kiến quy mô gói hỗ trợ phục hồi vào khoảng 800.000 tỷ đồng chẳng hạn, vậy con số này đã sát chưa khi vẫn có rất nhiều Bộ ngành chưa có số liệu đầu vào. Hay như câu chuyện từ đầu tư công chẳng hạn, số tiền được đưa ra trong gói hỗ trợ này đã nằm trong kế hoạch đầu tư công trung hạn mà Quốc hội đã phê duyệt 2,87 triệu tỷ đồng hay chưa hay là nguồn bổ sung. Nếu là nguồn bổ sung, thì chắc gì đã giải ngân được vì thực tế tỷ lệ giải ngân như năm 2020 chỉ bằng 75% kế hoạch vậy thì làm gì cần phải bổ sung,...", ông Lực dẫn chứng tại diễn đàn: Nhịp đập kinh tế Việt Nam 2021 với chủ đề "Tài chính cho phục hồi và phát triển bền vững".

Thực tế, rất nhiều chính sách đưa ra trong thời gian qua chưa hiệu quả, vì vậy theo TS.Cấn Văn Lực, việc thiết kế chính sách sát với thực tế là rất quan trọng.

Vậy tiền ở đâu cho gói kích thích kinh tế?

Ông Lực cho biết, có nhiều kênh huy động vốn có thể thực hiện.

Chẳng hạn, Chính phủ nhanh thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước, hàng năm nếu làm tốt khâu này đã thu về khoảng 40.000 tỷ đồng - theo ông Lực.

Cải cách mạnh mẽ thể chế, cắt giảm thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nhất là tháo gỡ vướng mắc để các dự án đầu tư đang bị chậm tiến độ được giải toả.

"Gần 2.000 dự án bất động sản đang chậm triển khai, nếu giải tỏa, tôi cho rằng đây là nguồn lực lớn để thúc đẩy phát triển", ông Lực nói.

Ngoài ra, còn có các nguồn khác như quỹ ngoài ngân sách; nguồn lực của khối tư nhân hay phát hành trái phiếu Chính phủ.

Cuối cùng, theo TS Cấn Văn Lực, chúng ta đi vay các định chế tài chính phát triển quốc tế. "Tôi đã trao đổi với các định chế tài chính quốc tế, thấy rằng những điều kiện cho vay của họ khá thuận lợi, không yêu cầu chúng ta phải cải cách thể chế hay cải cách thuế,... như trước đây. Vì vậy, việc vay vốn dễ dàng hơn rất nhiều", ông Lực thông tin thêm.

Hỗ trợ phục hồi kinh tế: Doanh nghiệp “ngóng”, tiền ở đâu? - Ảnh 4.

Quy mô gói hỗ trợ phục hồi kinh tế lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng, nợ công hay nợ Chính phủ vẫn nằm trong ngưỡng an toàn. (Ảnh: TBKD)

Trước lo ngại gói hỗ trợ phục hồi kinh tế quy mô lớn có thể sẽ dẫn tới những bất ổn kinh tế trong thời gian tới, ông Lực cho rằng, khi các Bộ ngành đưa ra chương trình phục hồi đã phải cân nhắc các yếu tố vĩ mô.

Bản thân ông Lực và nhóm nghiên cứu của ông cũng đã tính toán các kịch bản khác nhau trong trường hợp chúng ta có những gói hỗ trợ lớn và cho thấy các chỉ tiêu từ lạm phát, nợ công, nợ Chính phủ,... đều nằm trong ngưỡng an toàn.

"Có những thời điểm chúng ta phải chấp nhận các chỉ tiêu đó tăng lên nhưng sau đó chúng ta phải có kế hoạch gia cố. Phải chấp nhận nhưng không có nghĩa là thả nổi. Sau khi chúng ta phục hồi, khả năng thu thuế tốt hơn, tăng trưởng tốt hơn cán cân này sẽ trở lại quỹ đạo bền vững hơn", ông Lực nhận định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem