Hoa nở nơi chiến địa Vị Xuyên (kỳ cuối)

Gia Tưởng Thứ hai, ngày 15/07/2019 08:15 AM (GMT+7)
Trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc (từ 1979 đến 1989), riêng ở mảnh đất rát lửa Vị Xuyên (Hà Giang), 2 nơi người dân phải đi sơ tán toàn bộ là thôn Nậm Ngặt và làng Pinh (xã Thanh Thủy) vì đây là nơi thường xuyên bị quân Trung Quốc pháo kích. Chiến tranh qua đi, những người dân đã trở lại và xây dựng bản làng văn minh, sung túc, giàu đẹp hơn trước.
Bình luận 0

Hoa nở nơi chiến địa

Năm 1984, những trận pháo kích đầu tiên của quân Trung Quốc là nhắm vào thôn Nậm Ngặt, nơi đa phần là người dân tộc Dao sinh sống. Do vị trí của thôn nằm ngay dưới những điểm cao 685, 468 bình độ 400 nên cả thôn phải đi sơ tán. Khi tiếng súng vừa dứt, người thôn Nậm Ngặt đã tìm về làng cũ của mình. Và họ phải sống chung với hậu quả của cuộc chiến cho đến tận hôm nay.

Triệu Văn Nguyên (40 tuổi), năm 2008 trong một lần đi tìm gỗ làm nhà đã giẫm phải mìn, cụt mất 1 chân. Đứng ở đầu thôn Nậm Ngặt làm xe ôm đón khách lên đền thờ đài tưởng niệm trên điểm cao 468m, Nguyên trấn an tôi: “Yên tâm đi, cụt 1 chân vẫn chạy đường này ngon lắm. Không tin đi thử xem!”.

img

Anh Triệu Văn Nguyên. Ảnh: Gia Tưởng

Tôi trèo lên xe của Nguyên. Phải nói rằng tay lái của Nguyên cự phách, chỉ vài cái vít ga, "con ngựa sắt" đã vượt mấy khúc cua ở núi Nậm Ngặt này rồi. Nguyên vừa lái xe vừa khoe “đường Nậm Ngặt giờ ngon rồi, xe máy phóng vi vu”. Ô tô 30 chỗ đi lên đền thờ thoải mái, cả thôn giờ không nhà nào còn phải lo đói gạo nữa, vì người Dao làm ruộng bậc thang cấy lúa rất giỏi.

“Từ ngày có nhà tưởng niệm liệt sĩ, có nhiều khách đến thắp hương, tham quan lắm, người trong thôn Nậm Ngặt cũng có khối việc để mà làm”. Nguyên bảo, như Nguyên bị mất 1 chân mà ra đón khách cũng được vài chục nghìn tới cả trăm bạc mỗi ngày, thừa tiền mua sách bút cho con đi học, mua phân bón thoải mái để chăm ruộng.

Vợ Nguyên cũng tranh thủ sao chè ra bán ở đài tưởng niệm cho khách du lịch và các cựu chiến binh về thăm lại chiến trường xưa. Kinh tế gia đình cũng thoải mái hơn trước nhiều.

“Tuy tôi tàn tật nhưng mấy năm cả nhà chăm chỉ làm lụng, nhờ đó cũng đã xây được nhà gỗ kiên cố. Tất cả cũng nhờ khách tham quan du lịch ở đền tưởng niệm 468 này. Từ khi có địa điểm du lịch tâm linh, người dân thôn Nậm Ngặt cũng được thơm lây, đời sống kinh tế đổi thay mỗi ngày”, Nguyên hồ hởi khoe.

Cách thôn Nậm Ngặt độ 6km xuôi về thành phố Hà Giang là làng Pinh. Năm 1984 làng Pinh đã bị pháo bắn cháy toàn bộ, 50 ngôi nhà sàn của người Tày cổ thuộc loại đẹp nhất nhì tỉnh Hà Giang bốc cháy như những ngọn đuốc. Người làng Pinh phải đi sơ tán xuống dưới huyện Bắc Mê.

Làng Pinh chính thức trở "thủ đô" của lính ở mặt trận Vị Xuyên. Rất nhiều đơn vị có kho tàng đạn dược hậu cần ở đây, có cả 1 bệnh viện dã chiến ngay lối vào làng. Tất cả bộ đội tham gia chiến dịch Vị Xuyên, đi giữ các chốt đều phải tập kết ở làng Pinh.

Cả những người hy sinh hay bị thương cũng đưa về bệnh viện dã chiến ở làng Pinh để cứu chữa. Những người hy sinh được đưa ra con suối chảy qua làng Pinh để khâm liệm. Do vậy, làng Pinh cũng là một địa điểm mà hầu hết những đoàn cán bộ, chiến sĩ đã từng chiến đấu trên mặt trận Vị Xuyên tìm về.

Nắm bắt được nhu cầu du lịch tâm linh rất lớn của xã hội, bây giờ người làng Pinh đã biết làm du lịch homestay để đón khách tới bản làng mình.

Chủ của homestay làng Pinh Hoàng Văn Vĩnh, năm nay mới 36 tuổi, chia sẻ: “Nhà tôi suốt mấy tháng nay ngày nào cũng có khách cả, buổi trưa có khoảng gần hai chục mâm cỗ đặt ăn. Có nhiều đoàn còn ngủ lại. Từ khi có khách đến đây du lịch tâm linh, đặc sản làng Pinh - cá bỗng bán được nhiều lắm”.

Cả thôn bây giờ nhà nào cũng có ao nuôi giống cá đặc sản này. Cá bỗng là giống cá nước ngọt có thịt thơm ngon, được nuôi bằng nguồn nước sạch dẫn ở suối về nên rất sạch nữa. Cá bỗng chế biến được rất nhiều món, từ rán tới nướng, vẩy cá chiên giòn, nấu măng chua và đặc biệt là món gỏi cá bỗng, ai ăn cũng phải nhớ mãi.

Hiện tại cả làng Pinh đã có gần 100 ao nuôi giống cá đặc sản này. Cá bỗng được bán với giá 360 nghìn đồng/kg. Riêng chỉ để cung cấp cho nhu cầu của du khách tham quan, hành hương, thăm lại chiến trường xưa cũng đã không đủ rồi, Vĩnh tiết lộ.

Làng Pinh bây giờ không có hộ đói và đã được công nhận đạt chuẩn văn hóa. Làng Pinh cũng đã thành làng xây dựng nông thôn mới gần chục năm nay.

Trước kia nhắc tới làng Pinh là nhớ tới chiến tranh, sự hy sinh và thương vong vô kể của bộ đội ta. Nhưng bây giờ, chính những cựu chiến binh năm xưa đã mang lại cho làng Pinh đời sống no ấm. Làng Pinh sống tốt bằng nghề du lịch, đón du khách - chủ yếu là các cựu binh - thăm lại chiến trường và đồng đội của mình.

img

Vị Xuyên đang hồi sinh từng ngày. Nguồn: VNN

Luôn nằm lòng bài học cảnh giác

Mặc dù chiến tranh biên giới đã kết thúc trên mặt trận Vị Xuyên Hà Giang được 30 năm, nhưng những gì diễn ra hiện nay vẫn được Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy - nguyên Phó Tư lệnh Mặt trận Vị Xuyên, nguyên quyền Tư lệnh Quân khu II - nhắc nhở mỗi ngày.

Ông Huy nói: “Đối với những vấn đề liên quan đến an ninh biên giới và chủ quyền của đất nước, chúng ta không được phép mất cảnh giác một giây phút nào. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, cảnh giác luôn là một hành động không bao giờ thừa”.

Cũng theo tướng Huy, ưu tiên hàng đầu của chúng ta là phải xây dựng, bảo vệ và gìn giữ được môi trường hòa bình để phát triển kinh tế và xây dựng đất nước. Kinh tế có mạnh thì mới có điều kiện mà bảo vệ đất nước một cách vững chắc hơn.

img

Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy - nguyên Phó Tư lệnh Mặt trận Vị Xuyên, nguyên quyền Tư lệnh Quân khu II. Ảnh: Gia Tưởng

“Tôi đánh giá Nhà nước và quân đội của chúng ta đang làm rất tốt và rất đúng công tác bảo vệ Tổ quốc cũng như luôn cảnh giác trước mọi âm mưu và hành động của đối phương. Ta luôn khẳng định quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa là của Việt Nam, yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của nước ta và sớm ký kết COC - tuyên bố của các bên về tình hình ứng xử trên Biển Đông”, tướng Huy nhấn mạnh.

Và chốt lại câu chuyện, tướng Huy khẳng định: “Tôi cho rằng từ bài học Vị Xuyên về sự khó lường của chính quyền bành trướng Trung Quốc thời điểm đó, khi họ bất ngờ tiến hành tấn công mảnh đất này kín đáo và bí mật năm 1984, nhằm che mắt dư luận quốc tế, gây áp lực với chúng ta, luôn có tính thời sự cho đến nay. Vì thế, chúng ta không lúc nào được quên bài học cảnh giác, cũng như luôn phải giữ sự tỉnh táo và mưu trí để chống lại những âm mưu thâm độc, lăm le xâm lược nước ta bất cứ lúc nào”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem