Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Bà Nguyễn Thị Hạnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đưa ra các giải pháp phát triển du lịch Quảng Ninh trong năm 2023. Video: KM
Ngày 17/3, tại TP.Hạ Long, UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức hội nghị Phát triển du lịch Quảng Ninh 2023.
Hội nghị là dịp để các khách mời, diễn giả, cộng đồng doanh nghiệp làm du lịch cùng thảo luận, đề xuất các giải pháp cụ thể để Du lịch Quảng Ninh không chỉ đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển trong năm 2023, mà còn là tiền đề phát triển thực sự bền vững các năm tiếp theo. Từ đó, góp phần từng bước hiện thực hóa mục tiêu đưa du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, Việt Nam thuộc nhóm các nước có ngành Du lịch phát triển hàng đầu khu vực Đông Nam Á.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký cho biết, Quảng Ninh được đánh giá là địa phương có tài nguyên du lịch đa dạng, phong phú và đặc sắc, có nhiều tiềm năng khác biệt, lợi thế vượt trội để phát triển du lịch.
Du lịch luôn là một trong những trụ cột của cấu trúc phát triển tỉnh Quảng Ninh. Tuy nhiên, về tổng thể phát triển du lịch vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế.
Bên cạnh đó, du lịch Quảng Ninh đang đứng trước các cơ hội mới đan xen khó khăn, thách thức trước các xu hướng du lịch mới. Đó là sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và mạng xã hội đã và đang làm thay đổi đến việc lựa chọn điểm đến, nơi lưu trú, địa điểm ăn uống, phương thức thanh toán của khách du lịch, hình thành các xu hướng du lịch mới như du lịch thông minh, du lịch sáng tạo.
Hay như xu hướng khách du lịch quan tâm nhiều hơn tới chất lượng trải nghiệm tại điểm đến thay vì hình ảnh điểm đến đơn thuần. Ngoài ra, nhu cầu du lịch chữa bệnh kết hợp chăm sóc sức khỏe ngày càng phổ biến.
Ngoài ra, xu hướng du lịch có trách nhiệm, du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng, cùng với du lịch biển, du lịch nghỉ dưỡng núi, trải nghiệm văn hóa địa phương tới những nơi có chất lượng môi trường tốt ngày càng phổ biến. Ngoài ra, du lịch tàu biển tiếp tục gia tăng với các du thuyền hiện đại, sang trọng trở thành xu hướng quan trọng.
Ông Nguyễn Xuân Ký cho biết, trong bối cảnh đó, tỉnh Quảng Ninh kiên trì, nhất quán thực hiện chủ trương Phát triển du lịch bền vững và bao trùm, trên nền tảng tăng trưởng xanh là yêu cầu xuyên suốt trong các chính sách, chiến lược, quy hoạch.
Cụ thể, từ nay đến năm 2030, Quảng Ninh sẽ tập trung củng cố vị thế là đầu tàu du lịch quốc gia, trung tâm du lịch quốc tế, thu hút du khách quanh năm, từ khắp năm châu, trở thành một điểm đến "không thể bỏ lỡ" khi đến Việt Nam.
Đa dạng các sản phẩm du lịch có chất lượng, khác biệt, có giá trị gia tăng cao với các loại hình: Du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo, du lịch thể thao, giải trí, du lịch văn hóa, du lịch văn hóa - lịch sử - tâm linh, du lịch hội thảo, du lịch biên giới, du lịch sinh thái, cộng đồng, du lịch biên giới - thương mại.
Tỉnh cũng tiếp tục hoàn thiện kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch đồng bộ, hiện đại; phát triển, hình thành các khu du lịch cấp quốc gia tại Hạ Long, Uông Bí, Vân Đồn, Móng Cái…
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng khẳng định, Quảng Ninh có vị trí đặc biệt trên bản đồ du lịch Việt Nam.
Theo Bộ Trưởng Nguyễn Văn Hùng, để tiếp tục đánh thức được những tiềm năng lớn của du lịch Quảng Ninh, tỉnh cần xem xét, thống nhất nguyên tắc "Không đánh đổi tài nguyên văn hoá, tài nguyên thiên nhiên lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần".
Quảng Ninh cũng cần xây dựng và định vị cho được thương hiệu, bộ nhận diện và trả lời cho được câu hỏi "Vì sao du khách phải đến Quảng Ninh?".
Bên cạnh đó, xem xét phát động phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng môi trường du lịch Quảng Ninh an toàn, thân thiện"; phát triển các sản phẩm mới, đặc sắc và làm mới các sản phẩm truyền thống của tỉnh; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao được trang bị kỹ năng, nền tảng kiến thức về du lịch, công nghệ số.
Tập trung khảo sát, nghiên cứu, đánh giá thị trường sau đại dịch Covid-19 để nắm bắt kịp thời nhu cầu, thị hiếu du lịch mới, xây dựng chiến lược thu hút khách từ các thị trường quốc tế một cách phù hợp, không lệ thuộc vào thị trường truyền thống.
Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa mà tỉnh có lợi thế (du lịch văn hoá, nhiếp ảnh…)tiếp tục phát huy khả năng huy động nguồn lực xã hội hoá, hợp tác công tư để đầu tư hệ thống vui chơi, giải trí hiện đại,...
Theo bà Nguyễn Thị Hạnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, năm 2023, Quảng Ninh đề ra mục tiêu phấn đấu đạt 15 triệu lượt khách, doanh thu từ du lịch đạt khoảng 32.400 tỷ đồng.
Trong đó, quý I ước đạt 4,55 triệu lượt khách, tổng thu du lịch ước đạt 8.749 tỷ đồng. Quý II ước đạt 3,65 triệu lượt khách, tổng thu du lịch ước đạt 7.957 tỷ đồng. Quý III ước đạt 4,35 triệu lượt khách, tổng thu du lịch ước đạt 9.570 tỷ đồng. Quý IV ước đạt 2,45 triệu lượt khách, tổng thu du lịch ước đạt 6.125 tỷ đồng.
Để thực hiện các mục tiêu, Quảng Ninh đã xây dựng kịch bản phát triển riêng cho lĩnh vực du lịch với các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như phát triển sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo có sức cạnh tranh cao, nhất là sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng cao cấp.
Triển khai các giải pháp đảm bảo môi trường du lịch đặc biệt an ninh, an toàn, lành mạnh, môi trường sinh thái sạch đẹp, môi trường xã hội văn hóa văn minh; ứng xử theo quy tắc "Nụ cười Hạ Long" và bộ quy tắc ứng xử "Người Quảng Ninh".
Tập trung triển khai chuyển đổi số đối với lĩnh vực du lịch; đẩy mạnh các ứng dụng về công nghệ cho hoạt động du lịch như: thẻ du lịch, vé điện tử, tham quan 360 độ; xây dựng cơ sở dữ liệu du lịch; bảo tàng số,...
Tham gia và tổ chức thực hiện các chương trình xúc tiến, quảng bá du lịch Quảng Ninh tại các địa phương trong nước có khả năng kết nối với Sân bay Vân Đồn và các thị trường nước ngoài như các nước Đông Nam Á, Hàn Quốc, Nhật Bản;…
Đặc biệt, trong năm 2023, tỉnh Quảng Ninh sẽ tổ chức 136 sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch, thương mại đặc sắc; phấn đấu xây dựng đưa 38 sản phẩm du lịch mới vào khai thác.
Từ đó, phấn đấu đưa Quảng Ninh năm 2023 trở thành một điểm đến "không thể bỏ lỡ" khi đến Việt Nam.
Trong khuôn khổ hội nghị, các đơn vị liên quan đã ký Thỏa thuận chương trình hợp tác phát triển du lịch giữa tỉnh Quảng Ninh và các tỉnh, thành phố; thỏa thuận Hợp tác phát triển du lịch giữa Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Ninh và hiệp hội du lịch các tỉnh, thành phố; thỏa thuận hợp tác chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch giữa Sở Du lịch Quảng Ninh và Trung tâm Thông tin du lịch, Tổng cục Du lịch và ký hợp đồng hợp tác về Công nghệ thông tin.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.