Hơn 200 nhân viên bệnh viện Bạch Mai xin nghỉ việc: Lý do thu nhập thấp không thực sự thuyết phục

Q.D Thứ năm, ngày 15/04/2021 13:46 PM (GMT+7)
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, từ bài học của bệnh viện Bạch Mai, trước hết cần xem xét lại hình thức chuyển đổi, thay đổi cơ cấu của các doanh nghiệp chuyển sang tự chủ kinh tế trong lĩnh vực công nói chung.
Bình luận 0

Vài ngày qua, vụ việc hơn 200 nhân sự của Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội xin nghỉ việc, chuyển công tác…nhận được sự quan tâm của dư luận vì đây là bệnh viện đầu ngành tuyến cuối của trung ương.

Nhân viên nghỉ việc chỉ vì thu nhập thấp là không thực sự thuyết phục

Trong báo cáo, lý giải nguyên nhân của tình trạng này, lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai cho rằng giai đoạn đầu thực hiện đề án thí điểm tự chủ (2020-2021), bệnh viện gặp nhiều khó khăn về tổ chức bộ máy, quy chế hoạt động, tác động của dịch COVID-19 và đặc biệt là khó khăn về nguồn tài chính.

Tổng doanh thu của Bệnh viện Bạch Mai năm 2020 giảm gần 2.000 tỷ đồng (tương đương 26%). Bệnh viện đã áp dụng mọi chính sách hỗ trợ cán bộ, viên chức để bình ổn thu nhập. Tuy nhiên, tình hình không được cải thiện.

Để phù hợp với cơ chế tự chủ, bệnh viện đã triển khai sắp xếp, tổ chức lại bộ máy đảm bảo tinh gọn hơn, rà soát vị trí việc làm, tinh giản lao động không cần thiết, bố trí lại lao động phù hợp với trình độ, năng lực và vị trí việc làm.

Hơn 200 nhân viên bệnh viện Bạch Mai xin nghỉ việc: Lý do thu nhập thấp là không thực sự thuyết phục - Ảnh 1.

Hơn 200 viên bệnh viện Bạch Mai xin nghỉ việc

Ngoài yếu tố đã nêu trên như do tinh giản một số bộ phận, thu nhập giảm vì Covid-19, thì tâm lý căng thẳng sau các vụ lùm xùm xã hội hoá và do áp lực đổi mới cũng là nguyên nhân.

Như vậy, việc thí điểm tự chủ (2020-2021) đang đem lại những khó khăn trước mắt cho lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai hiện tại.

Trao đổi vấn đề này với Dân Việt, chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, sự việc có hàng trăm CBCNV xin nghỉ việc là vấn đề rất nghiêm trọng mà các nhà quản lý cần tập tung, nghiên cứu, xem xét một cách kỹ lưỡng vướng mắc, nhanh chóng giải quyết.

"Sớm giải quyết vấn đề này vừa là hạn chế tình trạng chảy máu chất xám, đồng thời cũng dập tắt hoang mang trong đơn vị, từng bước giúp người khác ổn định tâm lý, từ đó làm tiền đề cho việc định hình lại hệ thống tổ chức, tránh việc khủng hoảng sâu hơn", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho hay.

Theo ông Thịnh, từ bài học của BV Bạch Mai, trước hết cần xem xét lại hình thức chuyển đổi, thay đổi cơ cấu của các doanh nghiệp chuyển sang tự chủ kinh tế trong lĩnh vực công nói chung. 

Cần xem xét lại cách thức chuyển đổi

Điều chúng ta có thể nói ở đây, nếu như CBCNV nghỉ việc chỉ vì thu nhập thấp trong một khoảng thời gian ngắn là không thực sự thuyết phục. Bởi phần lớn, mọi người đều có tầm nhìn lâu dài. Chưa kể, nhiều người đã cống hiến hàng chục năm với bệnh viện, nếu vẫn nhìn thấy tiềm năng  hồi phục, tiềm năng về sau này thì số lượng người nghỉ việc vì thu nhập thấp sẽ không nhiều như vậy.

"Đứng trên vai trò quản lý, cần xem xét lại cách thức chuyển đổi công việc có còn khập khiễng, làm cho CBNV không được tôn trọng, không có môi trường cho họ cống hiến", ông Thịnh nêu ý kiến.

Còn đối với khía cạnh tài chính, về mặt nguyên tắc, khi doanh nghiệp chuyển đổi từ dịch vụ công sang tự chủ, theo lẽ thông thường hầu hết các đơn vị đều ghi nhận tăng thu nhập cho người lao động. Đơn cử như tại các trường đại học đã thí điểm trước đây.

Hơn 200 nhân viên bệnh viện Bạch Mai xin nghỉ việc: Lý do thu nhập thấp là không thực sự thuyết phục - Ảnh 2.

Các bác sĩ tập trung chuyên môn điều trị cho người bệnh.

Ở trường hợp cụ thể như BV Bạch Mai, ngoài khó khăn chung của dịch Covd-19 khiến doanh thu sụt giảm, có còn nguyên nhân khác đẩy chi phí lên cao không. Câu chuyện bộ máy cồng kềnh, nặng nề về các thủ tục hành chính cũng là nguyên khiến chi phí tăng vọt, cắt bỏ, sắp xếp khoa học lĩnh vực này sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, song song với tinh giảm bộ máy, loại bỏ những mảng miếng không cần thiết, doanh nghiệp cần đầu tư, mở rộng thêm loại hình dịch vụ cốt lõi, đưa lại nhiều doanh thu thêm cho đơn vị.

"Đặc biệt là những dịch vụ mới, dịch vụ mang tính chuyên sâu của ngành nghề. Trong đó, riêng về mảng y tế có nhiều lĩnh vực có thể thay đổi cơ chế thị trường, thu chi, giúp nâng cao mức sống của người lao động", ông Thịnh nói.

Tất nhiên, một phần nào đó, quy định về khám chữa bệnh cũng cần được xem xét lại cho hợp lý. Nên nhớ rằng, các dịch vụ khám chữa bệnh tư nhân bên ngoài thị trường ngày càng cải tiến cả về chất lượng và hiệu quả, đổi lại chi phí thường rất cao. Trong khi đó, bệnh viên công sẽ bị khống chế, những khống chế sẽ ở mức phù hợp theo quy định của Bộ Y tế.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, câu chuyện chuyển từ hệ thống công sang tự chủ kinh tế hiện tại vẫn rất mới, và khác biệt ở từng doanh nghiệp với các lĩnh vực đặc thù.

Do đó, câu chuyện từ BV Bạch Mai sẽ là bài học quý báu cho các DN chuyển đổi tự chủ sau này có những thay đổi phù hợp từ bộ máy đến tài chính, tránh xảy ra khủng hoảng hậu chuyển đổi. 



 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem