Khởi công KCN lớn nhất nước, đón đầu làn sóng đầu tư dịch chuyển từ Trung Quốc
Nguyễn Vy
Chủ nhật, ngày 17/05/2020 15:48 PM (GMT+7)
Chia sẻ tại buổi lễ khởi công dự án Khu công nghiệp (KCN) Việt Phát ngày 17/5 tại tỉnh Long An, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang kỳ vọng KCN lớn nhất nước này sớm lớn mạnh, đóng góp nhiều hơn cho đời sống người dân.
Dự án KCN Việt Phát do Công ty CP đầu tư Tân Thành Long An làm chủ đầu tư, đặt tại xã Tân Long, huyện Thủ Thừa. Dự án được quy hoạch theo mô hình kết hợp giữa KCN và khu đô thị. Trong đó, diện tích đất dành cho KCN là hơn 1.200ha và đất dành cho khu đô thị là hơn 625ha.
Đây là một trong những KCN có quy mô diện tích lớn nhất nước hiện nay. Việc khởi công dự án được giới chuyên gia đánh giá là đúng thời điểm để đón nhận làn sóng đầu tư đang dịch chuyển trên toàn cầu thời hậu Covid-19, nhất là ở Trung Quốc.
Không phải đến bây giờ, làn sóng dịch chuyển đầu tư ra ngoài Trung Quốc mới xuất hiện. Đại dịch Covid-19 là chất xúc tác mới, thúc đẩy làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng từ Trung Quốc diễn ra nhanh hơn, mạnh mẽ hơn.
Trước làn sóng chuyển dịch đầu tư đó, các chuyên gia và giới phân tích đã nhận định Việt Nam sẽ là một trong những điểm đến hấp dẫn, có nhiều cơ hội đón nhận vốn đầu tư dồi dào từ các quốc gia phát triển có trình độ công nghệ cao.
Đặc biệt, những thành công của Việt Nam trong việc kiểm soát đại dịch Covid-19 đã củng cố thêm niềm tin cho các nhà đầu tư nước ngoài; góp phần định vị Việt Nam trở thành điểm đến an toàn cho hoạt động kinh doanh của các nhà sản xuất quốc tế.
Chia sẻ tại buổi lễ, nguyên Chủ tịch Trương Tấn Sang cho biết, thế giới đã thừa nhận nỗ lực cũng như kết quả chống dịch của Việt Nam thời gian qua. Chính phủ cũng có chủ trương cải thiện môi trường đầu tư, phát triển kinh tế hậu dịch.
Các địa phương cần phải hiểu môi trường đầu tư ở đây, nôm na là phải làm sao cho "xịn" hơn; thái độ đón tiếp phải ân cần hơn và không chờ đợi. "Bởi vì ngay lúc phòng chống dịch Covid-19, các nhà đầu tư đã có mặt và quan sát rất rõ động thái trong nước", nguyên Chủ tịch nước nói.
Long An thu hút nhà đầu tư
Tỉnh Long An thu hút dự án đầu tư có diện tích quy mô lớn nhất cả nước đã cho thấy nỗ lực của tỉnh này. Với vị trí ở gần cảng Sài Gòn, lại có cảng nước sâu, Long An có những lợi thế lớn và thực tế đã có khá nhiều KCN trước đó.
"KCN Việt Phát đi sau, phải tận dụng lợi thế, sớm trở thành KCN kiểu mẫu cả nước, từ đó có những đóng góp nhiều hơn cho kinh tế địa phương, cho nhân dân", nguyên Chủ tịch nước kỳ vọng.
Ông Lê Thành – Chủ tịch HĐQT Tân Thành Long An cho biết, dự án nằm giữa 2 con sông lớn nên sẽ tận dụng lợi thế đường thủy, rồi đi ra các cảng nước sâu. Đồng thời kết nối tốt với hệ thống giao thông đường bộ thông qua quốc lộ N2 đến TP.HCM và các tỉnh phía Nam thuận tiện.
Đây là mô hình phát triển bền vững. KCN sẽ tạo việc làm cho lực lượng lao động địa phương, góp phần vực dậy kinh tế địa phương, từ đó tạo ra nhu cầu sinh sống trong khu vực từ công nhân, quản lý xí nghiệp,
Lúc này, khu đô thị sẽ cung cấp nhiều giải pháp nhà ở, tiện ích đa dạng, thu hút dân cư đến lập nghiệp và tạo thành một cộng đồng bền vững cộng hưởng cho khu công nghiệp.
Ông Thành kể, từ năm 2014, lãnh đạo công ty đã đầu tư Nhà máy chế biến nông sản Lavifood tại Long An. Long An là mảnh đất đã ươm mầm cho khởi nghiệp nông nghiệp công nghệ cao.
Tân Thành Long An mong muốn có một KCN đủ lớn, tận dụng lợi thế logictis để nối TP.HCM và ĐBSCL. "Đặc biệt Long An là tỉnh có vùng nguyên liệu nông sản lớn của ĐBSCL. Chúng tôi cam kết sẽ ưu tiên thu hút chế biến nông sản ở KCN lớn nhất của tỉnh", ông Thành nói.
Theo ông Nguyễn Văn Út - Phó Chủ tịch tỉnh Long An, Việt Phát là dự án thứ 2 được tỉnh khởi công sau đại dịch Covid-19. Các dự án này đánh dấu sự hoạt động trở lại của hoạt động kinh tế trên địa bàn tỉnh kể từ sau ngày Thủ tướng Chính phủ quyết định nới lỏng giãn cách toàn xã hội, để tập trung phát triển kinh tế.
Việc khởi công KCN Việt Phát là kết quả của nỗ lực, trách nhiệm của nhà đầu tư và chính quyền tỉnh Long An, để chủ động đón đầu thu hút vốn FDI chất lượng cao trước làn sóng chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu sau dịch Covid-19.
"Thời gian qua, cả tỉnh phải tập trung mọi nguồn lực để chống dịch nhưng vẫn kịp thời và tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp triển khai các KCN nhằm phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng đời sống cho người dân trong tỉnh", ông Út chia sẻ.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2019 của tỉnh Long An đạt 9,7%. Chỉ số PCI năm 2019 của tỉnh đứng thứ 8 trong bảng xếp hạng.
Đến cuối tháng 4/2020 trên địa bàn tỉnh có 11.796 doanh nghiệp đang hoạt động với tổng vốn đăng ký 308.000 tỷ đồng. Toàn tỉnh có 1.953 dự án đầu tư trong nước với số vốn đăng ký 230.300 tỷ đồng; thu hút 1.053 dự án FDI với số vốn đăng ký là 6.449 triệu USD.
Tỉnh Long An có 32 KCN đã được Thủ tướng Chính phủ bổ sung vào Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp Việt Nam với tổng diện tích hơn 11.524ha; tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp đã đi vào hoạt động đạt 86,78%.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.