Khu vườn bạc tỷ của lão nông mê cây

Sơn Quốc Thứ năm, ngày 14/05/2015 06:34 AM (GMT+7)
Trong chuyến công tác tại tỉnh Bến Tre, tôi đã có một buổi chiều mê mẩn trong vườn cây cảnh bạc tỷ của ông Võ Ngọc Sáng ở xã Sơn Định (huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) - một lão nông chính hiệu nhưng lại học được nghề chăm sóc, tỉa cây cảnh chuyên nghiệp như những nghệ nhân thực thụ. 
Bình luận 0

Khu vườn của những cây “cổ thụ” bạc tỷ

Vừa vào tới phần đất nhà ông Sáng, đập vào mắt chúng tôi là ngôi biệt thự chìm nghỉm giữa vườn cây với đủ các loại tùng, nguyệt quế, đa, đề, khế, du… Nhưng chiếm đại đa số vẫn là tùng, một loại cây được ưa chuộng từ mấy trăm năm nay. Là tỷ phú cây cảnh của vùng đất được mệnh danh là “vương quốc trái cây” - có thể gọi ông Sáng như vậy bởi hàng chục năm qua, những cây cảnh do ông chăm sóc, cắt tỉa đã được giới đại gia chơi cảnh khắp cả nước lựa chọn với giá từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng. Tuy nhiên, qua tiếp xúc, chuyện trò với ông, tôi cảm nhận ở ông vẫn là sự mộc mạc, chất phác rất đặc trưng của người nông dân miệt sông nước miền Tây Nam Bộ.

img
Cây nguyệt quế được trả giá 1,5 tỷ đồng nhưng ông Sáng vẫn không bán. Ảnh: S.Q

Sau cảm giác sững sờ, tôi có ý định đếm hết xem khu vườn hiện có bao nhiêu cây cảnh nhưng đến con số 200 mà chỉ mới được một góc vườn thì tôi đành phải chào thua bởi không sao đếm xuể. Đếm số lượng cây đã khó, định giá vườn cây cảnh của ông Sáng lại càng khó hơn. Bởi, giá trị của cây cảnh không thể cân, đong, đo, đếm mà tùy vào cách nhìn và cảm nhận của mỗi người. Ông bảo: “Có người định giá vườn cây của tôi có giá vài chục tỷ đồng nhưng tôi nghĩ chắc chỉ khoảng chục tỷ thôi. Rồi ông cười: Đây là giá mà mấy ngân hàng định giá giùm, tôi cũng chưa định giá bao giờ vì… lười”.

Chỉ chậu nguyệt quế với gốc cây đã mốc meo, thạch hóa, ông Sáng bảo: “Đây là cây có giá trị nhất của vườn, bây giờ cũng chẳng biết nó giá trị bao nhiêu nhưng cách đây 7-8 năm đã có người trả 3 tỷ đồng”. Ông Sáng cười, giải thích chính cái sự mốc thếch, xù xì đó đã tạo nên giá trị của cây nguyệt quế này: “Nhìn xem, toàn bộ thân cây đã thạch hóa rồi đó, đâu còn vỏ cây nữa. Dù công nghệ làm cây cảnh có cao thủ thế nào, cũng không thể làm ra cái đặc điểm thạch hóa này. Chỉ có thời gian mới giúp thân và rễ của cây lên màu như thế...”.

Ngoài những gốc cổ thụ có tuổi đời hàng trăm năm, xung quanh vườn nhà lão nông Võ Ngọc Sáng là lớp lớp những gốc viên tùng xen lẫn vườn cây ăn trái. Chỉ vào những gốc viên tùng có tuổi đời từ 17-18 năm, ông bảo, có thương lái từ Hà Nội vào trả mỗi gốc 300 triệu đồng nhưng tôi chưa muốn bán. Hỏi ông có bao nhiêu gốc như thế, ông cho biết toàn vườn có khoảng 40 gốc có tuổi đời 17-18 năm; riêng những gốc có tuổi đời 5 - 6 năm trở lên thì có tới hơn 1.000 gốc với trị giá từ 5 triệu đến hàng chục triệu đồng/gốc.

Nghệ nhân “tay ngang” và chuyện cây, chuyện đời

Trong suốt một buổi chiều ngồi cùng lão nông Võ Ngọc Sáng nói chuyện về cây cảnh, không thấy ở ông sự tự mãn về những gì mình đang có, ngược lại chỉ thấy ở ông sự khiêm nhường khi chia sẻ về chuyện cây, về gia đình và bản thân. Ông kể, chẳng phải bây giờ khi đã vào tuổi ngũ tuần ông mới yêu và mê cây, mà ngay từ thời trai trẻ ông đã yêu và gắn bó với chúng bởi cha ông cũng là người mê cây cảnh. Thế nhưng, thời điểm ông thực sự trở thành “nghệ nhân” là khi ông lấy vợ và học “lỏm” được nghề từ cha vợ là Nghệ nhân Trần Văn Cừu (huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang). “Tôi chỉ là “tay ngang”, dân nghiệp dư thôi bởi mỗi ngày tôi đều làm nông, sau khi nông nhàn mới bắt tay vào tập cắt, tỉa, tạo dáng cho cây” – ông cười hồn hậu.

img

Ở cái thời cái ăn, cái mặc còn không đủ (năm 1987-1988), việc ông Sáng suốt ngày tơ tưởng đến cây, lại còn bỏ tiền rước chúng về bày khắp nhà khiến nhiều người ở địa phương không khỏi cười nhạo. Người bảo ông “hâm”, người bảo ông “ngông”, cũng có người bảo ông “không có trách nhiệm với gia đình”. May mắn thay, ông được vợ mình chia sẻ và động viên bởi “bà xã còn máu cây hơn mình” - lời ông Sáng. Vì vậy, những lúc rảnh, ông lại lang thang, có mặt ở khắp các hang cùng, ngõ hẻm trong vùng, rồi đến khắp các tỉnh miền Tây lùng mua những cây cảnh đẹp, độc. Gom được cây nào ông lại hì hụi mang về trồng, chăm sóc, uốn thân, tạo thế theo sự hiểu biết và ý thích riêng của mình.

Rồi, năm 2007, ông tình cờ mua được cây nguyệt quế của ông giáo Kỳ (huyện Vị Thanh, Cần Thơ). Ông kể, tôi mua được cây này cũng là may mắn do con cháu ông giáo Kỳ bán lại với giá 500 triệu đồng. Qua quan sát thấy cây này rất đẹp, gỗ đã thạch hóa nên tôi đã giấu vợ con mang cả sổ đỏ thế chấp cho ngân hàng để vay tiền. Sau khi mang về chăm sóc lại, 2 tháng sau có người tới trả giá 1,5 tỷ đồng nhưng tôi không bán. Đến 5 tháng sau thì có một đại gia ở Hà Nội vào trả 3 tỷ đồng nhưng tôi vẫn quyết không bán. Hỏi vì sao, ông Sáng thành thật: “3 tỷ đồng với tôi lúc đó là rất lớn nhưng thực sự tôi cho rằng cây này là vô giá vì toàn bộ đã thạch hóa, ít nhất cây đã hơn 300 năm…”.

Với ông Sáng dù cây nguyệt quế là vô giá nhưng cây cảnh mà ông thích nhất vườn mình lại là cây khế có dáng long ẩn được đặt ở trung tâm khu vườn. Ông kể: “Lúc đầu nhìn thấy cây này tôi đã thích và cảm thấy có gì đó rất thân thương, quen thuộc. Khi hỏi ra thì người chủ họ bảo do Nghệ nhân Trần Văn Cừu tạo dáng. Lúc này tôi không còn đắn đo giá cả nữa bởi đây là “bảo bối”, là kỷ vật còn sót lại của người thầy, người cha vợ mà tôi kính yêu. Có người đã trả giá 500 triệu đồng nhưng tôi sẽ không bao giờ bán, tôi để lại làm thừa kế cho các con tôi”.

 Hỏi lão nông Võ Ngọc Sáng điều gì ở cây cảnh khiến ông mê mẩn như vậy? Ông trải lòng, vượt lên trên hết những giá trị vật chất, giá trị lớn nhất sinh vật cảnh mang lại cho con người chính là giá trị về mặt tinh thần. Với ông, chỉ cần mỗi lần được hoà mình trong vườn cây, được lắng nghe, được chứng kiến những chuyển động tuy chậm rãi nhưng thật kỳ diệu, tinh tế của mỗi mầm cây là ông quên hết mệt mỏi, ưu phiền, tâm hồn trở lên thanh thoát, thấy yêu đời, yêu cuộc sống hơn.  
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem