Trong kỹ thuật nuôi chim trĩ, con giống chim trĩ rất quan trọng.
Con giống chim trĩ hiện nay có bán ở nhiều nơi. Hầu như tỉnh, thành phố nào ở Việt Nam cũng có 1-2 trại nuôi chim trĩ. Đây cũng đều là những trại chim trĩ được gây dựng từ giống chim trĩ mua từ các trại khác trước đó.
Mô hình nuôi chim trĩ của anh nông dân Nguyễn Văn Thức, thôn Tiên Sơn, xã Tân Sơn, (TP Pleiku, tỉnh Gia Lai). Anh Thức hiện nay đã nắm vững được kỹ thuật nuôi chim trĩ. Video: Trần Hiền (Báo Dân Việt).
Giống chim trĩ cần mua tại các trại có uy tín và có bảo hành. Tốt nhất, nông dân cần đến tận trang trại nuôi chim trĩ để tham quan, tìm hiểu và học hỏi kinh nghiệm nuôi từ gia chủ.
Mới nuôi chim trĩ thì tuyệt đối không nên đặt mua giống chim này qua mạng xã hội và qua giới thiệu vu vơ ở những mối quan hệ không thân thiết.
Hiện nay có rất nhiều loại chim trĩ khác nhau, trong đó phần lớn là các loại chim trĩ nhập khẩu từ nước ngoài như chim trĩ vàng, chim trĩ bạc, chim trĩ đồng, chim trĩ Tây Tạng...
Nhưng ở Việt Nam nông dân thường nuôi và nuôi thành công hơn cả là 2 loại chim trĩ sau: Chim trĩ đỏ và chim trĩ xanh.
Cách làm chuồng chuôi chim trĩ
Làm chuồng nuôi chim trĩ đúng cũng là yếu tố cần phải có của người nuôi chim trĩ, đảm bảo thực hiện tốt các yêu cầu của kỹ thuật nuôi chim trĩ.
Chuồng nuôi chim trĩ làm ở khoảnh vườn rộng, diện tích thấp nhất là 50m2 trở lên. Chuồng chim trĩ xây tường gạch cao 60cm-1m để tránh các loài bò sát, chuột chui vào gây hại. Phía trên tường gạch cần làm cọc căng lưới cao, trùm lưới kín phía trên nhằm tránh chim trĩ bay ra ngoài.
Bên trong chuồng chim trĩ cần trồng các loại cây khô để làm nơi đậu cho loài chim trĩ.
Một số hộ nông dân ở tỉnh Quảng Trị, khu vực Tây Nguyên và các tỉnh Đông Nam Bộ đã tận dụng vườn cà phê để làm chuồng nuôi chim trĩ.
Chuồng nuôi chim trĩ trong vườn cà phê tất nhiên chỉ vì mục đích lợi nhuận từ nuôi chim trĩ thôi chứ cà phê thì không ăn thua. Bởi khi thả chim trĩ vào vườn, các cây cà phê thường là trụi cành, trụi lá bởi chim trĩ bay lên đậu trên cây.
Thức ăn cho chim trĩ và cách cho chim trĩ ăn
Nhiều nông dân nuôi chim trĩ khẳng định chắc như đinh đóng cột là nuôi loài chim quý tộc này dễ như nuôi gà. Thực tế, các mô hình nuôi chim trĩ khắp cả nước hiện nay cho thấy một mẫu số chung là thức ăn cho chim trĩ là các loại hạt ngũ cốc, chủ yếu là thóc gạo, ngô...
Chim trĩ khi còn bé thì cho ăn thức ăn dạng cám, dạng hạt tấm. Khi chim trĩ lớn thuần thục thì cho ăn cả hạt mà không cần xay.
Một điểm đặc biệt của loài chim quý tộc này là thức ăn xanh. Nhiều người bất ngờ khi nghe nói chim trĩ ăn nhiều rau xanh.
So với gà, đúng là chim trĩ ăn nhiều rau xanh. Rau xanh cho chim trĩ ăn rất đa dạng, nhưng chủ yếu là cho ăn rau khoai lang; rau muống; lá củ đậu, một số loại lá cây thân leo có mủ...
Đáng chú ý, để gia tăng lượng thức ăn thô, nhiều chủ trang trại còn chặt thân cây chuối rồi băm nhỏ ra trộn cám cho chim trĩ ăn...
Thức ăn cho chim trĩ, nhất là thức ăn xanh-các loại rau cần phải đảm bảo sạch, an toàn, không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc diệt cỏ hay hóa chất...
Hiện nay, để tiện lợi, nhiều trang trại nuôi chim trĩ đang cho chim trĩ ăn cám viên công nghiệp. Việc cho chim trĩ ăn cám viên công nghiệp cũng giống như cho gà ăn, tùy từng lứa tuổi, giai đoạn sinh trưởng của chim trĩ.
Lưu ý khi nuôi chim trĩ
Lưu ý khi nuôi chim trĩ kỳ này: Nếu bạn là người lần đầu tiên nuôi chim trĩ thì nên mua con giống với số lượng hợp lý. Không nên mua con giống và nuôi với số lượng lớn ngay từ lần đầu tiên. Thực tế, nếu nuôi thành công, từ vài cặp chim trĩ bố mẹ ban đầu bạn sẽ nhanh chóng nhân đàn chim trĩ lên rất nhanh. Bởi mỗi con chim trĩ mái mỗi ngày sẽ đẻ 1 trứng và duy trì tình trạng đẻ trứng suốt 10 tháng trong năm.
Mới tập nuôi chim quý tộc này bạn cũng nên mua chim trĩ giống (có thể là chim non hoặc mua chim trĩ bố mẹ), không nên mua trứng chim trĩ về nhà tự ấp hoặc cho vào ổ cho gà mái nó ấp, tỷ lệ nở sẽ không cao.
Bà con muốn nuôi chim trĩ cần nắm chắc các kỹ thuật nuôi chim trĩ trước khi bắt tay vào thực hiện mô hình...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.