Lãi lớn vì giá thép tăng cao, các đại gia thép luôn trong “tầm ngắm” phòng vệ thương mại

Thanh Phong Thứ sáu, ngày 23/04/2021 18:00 PM (GMT+7)
Đại dịch Covid-19 tác động tới mọi lĩnh vực kinh tế, trong khi đó, xuất khẩu sản phẩm sắt, thép vẫn giữ mức tăng trưởng dương. Tuy nhiên, ngành thép Việt Nam lại đang đối mặt với những nguy cơ lớn về phòng vệ thương mại.
Bình luận 0

Số liệu thống kê từ Bộ Công Thương cho thấy, trong quý I/2021, xuất khẩu sắt và thép Việt Nam đạt 1.826 tỷ USD tăng mạnh 65,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo dự báo của giới chuyên môn, nhu cầu thép nội địa trong năm 2021 sẽ tăng từ 3 - 5% so với năm 2020.

Cũng trong năm 2021, với việc các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới được thực thi, ngành thép sẽ có thêm thị trường xuất khẩu. Cùng với đó, hiện tại, ngành thép đang tiếp tục đối mặt với những khó khăn như rủi ro với các vụ kiện phòng vệ thương mại tăng cao và phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu.

Số liệu từ Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương cho thấy, trong những năm gần đây, số lượng các vụ việc khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam ngày càng gia tăng.

Liên tục nằm trong “tầm ngắm” phòng vệ thương mại, ngành thép cần làm gì? - Ảnh 1.

Ngành thép liên tục lọt "tầm ngắm" phòng vệ thương mại thời gian qua

Đến nay, Việt Nam đã bị các nước điều tra 203 vụ việc đối với hàng xuất khẩu và thép vẫn là sản phẩm bị điều tra nhiều nhất, chiếm gần 40% các vụ việc. Một trong những nguyên nhân là do ngành thép Việt Nam hiện đang phụ thuộc phần lớn vào nguyên liệu nhập khẩu (trong đó có Trung Quốc).

Ngoài ra, giá thành thép Việt Nam đang ở mức tương đối cạnh tranh, thương hiệu thép Việt Nam tạo uy tín trên nhiều thị trường khác nhau. Điều này càng làm gia tăng nguy cơ bị khiếu kiện phòng vệ thương mại.

Không chỉ liên tục hứng chịu các vụ việc điều tra nguồn gốc, xuất xứ liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp tới Trung Quốc và Mỹ, các DN thép Việt Nam còn đối mặt với giá nguyên liệu đầu vào liên tục tăng. Đại diện Công ty Cổ phần Đại Thiên Lộc (DTL) lo ngại, thời gian tới, nếu Trung Quốc tăng mức hoàn thuế XK một số sản phẩm thép lên 13%, giá thép cán nóng có thể vọt lên 900 USD/tấn...

Theo ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại cho hay, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, việc ngành thép Việt Nam đối mặt với nhiều vụ kiện là điều tất yếu.

"Vấn đề cần làm là phải tăng cường các biện pháp chủ động phòng vệ, tiếp tục tuyên truyền, phổ biến quy định về phòng vệ thương mại. Trong đó, doanh nghiệp cần chủ động tham gia, xử lý các vụ điều tra", ông Dũng nhấn mạnh.

Ngoài ra, vị lãnh đạo Cục Phòng vệ thương mại cũng đưa ra khuyến nghị, doanh nghiệp trong quá trình xuất khẩu phải luôn theo sát thông tin; thường xuyên trao đổi thông tin với bạn hàng nhập khẩu.

Đặc biệt, doanh nghiệp cần chú trọng các nội dung là những rào cản thương mại có nguy cơ áp dụng lên hàng hóa nhập khẩu. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần đa dạng hóa thị trường và sản phẩm xuất khẩu, tránh quá tập trung vào một thị trường để giảm thiểu rủi ro khi vụ việc bị áp thuế ở mức khá cao.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem