Lái xe ô tô có được phép rời khỏi hiện trường sau khi gây tai nạn giao thông?

Quang Minh Thứ bảy, ngày 04/11/2023 14:57 PM (GMT+7)
Lái xe ô tô sau khi gây tai nạn giao thông cần giữ nguyên hiện trường, cấp cứu người bị nạn và phải có mặt khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu.
Bình luận 0

Câu hỏi:

Bạn đọc Nguyễn Ngọc Quang (Hà Nội) hỏi: Trên nhiều diễn đàn về ô tô tôi thấy nhiều người tranh luận về việc lái xe ô tô có được phép rời khỏi hiện trường sau khi gây tai nạn giao thông?

Và trường hợp nhận tội thay lái xe gây tai nạn sẽ bị xử lý như thế nào? 

Trả lời:

Luật sư Ma Văn Giang – Công ty luật TNHH Niềm tin công lý, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội:

Theo quy định tại khoản 1 Điều 38 Luật Giao thông đường bộ 2008 thì người điều khiển phương tiện và những người liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn có trách nhiệm: Dừng ngay phương tiện; giữ nguyên hiện trường; cấp cứu người bị nạn và phải có mặt khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu;

Bên cạnh đó người gây tai nạn phải ở lại nơi xảy ra tai nạn cho đến khi người của cơ quan công an đến, trừ trường hợp người điều khiển phương tiện cũng bị thương phải đưa đi cấp cứu hoặc phải đưa người bị nạn đi cấp cứu hoặc vì lý do bị đe dọa đến tính mạng, nhưng phải đến trình báo ngay với cơ quan công an nơi gần nhất;

Người gây tai nạn giao thông phải cung cấp thông tin xác thực về vụ tai nạn cho cơ quan có thẩm quyền.

Lái xe ô tô có được phép rời khỏi hiện trường sau khi gây tai nạn giao thông? - Ảnh 2.

Luật sư Ma Văn Giang – Công ty luật TNHH Niềm tin công lý, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội.

Như vậy, theo luật sư Giang, người gây tai nạn giao thông được rời khỏi hiện trường trong trường hợp: Người điều khiển phương tiện cũng bị thương phải đưa đi cấp cứu; Phải đưa người bị nạn đi cấp cứu; Vì lý do bị đe dọa đến tính mạng.

Tuy nhiên, sau khi rời khỏi hiện trường, người gây tai nạn cần phải đến trình báo ngay với cơ quan công an nơi gần nhất.

Luật sư Giang cho hay, tùy vào mức độ vi phạm, chủ xe gây tai nạn giao thông rồi bỏ trốn  khỏi hiện trường có thể bị xử phạt hành chính từ 16-18 triệu đồng theo Nghị định 100 năm 2019 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

Hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 72 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 với khung hình phạt tù từ 3 đến10 năm.

Còn đối với trường hợp nhận tội thay lái xe gây tai nạn, Luật sư Giang cho hay, hành vi nhận tội thay cho người khác có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội che giấu tội phạm theo Điều 18, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017, với khung hình phạt là bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm.

Phạm tội trong trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn cản trở việc phát hiện tội phạm hoặc có những hành vi khác bao che người phạm tội có thể bị phạt tù từ 2-7 năm theo Bộ luật hình sự 2015.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem