Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Người dân và các cơ quan chức năng của Việt Nam đã phản ứng gay gắt, có những biện pháp mạnh để ngăn chặn những sản phẩm có hình ảnh đường lưỡi bò phi pháp. Với những lỗi thuộc về cá nhân, tổ chức có trách nhiệm trong việc kiểm duyệt nội dung trước khi ban hành các sản phẩm có đường lưỡi bò phi pháp không có gì phải bàn cãi. Vấn đề hiện nay được giới chuyên môn phần mềm quan tâm: Với những phần mềm có đường lưỡi bò phi pháp liệu có ngăn chặn được không?
Đường lưỡi bò phi pháp và mánh khóe thời Internet
Gần đây, trên nhiều sản phẩm, từ sách báo, thông tin quảng bá du lịch, đến phim ảnh, thiết bị định vị bản đồ trên xe hơi, phần mềm quản lý điện mặt trời… xuất hiện hình ảnh đường lưỡi bò phi pháp của Trung Quốc.
Cục Điện ảnh đã cấp phép chiếu rộng rãi cho bộ phim hoạt hình có tên “Everest Người tuyết bé nhỏ” dù bộ phim đó có đường lưỡi bò phi pháp.
Ngày 23/10/2019, tại sự kiện Vietnam Motor Show, thiết bị định vị của chiếc xe hơi mang nhãn hiệu Volkswagen Touareg CR745J bị phát hiện có hình ảnh đường lưỡi bò phi pháp. Được biết, Công ty Ô tô Thế giới thuê hai chiếc xe này từ đối tác là Wolkswagen Group Import Company (Trung Quốc).
Ngày 30/10/2019, Công ty Điện lực Kiên Giang phát văn bản nêu rõ: Một nhà cung cấp thiết bị inverter là Zeversolar (Trung Quốc) có ứng dụng theo dõi sản lượng điện phát ra của hệ thống năng lượng mặt trời (app ZeverCloud) có hình ảnh đường lưỡi bò phi pháp.
Ngày 8/11/2019, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (viết tắt là EVN) xác nhận, hiện trên thị trường khu vực miền Nam, xuất hiện thiết bị biến đổi điện mặt trời xuất xứ từ Trung Quốc kèm theo phần mềm theo dõi vận hành hệ thống điện mặt trời trên mái nhà. Đặc biệt, trong phần mềm đó có chứa bản đồ kèm theo đường lưỡi bò phi pháp.
Trước đó, ngày 15/10/2019, Cục Điện ảnh đã cấp phép chiếu rộng rãi cho bộ phim hoạt hình có tên “Everest Người tuyết bé nhỏ” dù bộ phim đó có đường lưỡi bò phi pháp.
Ông Nguyễn Văn Hiền - Giám đốc Công ty phần mềm iNet Solutions nhận định: “Các nhà viết phần mềm không dại gì để đường lưỡi bò phi pháp hiển thị trên giao diện, mà để nằm sâu bên trong, chỉ khi nào người dùng kích hoạt sử dụng, lúc đó nội dung ứng dụng mới hiển thị theo chế độ mặc định hoặc là được cài đặt bằng những phiên bản cập nhật sau này. Đó là những mánh khóe thời Internet”.
Ông Ngô Tuấn Anh - Phó chủ tịch Công ty an ninh mạng Bkav nêu vấn đề: Với một phần mềm, khi tích hợp vào thiết bị phần cứng hoặc khi đưa lên các kho ứng dụng, sẽ có hai khái niệm: Nội dung và kỹ thuật. Kiểm soát nội dung không có gì khó nhưng liệu chúng ta có đủ thời gian và nhân lực để kiểm soát?
“Kiểm soát và đối phó dưới góc độ kỹ thuật khó hơn nhiều vì những lý do sau: Bản quyền, nhất là công nghệ cập nhật phần mềm ngày càng hiện đại hơn”, ông Tuấn Anh nói.
Hiện nay, cập nhật phần mềm điều khiển không còn là chuyện khó, cứ có phiên bản mới, tung lên mạng Internet, các thiết bị tự động cập nhật. Có nhiều phiên bản phần mềm điều khiển không cần bàn tay can thiệp của con người nên người tiêu dùng không thể biết nhà phát triển phần mềm đưa “giống gì vào đó” như lời của ông Hiền.
Có cắt “đường lưỡi bò phi pháp” được không?
Ông N.Đ - một chuyên gia về phần mềm vi mạch tại TP.HCM cho rằng, hiện nay câu chuyện về đường lưỡi bò phi pháp trong các phần mềm đang là câu chuyện thời sự của giới làm phần mềm Việt Nam. Ông N.Đ nhận xét, giới phần mềm Việt Nam hiện nay đã đủ năng lực để làm phần mềm “thuần Việt” trong nhiều sản phẩm kỹ thuật số nhập khẩu từ nhiều quốc gia, nhưng việc thay thế còn vướng nhiều điểm: Thời gian, năng lực tài chính của nhà nhập khẩu thiết bị…
“Chúng ta có thể thay thế phần mềm của họ hay không? Tôi cho rằng có thể làm được. Nếu họ đưa đường lưỡi bò phi pháp vào sâu hơn trong cấu trúc, sẽ phức tạp hơn nhưng vẫn làm được. Cứ nhập xác máy về, giới phần mềm trong nước sẽ viết phần mềm cho các thiết bị đó sẽ dễ hơn. Đây là cơ hội cho giới phần mềm Việt Nam”, ông N.Đ nói.
Với góc nhìn riêng, ông Tuấn Anh tiết lộ, hiện Bkav đang tập trung nghiên cứu các giải thuật về trí tuệ nhân tạo (AI) để phát hiện các ứng dụng, phần mềm có những nội dung “phản động” như kiểu đường lưỡi bò phi pháp để từ đó có những cách xử lý như ngăn chận, treo, không tự động cập nhật...
Là người có gần 20 năm làm trong lĩnh vực phần mềm, ông Hiền nói rằng “không hề e ngại viết phần mềm điều khiển cho các thiết bị kỹ thuật số, nhưng quan trọng nhất là làm sao hiệu quả vì chạm đến giá thành sản phẩm”.
“Bản chất của người làm phần cứng luôn luôn biết phải làm phần mềm như thế nào để thiết bị hoạt động hiệu quả nhất. Giải mã phần cứng không khó bằng viết phần mềm”, ông N.Đ nói thêm.
Ông Tuấn Anh cho biết, với những sản phẩm đầu tiên chi phí phần mềm chiếm từ 50 – 60% giá thành.
Để triệt tiêu hình ảnh đường lưỡi bò phi pháp trên các sản phẩm kỹ thuật số, ngoài việc thay thế bằng phần mềm riêng như trên đã đề cập, các chuyên gia còn có những quan điểm chung. Đó là nhà nhập khẩu phải có điều khoản pháp lý rõ ràng với nhà sản xuất bên Trung Quốc về hàng hóa nhập vào Việt Nam: Cam kết không đưa những nội dung có màu sắc chính trị vào phần mềm, thiết kế, màu sắc trong suốt thời gian hoạt động của sản phẩm đó.
Ông Tuấn Anh cho rằng: “Trong trường hợp phát hiện phần mềm điều hành hay trình điều khiển “bẩn”, điển hình là đường lưỡi bò phi pháp, nhà nhập khẩu yêu cầu nhà sản xuất cung cấp lại phần mềm “sạch”, nếu không có thể kiện nhà sản xuất ra tòa”.
Người tiêu dùng “mạnh tay” tẩy chay những nhãn hàng có sản phẩm vi phạm chủ quyền quốc gia.
“Hiện nay không có một sản phẩm nào giữ vị thế độc quyền trên thị trường. Nếu tẩy chay, người tiêu dùng vẫn còn nhiều sản phẩm khác để lựa chọn”, ông N.Đ nói thêm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.