Lần đầu tiên hơn 4.500 ca mắc Covid-19/ngày, các bệnh viện tuyến cuối tại Hà Nội đang hoạt động ra sao?

Gia Khiêm Thứ bảy, ngày 19/02/2022 06:00 AM (GMT+7)
Trước lo ngại số lượng bệnh nhân vượt hơn 4.500 ca mắc trong ngày cao kỷ lục kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, nhiều bệnh viện tuyến cuối tại Hà Nội cho biết, vẫn đang trong tầm kiểm soát số lượng người bệnh nặng, nguy kịch.
Bình luận 0

Hà Nội có hơn 138.000 F0 đang điều trị

Ngày 18/2, tin từ Sở Y tế Hà Nội cho biết, trên địa bàn thành phố ghi nhận 4.549 ca Covid-19, trong đó có 964 ca cộng đồng; 3.585 ca đã cách ly. Đây là lần đầu tiên thành phố ghi nhận số ca mắc cao kỷ lục kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện.

Lần đầu tiên hơn 4.500 ca mắc Covid-19/ngày, các bệnh viện tuyến cuối tại Hà Nội đang hoạt động ra sao? - Ảnh 1.

Bệnh nhân Covid-19 được đưa ra xe cứu thương đến bệnh viện điều trị. Ảnh: Phạm Chiểu

Cụ thể, 4.549 bệnh nhân phân bố tại 495 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Đông Anh (308); Hoàng Mai (282), Nam Từ Liêm (244), Sóc Sơn (242), Bắc Từ Liêm (236), Hoài Đức (225), Chương Mỹ (218).

Cũng theo Sở Y tế Hà Nội, tính đến hết ngày 17/2, toàn thành phố có 143.536 F0 đang điều trị, theo dõi. Trong đó, hơn 138.000 F0 điều trị tại nhà (tăng 17.000 ca so với ngày 16/2) và 987 ca (tăng 134 ca) điều trị tại khu cách ly. Như vậy, hiện gần 97% F0 ở Hà Nội mắc Covid-19 thể nhẹ hoặc không có triệu chứng. Hơn 3% còn lại (khoảng 4.500 ca) phải nhập viện điều trị.

Lần đầu tiên hơn 4.500 ca mắc Covid-19/ngày, các bệnh viện tuyến cuối tại Hà Nội đang hoạt động ra sao? - Ảnh 2.

Nhân viên y tế đang tiến hành điều trị cho bệnh nhân F0 nặng tại Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 Đại học Y Hà Nội. Ảnh: Gia Khiêm

Trong số này có hơn 4.000 ca (tăng hơn 300 ca) điều trị tại các bệnh viện của Hà Nội (tầng 2 và 3), 345 ca điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2 và Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Ngày 16/2, Hà Nội ghi nhận 16 ca mắc Covid-19 tử vong. Như vậy, tổng số ca tử vong do Covid-19 tính từ ngày 29/4/2021 cho đến nay là 888 người.

Bệnh viện tuyến cuối Hà Nội có quá tải?

Trao đổi với PV Dân Việt, bà Nguyễn Thị Lan Hương, Phó Giám đốc Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết, đây là bệnh viện tầng 3, tuyến cuối cùng của thành phố. Hiện Bệnh viện Thanh Nhàn đang điều trị khoảng 200 bệnh nhân Covid-19, trong số này có khoảng 150 bệnh nhân nặng, nguy kịch.

Lần đầu tiên hơn 4.500 ca mắc Covid-19/ngày, các bệnh viện tuyến cuối tại Hà Nội đang hoạt động ra sao? - Ảnh 3.

Bác sĩ động viên F0 điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh, Hà Nội. Ảnh: Gia Khiêm

"Chúng tôi vẫn theo kế hoạch của Sở Y tế và thành phố. Số lượng bệnh nhân nặng, nguy kịch có tăng hơn so với trước Tết Nguyên đán. Cụ thể trước Tết số bệnh nhân nặng, nguy kịch điều trị tại đây dao động khoảng 110-120 bệnh nhân, tăng hơn chút nhưng không nhiều", bà Hương chia sẻ.

Trước số ca mắc tại thủ đô liên tục tăng, lo ngại bệnh viện tuyến cuối quá tải, bà Hương cho biết, điều này không quá lo lắng. Sở dĩ, theo bà Hương bởi đa phần người dân đã tiêm vaccine, triệu chứng nhẹ. Những trường hợp bệnh nhân diễn biến nặng là do tuổi quá cao, có bệnh nền và đặc biệt không tiêm vaccine ngừa Covid-19.

"Bệnh viện vẫn triển khai công tác điều trị. Vì vậy, có bệnh nhân đến đâu chúng tôi sẽ nhận đến đó. Nếu bệnh nhân nhiều hơn sẽ tăng thêm giường bệnh, sẵn sàng chủ động kế hoạch tiếp nhận bệnh nhân nặng, không lo quá tải", bà Hương cho biết thêm.

Về vấn đề này, trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho hay, bệnh viện đang tiếp nhận, điều trị khoảng 300 bệnh nhân Covid-19.

Lần đầu tiên hơn 4.500 ca mắc Covid-19/ngày, các bệnh viện tuyến cuối tại Hà Nội đang hoạt động ra sao? - Ảnh 4.

Tại Hà Nội, các bệnh viện cho biết vẫn đang trong tầm kiểm soát trường hợp bệnh nhân chuyển nặng. Ảnh: Gia Khiêm

"So với trước Tết Nguyên đán, số ca bệnh duy trì ở mức trên nhưng số ca nặng có giảm. Hiện có khoảng 150 bệnh nhân nặng, nguy kịch đang điều trị. Trước Tết Nguyên đán số lượng bệnh nhân khoảng gần 200 trường hợp. Chúng tôi không lo ngại quá tải", ông Thường nói.

Tương tự, PGS.TS Hoàng Bùi Hải - Phó giám đốc Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 Đại học Y Hà Nội nói, bệnh viện hiện đang điều trị cho 140 bệnh nhân nặng, nguy kịch. Con số này chưa có chiều hướng giảm, vẫn như trước Tết Nguyên đán. Hiện bệnh viện đang đáp ứng được, chưa quá tải.

Theo lãnh đạo các bệnh viện trên, qua đánh giá, bệnh nhân tử vong chủ yếu là bệnh nhân chưa tiêm vaccine, người có bệnh lý nền. Trong đó, có tới 80% bệnh nhân tử vong chưa tiêm vaccine, 20% còn lại là bệnh nhân tiêm một mũi hoặc tiêm đã quá lâu.

"Rất ít trường hợp tiêm vaccine AstraZeneca, Pfizer từ 2 mũi trở lên mà tử vong. Điều này cho thấy việc tiêm vaccine rất hiệu quả. Bên cạnh đó, người dân không nên hoang mang, số bệnh nhân Covid-19 những ngày tới có thể sẽ tăng, nhiều người sẽ bị nhiễm hơn nữa.

Những người đã tiêm vaccine sẽ bị nhẹ hơn. Tuy nhiên, chúng ta phải tuân thủ 5K, không hoang mang và cũng đừng chủ quan để tránh trường hợp những người yếu thế, nguy cơ cao, chưa tiêm vaccine, người bệnh nền nhiều… nguy cơ tử vong còn cao. Ai chưa tiêm vaccine thì nên tiêm", ông Hải nói.

Trước diễn biến số ca mắc Covid-19 những ngày gần đây luôn đứng đầu cả nước, ngày 18/2, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chu Ngọc Anh có công điện hỏa tốc số 1 tăng cường các biện pháp thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19.

Trong thời gian tới, Chủ tịch Hà Nội yêu cầu Giám đốc các Sở, ban, ngành và Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã tuyệt đối không chủ quan, lơ là; tăng cường tổ chức các đoàn kiểm tra việc chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch theo ngành, lĩnh vực, địa bàn phụ trách, đặc biệt tập trung vào các khu vực đông người, cơ quan, đơn vị, cơ sở dịch vụ, di tích, danh lam thắng cảnh, cơ sở giáo dục và đào tạo trên địa bàn.

Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về các biện pháp phòng, chống dịch; thực hiện nghiêm nguyên tắc "5K+ vaccine, thuốc điều trị + công nghệ + ý thức người dân" để giảm tối đa nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng.

Hà Nội tập trung vào việc phổ biến kiến thức cho người dân quy định, hướng dẫn người mắc Covid-19 theo dõi sức khỏe tại nhà, các trường hợp nguy cơ cao, phát hiện và xử lý kịp thời diễn biến bất thường liên quan bệnh lý nền…

Thành phố giao Sở Y tế hướng dẫn cách ly, giám sát chặt người nhập cảnh, đặc biệt người về từ các cùng đã ghi nhận biến chủng mới Omicron. Đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine mũi bổ sung, mũi nhắc lại theo hướng dẫn của Bộ Y tế, hoàn thành trong quý I/2022.

Sở chỉ đạo các Bệnh viện, Trung tâm Y tế đảm bảo công tác quản lý, thu dung điều trị cho người nhiễm Covid-19 trên địa bàn thành phố. Rà soát và bổ sung giường điều trị tại các bệnh viện của Thành phố đáp ứng chăm sóc sức khỏe cho người dân. Tập trung đảm bảo giường bệnh điều trị tầng 2, tầng 3 nhằm giảm tỷ lệ chuyển nặng và giảm tỷ lệ tử vong...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem