Xuất hiện ca bệnh nhiễm "vi khuẩn ăn thịt người" Whitmore đầu tiên ở Đồng Nai

Nguyệt Minh Thứ ba, ngày 03/09/2024 11:53 AM (GMT+7)
Mới đây, Trung tâm Y tế huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) xác nhận đã tiếp nhận ca bệnh "vi khuẩn ăn thịt người" Whitmore đầu tiên.
Bình luận 0

Bệnh nhân bị nhiễm "vi khuẩn ăn thịt người" Whitmore  ở ngoài cộng đồng

Theo thông tin từ Trung tâm Y tế huyện Xuân Lộc, bệnh nhân là bé gái T.T.D.M., 14 tuổi, ngụ xã Suối Cát. Khoảng đầu tháng 8/2024, bệnh nhân có nổi hạch ở vùng cổ. Sau đó, bệnh nhân được gia đình đưa đến Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai khám và được chẩn đoán viêm hạch, gia đình lấy thuốc về nhà cho bệnh nhân uống.

Lần đầu tiên ở Đồng Nai xuất hiện ca bệnh nhiễm "vi khuẩn ăn thịt người" Whitmore  - Ảnh 1.

Tình trạng vết thương ở vùng cổ của bệnh nhân sau khi bị nhiễm "vi khuẩn ăn thịt người" Whitmore. Ảnh T.N

Tuy nhiên, đến ngày 22/8, bệnh nhân không đỡ. Thậm chí, bệnh nhân còn bị áp xe phần mềm vùng cổ phải nên được nhập viện Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai để mổ lấy hạch, lấy mẫu bệnh phẩm gửi Bệnh viện Nhiệt đới (Thành phố Hồ Chí Minh) để làm xét nghiệm.

Sau đó, ngày 29/8, kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân dương tính với vi khuẩn Burkholderia pseudomallei, là vi khuẩn gây bệnh Whitmore. 

Sáng 2/9, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết, bệnh nhân bị nhiễm bệnh ở ngoài cộng đồng. Sau khi được điều trị bằng kháng sinh, hiện tại tình trạng sức khỏe của bệnh nhân cơ bản ổn. Ông Nghĩa nhấn mạnh, bệnh phải được theo dõi sát và điều trị theo phác đồ nên khả năng vài tuần nữa bệnh nhân mới được xuất viện.

Tuy nhiên, đến hiện tại vẫn chưa xác nhận được nguồn lây cụ thể. Theo thông tin từ người nhà gia đình bệnh nhân, trước khi bị bệnh, bệnh nhân chỉ ở nhà, không đi khỏi địa phương trong thời gian gần đây.  Hàng ngày bệnh nhân đi học ở gần nhà. Những người thân trong gia đình và bạn học trong lớp của bệnh nhân và những người xung quanh chưa ai có triệu chứng gì.

Ngay sau khi ghi nhận ca bệnh, cơ quan chức năng đã tiến hành phun khử khuẩn trong nhà, xung quanh nhà bệnh nhân; lập danh sách những người tiếp xúc gần với bệnh nhân để theo dõi sức khỏe.

Bệnh Whitmore chưa có vaccine phòng bệnh. Biện pháp phòng ngừa chính là tránh tiếp xúc trực tiếp với đất và nguồn nước bị nhiễm khuẩn, đặc biệt là những người có bệnh mạn tính từ trước như đái tháo đường, bệnh gan mạn bằng cách sử dụng đồ bảo hộ lao động như mang găng tay, đi ủng.

Nếu chẳng may bị vết thương, tránh để vết thương tiếp xúc với đất hoặc nước bẩn khi chưa lành hoàn toàn. Không ăn thức ăn hoặc dùng nước uống chưa qua xử lý có thể nhiễm vi khuẩn. Khi ra ngoài, cần mang khẩu trang, nhất là trong môi trường có nhiều khói bụi. Khi có những vấn đề về sức khỏe, không nên tự điều trị mà nên đến các cơ sở y tế uy tín để được các bác sĩ tư vấn, thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem