Sau khi kết thúc kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, nhiều lao động quay trở lại TP.HCM và các tỉnh lân cận để làm việc.
Trong số này, cũng có rất nhiều người đi tìm công việc mới vì nhiều lý do: Thất nghiệp do doanh nghiệp gặp không có đơn hàng; thay đổi công việc hoặc lần đầu đi tìm việc làm...
Lao động đi tìm việc tại KCN VSIP 1 (Thuận An, Bình Dương). Thực hiện: Mỹ Quỳnh
Ròng rã cả tuần vẫn chưa xin được việc
Theo ghi nhận của phóng viên Dân Việt, nhiều ngày qua, tại KCN VSIP 1 (Thuận An, Bình Dương), KCN Linh Trung 2 (TP.Thủ Đức, TP.HCM), rất nhiều lao động luân phiên nhau chạy tới các cổng công ty để tìm kiếm việc làm. Hầu hết trên tay họ đều chuẩn bị cả xấp hồ sơ, cứ nơi nào dán bảng tuyển dụng thì ghé vào hỏi thăm rồi nộp hồ sơ để tìm kiếm cơ hội việc làm.
Trước các cổng công ty như Công ty TNHH Hồng Vận, Công ty TNHH Dunlopillo, Công ty TNHH Linfox Logistics Việt Nam, Công ty TNHH May mặc Hưng Thịnh Bình Dương... (Thuận An, Bình Dương), Công ty TNHH Gia công kim loại Sài Gòn, Công ty TNHH Freetrend Industrial Việt Nam, Công Ty TNHH VDH Safes Sài Gòn... (KCX Linh Trung, TP.HCM)... đều đăng bảng tuyển dụng lao động.
Dù vậy, rất nhiều lao động vẫn không xin được việc làm với nhiều lý do như công ty không có nhu cầu tuyển dụng, đã tuyển đủ hoặc thiếu trình độ, thiếu bằng cấp không đạt yêu cầu...
Anh V.N (ngụ Lái Thiêu) chia sẻ, cuối năm ngoái do công ty cũ không có đơn hàng sản xuất nên buộc phải cho công nhân nghỉ việc. Sau khi nghỉ Tết, anh cùng vài người bạn đến KCN VSIP 1 để nộp hồ sơ xin việc. Tuy nhiên, chạy ròng rã cả tuần, anh vẫn chưa xin được việc. Anh V.N khá bất ngờ vì không nghĩ sẽ khó tìm việc đến vậy.
"Tôi ghé rất nhiều công ty có đăng tuyển dụng phía trước để hỏi thăm, nhưng hầu hết là bảng tuyển dụng cũ. Thấy trước Công ty TNHH Dunlopillo Việt Nam tập trung đông người, tôi ghé lại xem thì thấy bảng tuyển dụng các vị trí như công nhân sản xuất kho, nhân viên bảo trì, nhân viên kiểm hàng và kỹ thuật viên. Thế nhưng vào hỏi nộp hồ sơ thì bảo vệ cho biết công ty không tuyển dụng, chừng nào có sẽ dán thông báo sau", anh N cho biết.
Tương tự, tại Công ty TNHH Rèn Dập Chính xác Việt Nam (Bình Dương) cũng đăng bảng tuyển dụng công nhân sản xuất cơ khí với thông tin: nộp hồ sơ đi làm ngay. Đồng thời, đơn vị này cũng tuyển dụng gấp 2 công nhân quảng cáo có trình độ 12/12. Hỏi thăm bảo vệ được biết công ty chỉ tuyển công nhân nam, có sức khỏe tốt để làm công việc bê vác, vận chuyển hàng hóa. Dù vậy, anh T.H (23 tuổi, quê Trà Vinh) vào nộp hồ sơ thì nhân viên bên trong trả lời đã hết tuyển.
Không bằng cấp, không tay nghề: Khó tìm việc
Tại KCX Linh Trung II (TP.Thủ Đức, TP.HCM), nhu cầu tuyển dụng tại đây khá ảm đạm. Ghi nhận trong KCX, cũng giống KCN VISIP 1, hầu hết thông tin tuyển dụng cũ. Nếu có tuyển mới, cũng chỉ tuyển số lượng rất ít.
Có mặt tại KCX này vào ngày 20/2, N.Đ (24 tuổi, quê Cà Mau) cho biết, cứ tưởng sẽ dễ xin việc làm hơn sau Tết nhưng không ngờ rất khó. Nhiều ngày nay, N.Đ đi khắp các công ty để tìm việc, nhưng nơi thì đủ người, nơi thì đòi phải có tay nghề, hoặc phải có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông. Trong khi đó, chỉ tốt nghiệp lớp 9.
Chị T.T (43 tuổi, quê An Giang) cùng nhóm bạn cũng rong ruổi nhiều công ty, gửi hồ sơ nhưng chưa có kết quả. Ngồi nghỉ ngơi dưới tán cây ven đường, chị T.T cho biết, đi xin làm công nhân mà toàn đòi bằng 12/trung cấp. "Đi làm công nhân chứ phải làm văn phòng đâu mà đòi bằng cấp các kiểu", chị T thở dài.
Ông Phạm Văn Tuyên – Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương cho biết, đầu năm 2023, tình hình lao động việc làm trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn, người lao động tiếp tục bị mất việc.
Theo lãnh đạo Sở Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) tỉnh Bình Dương, đầu năm 2023, tình hình lao động việc làm trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn, người lao động tiếp tục bị mất việc. Cuối năm 2022, số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là khoảng 1 triệu người. Nhưng đến thời điểm hiện nay chỉ còn khoảng 988.000 người. Như vậy là có khoảng 18.000 người đã rời khỏi thị trường lao động và đã bị mất việc làm.
Bên cạnh đó, hiện nay yêu cầu trình độ chuyên môn và tay nghề cũng là một trong những trở ngại đối với lao động phổ thông. Nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp cao hơn, đòi hỏi có tay nghề hoặc bằng cấp nên lao động khó đáp ứng được.
Sở LĐTBXH Bình Dương sẽ tăng cường tổ chức phiên giao dịch việc làm trực tiếp, trực tuyến, phỏng vấn online hàng ngày, hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm... để người lao động có thể tiếp cận việc làm nhanh chóng, thuận lợi.
Trong khi đó, tại TP.HCM, Sở LĐTBXH cho biết, về nhu cầu tuyển dụng sau Tết, có 499 doanh nghiệp tham gia khảo sát có nhu cầu tuyển dụng thêm trong quý 1/2023 với số lượng cần tuyển gần 15.000 người. Trong đó, các lĩnh vực cần tuyển lớn như may mặc - giày da, điện - điện tử, hóa nhựa và đặc biệt là buôn bán.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.