"Lật mặt 7: Một điều ước" thu gần 162 tỷ đồng sau 4 ngày, Lý Hải nói điều bất ngờ
Đạo diễn Lý Hải nói gì khi "Lật mặt 7: Một điều ước" thu gần 162 tỷ đồng sau 4 ngày?
Hà Thúy Phương
Thứ tư, ngày 01/05/2024 07:26 AM (GMT+7)
Khởi chiếu từ 26/4, "Lật mặt 7: Một điều ước" của đạo diễn Lý Hải đã có doanh thu gần 162 tỷ đồng sau 4 ngày theo thống kê của Box Office Việt Nam (đơn vị quan sát phòng vé độc lập). Đạo diễn Lý Hải đã có chia sẻ với Dân Việt về bộ phim này.
Lật mặt 7: Một điều ước khá khác so với các phần trước. Có phải anh muốn khẳng định khả năng mới của bản thân?
- Đây không phải là lần đầu Lật mặt có sự thay đổi. Lật mặt phần 1 và 2 là hành động hài, phần 3 là phiêu lưu mạo hiểm, phần 4 có yếu tố kinh dị, phần 5 chủ yếu về hành động và tới phần 6, chúng tôi tìm cách pha trộn nhiều thể loại. Lật mặt 6 đã tổng hòa nhiều yếu tố: hài, giật gân, tình cảm... và phần 7 là tâm lý.
Tôi muốn seri Lật mặt không phải chỉ là một thể loại mà thay đổi liên tục. Tôi muốn được học hỏi nhiều thể loại phim mới. Song song đó là để khán giả được xem Lật mặt thì không phải cứ xem một dòng phim mà được trải nghiệm nhiều dòng phim. Những bạn chưa xem phần 1, 2 thì vẫn có thể xem phần 3, 4 và các phần sẽ khác nhau hoàn toàn.
Trước khi công chiếu, khán giả khá kỳ vọng Lật mặt 7: Một điều ướcsẽ giới thiệu văn hóa dân gian hay làm nổi bật các cảnh đẹp các vùng miền. Nhưng trên phim, ấn tượng về những điều đó chưa được đậm nét như kỳ vọng?
- Nếu bộ phim chỉ nói về một gia đình thì có thể tải hết những gì tôi mong muốn. Còn Lật mặt 7: Một điều ước là 5 gia đình nên không thể tải hết được. Nhưng tôi cố cài cắm để khán giả cũng có thể thấy cảnh đẹp của mỗi vùng miền như cảnh hoàng hôn, đình làng. Sau đó khán giả có thể tìm đến để phát triển du lịch, phát triển kinh tế. Ở nhiều nơi dân vẫn rất nghèo.
Tôi cũng không thể đưa nghệ thuật hát bội lên màn ảnh vì mỗi tuồng phải dài đến 3 tiếng, nếu chỉ đưa một câu khán giả không hiểu được nội dung. Nhưng tôi cũng cố gắng đưa thông tin là 3 năm sẽ có một lễ hội để sau đó khán giả có thể tìm hiểu thêm về điều đó.
Với 5 câu chuyện và phải diễn ra trong 1 tuần với mỗi câu chuyện. Tại sao anh lại chọn mốc thời gian này và nó mang lại điều gì khó khăn cho anh?
- Tôi định hình 1 tuần lễ cho một câu chuyện, tất nhiên với phim điện ảnh thời gian là ước lệ. Nói về thực tế nếu mẹ ở 1 tháng với mỗi người con thì tất nhiên là những người con dâu - rể sẽ không chấp nhận, bởi vì họ không thể dành thời gian chăm mẹ được. Một tuần dễ chấp nhận hơn. Mỗi tuần ấy sẽ có một câu chuyện của gia đình cho người mẹ chứng kiến để hiểu vấn đề của từng người con.
Được biết, anh lấy cảm hứng câu chuyện phim từ mẹ mình. Vậy 5 câu chuyện có liên quan đến cuộc sống thực tế gia đình anh?
- 5 câu chuyện do tôi tự nghĩ ra, chỉ lấy cảm hứng từ mẹ tôi cũng có đông con. Bà có 9 con, có một chị gái tôi đã mất còn lại 8 con. Tôi cũng đặt ra tình huống mình bận không về chăm mẹ thì chuyện gì xảy ra.
Tại sao tôi để mẹ Hai có 5 người con, cộng thêm 5 dâu - rể và cháu là mười mấy người còn không nuôi nổi mẹ thì mới có cái để nói.
Kể cả nhà của mẹ Hai trong phim tôi cũng để bà sống ở vùng sâu vùng xa. Tại sao tôi không chọn nhà của bà là ở nông thôn, giữa xóm làng? Vì nếu vậy khi té sẽ có chòm xóm qua giúp đỡ bà rất nhiều. Tôi chọn nhà bà Hai sống ở ven rừng vì khi bà bị tai nạn thì sẽ không có ai giúp đỡ, ngoài duy nhất một bà hàng xóm.
Một người già không bị tai nạn vốn đã gặp khó khăn trong sinh hoạt ở vùng sâu vùng xa, từ việc chợ búa - bà sống với con gái, nhưng nay con gái phải nuôi con ở bệnh viện. Huống chi giờ gãy một chân, bà không thể sống một mình được.
Với câu chuyện của cô con gái sống ở Đà Lạt, có vẻ như tình huống hơi giống với phim Ký sinh trùng, anh có lý giải gì về điều này?
- Tình huống trong Ký sinh trùng với phim này khác nhau hoàn toàn. Ký sinh trùng là người giúp việc che giấu người chồng ở dưới hầm. Câu chuyện mang tính tiêu cực nhiều. Còn trong phim Lật mặt 7, nhân vật của tôi là tích cực. Không có nhân vật xấu, góc nhìn của tất cả đều tốt.
Trong phim Lật mặt 7: Một điều ước, tôi không làm điều gì to tát mà kể theo một góc nhìn: mọi người trong xã hội không phải ai cũng xấu. Góc nhìn này rất tích cực và không hề tiêu cực.
Tôi nghĩ, tại sao trong xã hội giờ toàn tin tiêu cực, trong khi có rất nhiều câu chuyện tích cực. Tôi quyết định sẽ kể một câu chuyện như vậy để mọi người thấy xã hội tươi đẹp chứ không hề u ám.
Điều gì anh cảm thấy hài lòng nhất khi chứng kiến khán giả phản ứng với Lật mặt 7: Một điều ước?
- Khi đi cine tour tôi đã gặp trực tiếp hàng nghìn người xem phim. Tôi thấy hạnh phúc là rất là nhiều em bé 6 - 7 tuổi, các bạn thanh niên khóc rất nhiều. Những người có gia đình thì tất nhiên là họ cảm được và khóc rồi. Có bạn đến ôm tôi bảo muốn về nhà thăm mẹ ngay sau khi xem phim. Có khán giả nói rằng, con của cô ấy 6 tuổi ở nhà rất ngỗ nghịch nhưng đã ngồi xem rất chăm chú.
Có những nhà làm phim nói rằng, Lật mặt 7 có một số chi tiết không hợp lý hoặc đưa vào không cần thiết. Nhưng tôi xác định làm phim cho cả các em nhỏ nữa nên tôi đưa vào nhiều chi tiết mà tôi muốn các em xem và hiểu được những điều đó.
Bởi vậy nên khi chứng kiến các em khóc, tôi thấy cảm xúc vỡ òa. Khi đó, tôi thấy rằng bộ phim đã tải được thông điệp mà tôi muốn chuyển tải.
Có một sự không rõ ràng ở cái kết của phim khi ban đầu bà Hai vào viện dưỡng lão nhưng sau đó lại được con đón về nhà. Anh thực sự muốn ủng hộ phương án nào?
- Tôi để cho phim có 2 cái kết. Một là bà Hai ở lại viện dưỡng lão để không phiền đến con. Cái kết 2 là người con cả giả đưa mẹ đi tái khám nhưng đưa mẹ về nhà để mỗi tháng, mỗi người con về thăm 1 lần. Tôi muốn để một cái kết mở với thông điệp là mọi việc rồi sẽ được giải quyết êm đẹp.
Mới khởi chiếu được 4 ngày, Lật mặt 7: Một điều ước đã có doanh thu gần 162 tỷ đồng. Anh có ước tính được doanh thu của phim?
- Với tôi, vấn đề quan trọng nhất là khán giả phản hồi thế nào với phim. Khán giả thích nghĩa là phim đã thành công, không cần phải quan tâm đến doanh thu là bao nhiêu nữa!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.