Lỗ hổng nghiêm trọng từ trạm y tế phường, xã (bài cuối): Chiến lược chống dịch phải bắt đầu từ y tế cơ sở

Bạch Dương Thứ hai, ngày 15/11/2021 11:38 AM (GMT+7)
Từ những hy sinh, mất mát trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 vừa qua, hầu hết các chuyên gia đều có cùng quan điểm: Để sống chung với dịch, cần chủ động linh hoạt trong việc khống chế tỷ lệ nhiễm, giảm ca bệnh nặng dẫn đến tử vong. Muốn làm được điều đó, quan trọng nhất là phải bắt đầu từ y tế cơ sở.
Bình luận 0
Lỗ hổng nghiêm trọng từ trạm y tế phường, xã: (bài cuối) Chiến lược chống dịch phải bắt đầu từ y tế cơ sở - Ảnh 1.

Đưa F0 chuyển nặng đi cấp cứu. Ảnh: HCDC

Bài học xương máu từ TP.HCM

Tại phiên thảo luận kinh tế xã hội trong kỳ họp Quốc hội ngày 8/11, ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM cho rằng, đã có nhiều hy sinh, mất mát trong cuộc chiến chống dịch vừa qua khi có hơn 22.000 đồng bào ra đi vì Covid-19, chưa kể nhiều bệnh nhân khác thiệt mạng gián tiếp do chưa được chăm sóc tốt.

Bà Phong Lan chỉ ra nguy cơ lớn nhất là việc bệnh nhân chuyển sang trạng thái nặng và tử vong, nên để sống chung với dịch, cần chủ động linh hoạt trong việc khống chế tỷ lệ nhiễm, giảm ca gây nặng, giảm tử vong. Từ kinh nghiệm của TP.HCM, cũng đã có những bài học xương máu.

"Cần xem lại thực trạng hệ thống y tế cơ sở, hiện chỉ 30% ngân sách dành cho y tế dự phòng, y tế cơ sở cũng không đáng kể gì đâu so với nhu cầu. Trong khi nhiều địa phương thực hiện việc này chỉ đếm trên đầu ngón tay. 

Do đó, cần có chính sách xuyên suốt, chủ trương quan điểm chỉ đạo của Chính phủ với Bộ Y tế về xây dựng y tế cơ sở", bà Lan nhấn mạnh.

Bà Phong Lan phân tích rõ hơn, khi y tế dự phòng vỡ trận, gánh nặn  quá tải bệnh nhân đổ lên khối điều trị. Có những thời điểm các bệnh viện đóng cửa không thể nhận bệnh. Bệnh nhân và người nhà cầu cứu tứ phương. 

Ngân sách cho y tế, đặc biệt y tế dự phòng, đầu tư chưa thỏa đáng nên khi xảy ra đại dịch, hệ thống dự phòng "thủng" dẫn đến khối điều trị cũng vỡ trận.

"Với một thành phố đông dân như TP.HCM, mô hình "bác sĩ gia đình" phát triển cũng là cách thúc đẩy y tế cơ sở, y tế cộng đồng phát triển".

Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM

Bà Lan nói rõ hơn, 3 nhánh của y tế gồm điều trị, cung ứng và dự phòng đều quan trọng nhưng nền móng là dự phòng. Nền móng không vững chắc, hệ thống sẽ lung lay, thậm chí sụp đổ. Tuy nhiên, lâu nay, y tế thành phố chỉ chú tâm đầu tư điều trị, cung ứng mà chưa đầu tư thỏa đáng cho dự phòng trong khi bệnh viện chỉ là khâu cuối, việc chăm sóc sức khỏe toàn dân phải nhìn vào dự phòng. 

Đặc biệt, với một thành phố đông dân như TP.HCM, mô hình "bác sĩ gia đình" phát triển cũng là cách thúc đẩy y tế cơ sở, y tế cộng đồng phát triển.

Bà Lan chỉ rõ các chính sách hiện nay chắp vá, thay đổi liên tục, như từ trung tâm y tế quận huyện chia làm ba phần bệnh viện, y tế dự phòng, phòng y tế…, dẫn tới bệnh viện chưa phải là bệnh viện, trung tâm y tế dự phòng què quặt, còn phòng y tế chỉ làm công việc hành chính, đã yếu còn thiếu.

Quốc hội cần bổ sung thêm y tế cơ sở trong Luật khám, chữa bệnh

Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng cho biết, Sở Y tế đã đề xuất Bộ Y tế cho phép TP.HCM thí điểm chuyển trạm y tế phường – xã – thị trấn, trung tâm y tế và bệnh viện quận huyện từ trực thuộc Sở Y tế về trực thuộc UBND quận huyện.

Lỗ hổng nghiêm trọng từ trạm y tế phường, xã: (bài cuối) Chiến lược chống dịch phải bắt đầu từ y tế cơ sở - Ảnh 3.

Quá tải tại các tuyến điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng. Ảnh: Trung tâm hồi sức Covid-19 BV Quốc tế City

Theo ông Thượng, trước đây các đơn vị trên trực thuộc quản lý của quận huyện, vừa chuyển đổi về Sở Y tế. Tuy nhiên, sau khi Sở Y tế tiếp nhận thì dịch Covid-19 ập tới. Thực tế thời gian qua cho thấy, Ban chỉ đạo ở cấp phường xã đặc biệt quan trọng trong công tác phòng chống dịch nếu y tế tuyến cơ sở trực thuộc ban chỉ đạo của địa phương sẽ thuận lợi hơn nhiều.

"Thời gian tới, nếu y tế cơ sở chuyển đổi về trực thuộc quận huyện, Sở Y tế sẽ tham gia hỗ trợ ngành dọc về nguồn nhân lực quản lý. Tất cả các trạm trực thuộc Sở Y tế rất khó điều hành" – ông Thượng nói.

Người đứng đầu Sở Y tế cũng cho biết, đợt dịch vừa qua đã bộc lộ những hạn chế của y tế cơ sở, cần điều chỉnh chính sách y tế cơ sở để phát huy vai trò phòng chống dịch, chăm sóc sức khỏe người dân. Phải xem trạm y tế là một mắt xích trung tâm trong các chuỗi mắt xích cung cấp các hoạt động chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng.

Lỗ hổng nghiêm trọng từ trạm y tế phường, xã: (bài cuối) Chiến lược chống dịch phải bắt đầu từ y tế cơ sở - Ảnh 4.

Chăm sóc F0 tại nhà tại quận Phú Nhuận. Ảnh: HCDC

Trên thực tế, một số phường tại TP.HCM có quy mô dưới 10.000 dân vẫn có trạm y tế và 6 y bác sĩ nhưng có phường trên 130.000 dân cũng chỉ có 1 trạm y tế và 6 y bác sĩ.

"Chúng tôi đề nghị phân bổ trạm y tế theo quy mô dân số, cứ mỗi 1 vạn dân sẽ có 1 trạm y tế. Tại các trạm y tế, bên cạnh lực lượng gồm bác sĩ, nữ hộ sinh, điều dưỡng, dược sĩ sẽ bổ sung thêm nhân viên y tế công cộng"- ông Thượng đề xuất.

Bên cạnh đó, Sở Y tế đề xuất tạo điều kiện thuận lợi cho ngành y tế khám chữa bệnh ban đầu cho người dân, nhất là cơ số thuốc hợp lý, tăng cường tủ thuốc tại trạm y tế. Cho phép trạm y tế hợp tác với y tế tư nhân để cung ứng các dịch vụ khám chữa bệnh cho người dân.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho biết, Chính phủ nên sớm trình Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Luật khám bệnh, chữa bệnh, trong đó sớm bổ sung thêm nhiều loại hình nhân viên y tế cần thiết cho hoạt động y tế cơ sở, điều chỉnh mức lương cơ bản phù hợp, động viên và thu hút nhân viên y tế về công tác tại y tế cơ sở. Bên cạnh đó, mở rộng loại hình khám chữa bệnh tại nhà và cho phép xã hội hóa các hoạt động khám chữa bệnh tại các trạm y tế.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem