Long An đầu tư mạnh nuôi tôm công nghệ cao, 1ha lãi hơn 100 triệu đồng

Trần Đáng Chủ nhật, ngày 25/10/2020 13:12 PM (GMT+7)
Mục tiêu hết năm 2020, tỉnh Long An sẽ có hơn 6.800ha diện tích nuôi tôm nước lợ, trong đó có 200ha nuôi theo công nghệ cao. Sản lượng tôm ước đạt trên 15.000 tấn với giá trị đạt trên 1.180 tỷ đồng.
Bình luận 0

Mạnh dạn đầu tư

Từ đầu năm 2020 đến nay, huyện Cần Đước xây mới và nâng cấp 13 công trình đường điện trung, hạ áp và trạm biến áp với tổng mức đầu tư trên 11,3 tỷ đồng để cấp điện nuôi tôm cho khu vực các xã: Long Hựu Đông, Long Hựu Tây và Tân Chánh.

Cùng với xây mới lưới điện, Điện lực Cần Đước cũng đã nâng cấp hơn 3.980m đường dây 1 pha lên 3 pha; xây dựng mới 5.590m trung thế; lắp mới 12 trạm biến áp dung lượng 1.660kv; xây mới 5.234m đường dây hạ áp. Đồng thời, điện lực tư vấn cho người dân lắp đặt trạm biến áp chuyên dùng. Đến nay, đã có 83 trạm biến áp chuyên dùng với dung lượng 5.047kv.

Ông Nguyễn Hồng Chương - Trưởng phòng NNPTNT huyện Cần Đước cho biết, hiện huyện có hơn 400ha nuôi tôm công nghiệp. Một số tổ hợp tác nuôi ứng dụng mô hình nuôi tôm 2 - 3 giai đoạn cho năng suất 5-10 tấn/ha. Cá biệt có hợp tác xã nuôi tôm công nghệ cao đạt năng suất 25 tấn/ha, lãi từ 100-130 triệu đồng/ha.

Long An đầu tư mạnh nuôi tôm công nghệ cao - Ảnh 1.

Mô hình nuôi tôm ao nổi đang được nhiều nông dân ở Long An đầu tư. Ảnh: T.T.Đ

"Tỉnh sẽ đầu tư toàn diện vào tất cả các khâu trong chuỗi giá trị sản phẩm để phát triển ngành tôm bền vững, tạo khối lượng sản phẩm lớn, giá trị cao, đáp ứng được yêu cầu của các thị trường trong nước và xuất khẩu".

Bà Đinh Thị Phương Khanh -

Phó Giám đốc Sở NNPTNT Long An

Mới đây, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Cần Giuộc phối hợp UBND xã Phước Vĩnh Tây tổ chức hội thảo tổng kết mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao 2 giai đoạn sử dụng ao ương nổi tại hộ ông Vũ Hồng Hải (ấp 2, xã Phước Vĩnh Tây). 

Mô hình có diện tích ao ương 135m2, ao nuôi 2.000m2. Sau 87 ngày thả nuôi, tôm có trọng lượng 35 con/kg, sản lượng 4 tấn, cao hơn so với cách nuôi truyền thống.

"Tôm nuôi với mô hình này được cung cấp oxy đầy đủ nên lớn nhanh, chống bệnh tốt, giảm hiện tượng chết sớm, đạt năng suất cao. Do vậy, tôi sẽ tiếp tục thả nuôi trong các vụ tiếp theo" - ông Hải chia sẻ.

Trưởng phòng NNPTNT huyện Cần Giuộc Ngô Bảo Quốc cho biết, huyện hiện có 10 xã nuôi tôm với tổng diện tích ao nuôi khoảng 2.200ha, sản lượng bình quân hàng năm đạt gần 5.000 tấn. Trong đó, 21 hộ có mô hình nuôi tôm công nghệ cao với diện tích 22ha.

Bắt nhịp Hiệp định EVFTA

Với thuế suất 0%, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam –châu Âu (EVFTA) đã mở ra nhiều cơ hội khi xuất khẩu thủy sản, nông sản, trái cây của Việt Nam sang thị trường châu Âu (EU).

Với mặt hàng thủy sản, trong những tháng đầu năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, xuất khẩu tôm sang thị trường EU giảm mạnh. Tuy nhiên, từ khi EVFTA có hiệu lực (1/8) và EU kiểm soát tốt dịch bệnh, xuất khẩu tôm của Việt Nam sang thị trường này đã phục hồi và tăng nhẹ. Theo đó, xuất khẩu tôm sang EU trong tháng 8 ước tính tăng khoảng 20% so với cùng kỳ năm trước.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), ngay khi EVFTA có hiệu lực, thuế xuất khẩu nhiều mặt hàng tôm Việt Nam, như tôm hùm xanh ướp đá, tôm sú HOSO, DP đông lạnh, tôm sắt PD tươi đông lạnh, tôm mũ ni vỏ, nguyên con, xẻ đông có mức từ 12,5% đã được giảm về 0%. Đặc biệt, các loại tôm sú có mức thuế từ 20% cũng được xóa bỏ thuế ngay.

Trong việc đầu tư phát triển ngành nuôi tôm của tỉnh Long An, theo bà Đinh Thị Phương Khanh - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh, trong giai đoạn 2020-2025, tỉnh sẽ xây dựng vùng nuôi tôm nước lợ tập trung tại các huyện: Cần Đước, Cần Giuộc, Tân Trụ và Châu Thành, phấn đấu đưa ngành tôm phát triển bền vững.

Nguồn vốn để đầu tư phát triển vùng nuôi tôm nước lợ của tỉnh Long An giai đoạn 2020-2025 dự kiến là hơn 1.244 tỷ đồng. Trong đó, vốn Trung ương gần 588 tỷ đồng dùng để cải tạo nâng cấp, đầu tư mới cơ sở hạ tầng vùng sản xuất giống, vùng nuôi tôm thí điểm, tập trung. 

Nguồn vốn ngân sách tỉnh là 33,4 tỷ đồng dùng cho việc quan trắc, cảnh báo môi trường, giám sát dịch bệnh, chuyển giao khoa học công nghệ, xúc tiến thương mại. Vốn huy động từ nguồn xã hội hóa hơn 624 tỷ đồng để tập trung cải tạo, nâng cấp, đầu tư mới hạ tầng cơ sở nuôi tôm, mua con giống, thức ăn, máy móc thiết bị.

Bà Khanh cho biết, tỉnh sẽ tập trung khai thác hiệu quả diện tích nuôi tôm nước lợ hiện có, kết hợp với tổ chức lại sản xuất dựa trên cơ sở áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ, đầu tư nuôi theo hướng công nghệ cao để tăng vụ (3-4 vụ/năm), tăng năng suất, chất lượng, giá trị, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

"Tỉnh sẽ đầu tư toàn diện vào tất cả các khâu trong chuỗi giá trị sản phẩm để phát triển ngành tôm bền vững, tạo khối lượng sản phẩm lớn, giá trị cao, đáp ứng được yêu cầu của các thị trường trong nước và xuất khẩu, nhất là khi thị trường EU dễ thở hơn sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực" - bà Đinh Thị Phương Khanh chia sẻ. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem