TS tâm lý Trịnh Thanh Hương - Phòng Tâm lý lâm sàng Viện Sức khoẻ tâm thần Quốc gia chia sẻ từng điều trị cho 1 bệnh nhân nam (43 tuổi) bị rối loạn lưỡng cực, khiến nhu cầu tình dục gia tăng quá mức.
Theo bệnh nhân, anh đã có 1 thời gian dài liên tục rơi vào tình trạng hưng phấn quá độ, nói nhiều, nói to, gặp ai cũng nói chuyện. Sau đó một thời gian, anh lại rơi vào tình trạng trầm cảm, xa lánh mọi người, mỏi mệt, mất ngủ. "Cứ 9 tháng hưng lại có 9 tháng trầm", bệnh nhân này chia sẻ.
Điều này đã ảnh hưởng đến công việc của anh. Không chỉ thế, khi hưng phấn, nhu cầu tình dục của anh tăng vọt khiến anh liên tục đòi hỏi vợ, bất kể thời gian, địa điểm. Điều này khiến cho người vợ đầu của anh không chịu nổi và dẫn đến ly hôn.
Lúc đầu, anh cho rằng do công ty "không biết dùng người" và oán trách vợ cũ nhưng sau một thời gian, sau khi tỉnh táo lại, anh cũng cảm thấy tâm lý của mình có vấn đề nên đã đi điều trị.
Vài năm gần đây, anh đã lấy vợ 2, có con, có cuộc sống yên ổn. Nhưng rồi anh lại rơi vào tình trạng hưng phấn. Điều này khiến nhu cầu tình dục của anh gia tăng. Anh đòi hỏi quan hệ tình dục với vợ 7-8 lần/ngày và trong nhiều ngày, khiến vợ anh không chịu nổi. Cô ấy không thể đáp ứng được nhu cầu tình dục của chồng nên "thả" cho anh đi tìm chỗ khác để thỏa mãn.
"Bệnh nhân chia sẻ anh ấy sợ tình trạng của mình khiến hôn nhân của anh tan vỡ lần 2", TS Hương chia sẻ.
Chẩn đoán cho thấy, bệnh nhân bị rối loạn hưng cảm giai đoạn lưỡng cực (lúc hưng phấn quá kích, lúc buồn bã trầm cảm) ở giai đoạn đầu khiến tâm trạng vui vẻ quá khích, luôn nghĩ về tình dục và nhu cầu tình dục tăng cao bất thường.
Bệnh "lúc vui quá mức, buồn quá thể" là bệnh gì?
Bác sĩ Nguyễn Thị Ái Vân (Viện Sức khỏe Tâm thần Trung ương) cho biết, rối loạn cảm xúc lưỡng cực (Bipolar Disorder) đặc trưng bởi ít nhất từ 2 giai đoạn: Quá vui đến mức hoang tưởng, quá khích và quá buồn (trầm cảm).
Theo bác sĩ Vân, bệnh nhân bị rối loạn cảm xúc lưỡng cực sẽ có các biểu hiện:
- Khí sắc tăng: Biểu hiện hưng phấn, phấn khích và vui sướng quá mức, được nhận thấy bởi những người xung quanh. Khí sắc tăng biểu hiện bền vững hầu như cả ngày, bệnh nhân mất khả năng tự phê phán trong quan hệ với mọi người, trong quan hệ tình dục và trong nghề nghiệp.
Khí sắc tăng được coi là một triệu chứng quan trọng của giai đoạn hưng cảm, bệnh nhân có thể bị kích thích, đặc biệt khi mong muốn của họ không được thời mãn.
- Vui vẻ quá mức: Biểu hiện thái độ vui vẻ quá mức với bất kỳ sự vật, hiện tượng nào xảy ra xung quanh. Họ thể hiện nét mặt vui sướng, thái độ hân hoan. Bệnh nhân thường ca hát, đọc thơ, diễn kịch một cách say sưa mà không cần biết người xung quanh có muốn thưởng thức hay không. Tuy nhiên, nếu bị phản đối họ có thể chuyển thái độ nhanh chóng từ vui vẻ quá mức sang nổi cáu và gây sự với những người phản đối.
- Giảm nhu cầu ngủ: Biểu hiện thức dậy sớm hơn bình thường vài giờ nhưng không thấy mệt mỏi, trái lại họ tự cảm thấy tràn trề sức sống. Khi rối loạn giấc ngủ quá nặng, bệnh nhân có thể thức vài ngày không cần ngủ mà không thấy mệt mỏi.
- Nói nhiều, nói nhanh: Bệnh nhân thường có áp lực phải nói, nói to, nói nhanh và khi đã nói thì khó làm họ ngừng lại. Họ nói về mọi chủ đề, từ chủ đề này sang ngay chủ đề khác. Ngôn ngữ điển hình là đùa cợt, chơi chữ và xấc láo để mua vui.
- Tự cao: Bệnh nhân đề cao mình quá mức bình thường, nếu nhẹ thì bệnh nhân giảm sự tự phê bình, nặng hơn thì bệnh nhân tự đề cao mình rõ ràng và có thể đạt đến mức độ hoang tưởng. Mặc dù không có kinh nghiệm hoặc khả năng đặc biệt nào nhưng bệnh nhân vẫn bắt tay vào viết tiểu thuyết hoặc viết giao hưởng hoặc công bố một công trình bất khả thi.
Có bệnh nhân cho rằng minh có nhiều tài năng, có khả năng đặc biệt như có mối liên hệ với một số nhân vật chính trị nổi tiếng, các lãnh tụ tôn giáo hoặc các nghệ sĩ lớn.
- Tư duy phi tán: Ý nghĩ của bệnh nhân có thể tăng nhanh về tốc độ nhưng các ý nghĩ này vẫn có mối liên kết với nhau. Khi bùng nổ ý nghĩ của bệnh nhân quả nặng nề, ngôn ngữ của họ trở thành hỗn loạn và mất phù hợp.
- Nghiện tiêu tiền: Nghiện mua sắm, vung tiền làm từ thiện, thậm chí vượt xa khả năng chi tiêu. Bệnh nhân có thể tham gia kinh doanh (mặc dù không có kinh nghiệm) gây ra các tổn thất về tài chính to lớn cho bản thân, gia đình và cơ quan.
- Nhu cầu tình dục gia tăng: Bệnh nhân luôn nghĩ về tình dục và luôn mong muốn quan hệ tình dục. Vì vậy, họ có thể dễ dàng nhận lời quan hệ tình dục với những người không quen biết.
Họ luôn làm phiền người khác như quấy rầy hàng xóm, người quen biết, gọi điện cho bạn trong đêm khuya, thậm chí gọi điện cho người lạ bất cứ giờ nào trong đêm...
"Nhiều người phá sản, mất nhiều tiền, mất nghề nghiệp, ly hôn... vì chứng bệnh rối loạn cảm xúc lưỡng cực nếu không được nhận thức và điều trị kịp thời", bác sĩ Vân chia sẻ.
Theo bác sĩ Vân, các nghiên cứu cho thấy, 1,5-2,5% dân số mắc rối loạn cảm xúc lưỡng cực, trong đó tỷ lệ bệnh nhân nam và nữ là như nhau. Các giai đoạn hưng cảm gặp nhiều ở nam, còn các giai đoạn trầm cảm gặp nhiều ở nữ. Tuổi khởi phát trung bình từ 20-30.
Khởi phát xảy ra trong suốt cuộc đời, bao gồm cả 60-70 tuổi và thường bằng các giai đoạn trầm cảm (60%). Khoảng 50% bệnh nhân chẩn đoán nhầm là trầm cảm đơn cực. Hơn 90% các trường hợp tái phát sau giai đoạn đầu.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.