Một chỉ dấu cho sự minh bạch

Thứ sáu, ngày 27/05/2011 19:47 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Hồi Kiểm toán Nhà nước công bố kết quả kiểm toán tài chính của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, Tổng Kiểm toán Vương Đình Huệ đã nói một câu nổi tiếng về kết quả hoạt động của các “quả đấm thép” rằng: “Không đến nỗi như đồn thổi”.
Bình luận 0

Ông Huệ nêu 3 ví dụ: Tập đoàn Dệt may tổng tài sản chưa tới 1 tỷ USD nhưng đã tạo ra 140 nghìn việc làm; Tập đoàn Bưu chính viễn thông dù tài sản chỉ 6 tỷ USD nhưng đã đạt doanh thu 100.000 tỷ đồng; Tập đoàn Dầu khí có tốc độ tăng vốn chủ sở hữu, doanh thu đều trên 20%. Nhưng câu này còn quan trọng hơn: “Dù là tập đoàn nhà nước nhưng họ đã cạnh tranh sòng phẳng với các doanh nghiệp trong và ngoài nước”.

Đáng tiếc, những ví dụ như vậy là quá ít và sự so sánh như vậy có vẻ khập khiễng. Theo số liệu của Bộ Tài chính, 8 tập đoàn kinh tế cùng với 96 tổng công ty nhà nước hiện đang sở hữu gần 400.000 tỷ đồng, nắm giữ 75% tài sản cố định quốc gia và khoảng 60% tổng tín dụng trong nước và vốn vay nước ngoài.

Có ai lại đi so sánh về hiệu quả hoạt động của các ông lớn với những lợi thế không thể tranh cãi về độc quyền đối với tài nguyên, nguồn lợi cực lớn về đất đai, quyền “hữu hạn trách nhiệm” đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh và đặc biệt là những ưu tiên tiếp cận nguồn vốn, với “phần còn lại”. Có ai lại nói với tiềm lực tài chính hùng hậu như vậy “nhưng” vẫn cạnh tranh sòng phẳng.

Thực sự còn một chữ “nhưng” phải nhắc tới: Nhưng nếu đánh giá hiệu quả kinh tế của các tập đoàn, tổng công ty nói chung thì chưa hề tương xứng với vốn liếng và tài sản hiện có.

Phần tài sản thực của các “quả đấm thép” là bao nhiêu? Đã được sử dụng ra sao? Tạo ra hiệu quả thế nào? Và giá trị thực tế của chúng trên sổ sách kế toán có còn phù hợp, còn cách biệt so với thực tế thực chất thế nào vẫn là một câu hỏi lớn.

Theo một dự thảo của Bộ Tài chính, kể từ 1.7 tới đây các tập đoàn, tổng công ty phải thực hiện kê khai tất cả các loại tài sản, kể cả tiền, ngân phiếu, vàng bạc, đá quý... Ngay sau khi dự thảo được đưa lấy ý kiến đã được kỳ vọng sẽ là một chỉ dấu quan trọng hướng tới sự minh bạch giữa giá trị tài sản, việc quản lý và hiệu quả sử dụng chúng.

Nhưng kê khai tài sản khi thậm chí còn chưa rõ quy định cơ chế giám sát việc kê khai này, rõ ràng là một vấn đề trong việc quản lý tài sản của các doanh nghiệp nhà nước nói chung. Cái còn thiếu vẫn là những quy định mang tính pháp lý hoặc một cơ chế chặt chẽ giám sát các hoạt động tài chính này. Chưa nói đến cái thiếu nhất hiện nay, cái thiếu từ khi mô hình tập đoàn kinh tế ra đời, là các quy định pháp luật về hoạt động của các tập đoàn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem