Một Hà Nội thật khác lạ của ngày lễ Quốc khánh 2/9 năm nay
Một Hà Nội thật khác lạ của ngày lễ Quốc khánh 2/9 năm nay
Gia Khiêm
Thứ năm, ngày 02/09/2021 09:38 AM (GMT+7)
Khác với không khí mọi năm, ngày lễ Quốc khánh 2/9 năm nay tại Hà Nội thật đặc biệt khi cả thành phố cùng quyết tâm nâng cao tinh thần chống dịch Covid-19.
Sáng 2/9, trời Hà Nội hiu hiu gió mát, đường phố những ngày ngày được trang hoàng rực rỡ sắc đỏ với nhiều panô, áp phích, khẩu hiệu tuyên truyền, cổ động.
Thế nhưng, có một Hà Nội thật khác lạ so với những dịp Lễ Quốc khánh những năm trước. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, thành phố thực hiện giãn cách xã hội nên đường phố vắng lặng.
Sáng sớm, bà Phan Hồng Vân (83 tuổi, ở phố cổ Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) ngồi ngay trước cửa. Bà Vân ra đứng ngắm phố phường vài phút cảm nhận không khí yên bình ngày nghỉ lễ đặc biệt này rồi đi vào nhà.
Chia sẻ với PV Dân Việt, bà Vân kể, từ nhỏ lớn lên ở phố cổ Hà Nội. Vào ngày này những năm trước, phố phường tấp nập, náo nhiệt vô cùng. "Dịp này, tiết trời Hà Nội cũng đang bước vào mùa thu – một mùa đẹp, lãng mạn nhất của Hà Nội. Những ngày không có dịch, khách du lịch trong và ngoài nước ghé đến rất đông.
Tôi nhớ năm nào vào dịp này gia đình con cháu đều tụ họp, quây quần vui chơi, ăn uống vui lắm. Có năm, gia đình còn tổ chức đi du lịch 4 lần", bà Vân hồi nhớ lại.
Theo bà Vân, khi dịch bệnh bùng phát thì không khí Quốc khánh 2/9 trở nên đặc biệt. Mọi người cũng ở yên tại nhà để cùng chung tay phòng chống dịch bệnh.
"Vì dịch bệnh phức tạp nên mọi người dân phải chấp hành. Nếu đi ra ngoài không may lây nhiễm bệnh không những ảnh hưởng cho sức khoẻ của bản thân mà còn cả gia đình, xã hội. Đây là kỳ nghỉ lễ đặc biệt nhất đối với tôi suốt bao năm qua. Hy vọng dịch bệnh sớm qua đi để không khí náo nhiệt lại diễn ra như những năm tháng trước đây", bà Vân chia sẻ thêm.
Cầm tờ báo ngồi ngay trước hiên nhà, ông Phạm Thái Lai (73 tuổi, ở phố Hàng Bạc) kể từng là công nhân nhà máy in và đã về hưu từ nhiều năm nay. Ngày Quốc khánh 2/9 trong tâm trí ông Lai luôn là ngày thật đặc biệt.
Mọi năm, vào ngày này ông thường sẽ đi dạo ngắm cờ hoa, phố phường, hít hà bầu không khí dịu mát ở bờ hồ Hoàn Kiếm. Thế nhưng vì dịch bệnh, mọi việc đều tạm gác lại.
"Tôi có thói quen đọc báo in. Dịch bệnh nên tôi chỉ quanh quẩn ở nhà với con cháu, rảnh rỗi thì đọc báo, xem phim nắm tin tức, thời sự. Đây là kỳ nghỉ lễ đặc biệt. Mong sao dịch bệnh sớm qua đi. Tôi cũng tin Hà Nội và các tỉnh sẽ vượt qua được đại dịch", ông Lai chia sẻ.
Cũng trong sáng nay, theo ghi nhận của PV Dân Việt, nhiều tuyến đường Hà Nội vắng người đi lại. Nhiều khu vực có lực lượng chức năng lập chốt kiểm soát phòng chống dịch. Nhiều khu vực "vùng xanh", người dân các tổ dân phố cắt cử nhau phân công nhiệm vụ kiểm soát người ra vào. Những khu vực nguy cơ, an ninh chốt trực 24/24h đảm bảo công tác phòng chống dịch.
Trước đó, ngày 1/9, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã ký ban hành Chỉ thị số 06-CT/TU về việc tiếp tục nâng cao hiệu quả phòng chống dịch Covid-19 của thành phố.
Chỉ thị được ban hành trong bối cảnh TP.Hà Nội đã trải qua 40 ngày thực hiện 3 đợt giãn cách xã hội, tình hình diễn biến của dịch bệnh ngày càng phức tạp, việc kiểm soát dịch bệnh ở một số địa phương chưa vững chắc, có nơi còn biểu hiện lơi lỏng, còn có hiện tượng "chặt ngoài, lỏng trong".
Đặc biệt, số ca Covid-19 từ ngày 27/4 đến nay vượt 3.500 và vẫn còn phát sinh ổ dịch mới trong cộng đồng. Cùng với đó, việc di biến động dân cư, người từ vùng dịch về Hà Nội vẫn diễn biến phức tạp, nhất là qua đường mòn, lối mở, đường thủy, đường sắt…; người dân ra đường vẫn còn đông.
Từ đó, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội yêu cầu toàn TP tiếp tục thực hiện quyết liệt, triệt để, nghiêm túc, có hiệu quả thực chất việc giãn cách xã hội theo chỉ đạo của T.Ư, TP, đặc biệt là kiểm soát chặt hơn, cần thiết áp dụng cao hơn một mức việc thực hiện giãn cách trong dịp nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9.
Tăng cường kiểm tra, kiểm soát tại hệ thống các chốt ra vào TP, các chốt của quận, huyện, thị xã và tại cơ sở, đường mòn, lối mở, đường thủy, đường sắt; siết chặt kiểm tra người và phương tiện, không để lọt người từ các vùng có dịch vào TP mà không được kiểm tra dịch tễ; xử lý nghiêm theo quy định pháp luật các trường hợp cố tình vi phạm.
Các đơn vị liên quan được yêu cầu, có các giải pháp quyết liệt hạn chế người dân ra đường, nhất là khu vực phong tỏa, nơi có nguy cơ cao, chấn chỉnh và xử lý triệt để tình trạng "chặt ngoài, lỏng trong".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.