Một ông nông dân thành phố Đà Nẵng cứ nhóm lửa, bắc bếp nấu thứ nước này là cả làng ngửi thấy mùi thơm

Diệu Bình Thứ bảy, ngày 20/02/2021 19:02 PM (GMT+7)
Giữa những tác động từ đời sống thường nhật, sản phẩm rượu cần truyền thống của đồng bào Cơ Tu đã trải qua bao thăng trầm, đứt đoạn. Nhưng với người dân tại thôn Phú Túc (xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) rượu cần từ lâu đã sống, đã hòa quyện chung với đồng bào, với núi rừng Trường Sơn.
Bình luận 0

Nấu rượu cần là nghề truyền thống của đồng bào Cơ Tu dọc dãy Trường Sơn. Trong mâm cỗ ngày Tết dâng ông bà, tổ tiên không thể thiếu chén rượu cần - thứ sản vật chắt chiu từ tinh hoa của lộc rừng, nương rẫy. 

Năm 2013, để bảo tồn nghề ủ rượu cần, có 9 người được Nhà nước cử đi học nấu rượu cần ở Tây Nguyên. Họ trở về thành lập hợp tác xã nấu rượu cần Phú Túc. Tuy nhiên, rượu cần Đà Nẵng "càng làm càng khó". Rượu làm ra không bán được, những người này tạm "gác nghề" để làm việc khác kiếm sống.

Lão nông giữ hương “men rừng” Phú Túc - Ảnh 1.

Rượu cần, thứ sản vật chắt chiu từ tinh hoa của nương rẫy, lộc rừng Trường Sơn.

Tuy nhiên, với mong muốn giữ nghề, lão nông Lê Văn Nghĩa, 66 tuổi, người Cơ Tu (trsu thôn Phú Túc, xã Hà Phú, huyện Hòa Vang, TP.Đà Nẵng) đã quyết tâm "bám trụ" để giữ nghề truyền thống, miệt mài ngày đêm giữ men rượu lưu mãi với núi rừng Trường Sơn.

Ông Nghĩa chia sẻ, ủ rượu không chỉ là kế sinh nhai, mà còn là tình yêu, đam mê của một người Cơ Tu đối với văn hóa truyền thống của dân tộc. "Thành phần chủ yếu của rượu cần gồm nếp, vỏ trấu, men lá đều được lấy từ các cánh đồng tại huyện Hòa Vang (Đà Nẵng). Mất gần 12 tiếng thì một ché rượu cần mới ra đời. Rượu phải ủ từ 3 tháng trở lên mới ngon, càng ủ lâu thì màu càng giống mật ong, càng đậm đà", ông Nghĩa nói.

Lão nông giữ hương “men rừng” Phú Túc - Ảnh 2.

Ông Lê Văn Nghĩa, thôn Phú Túc (xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) - một trong số hộ ít ỏi còn lưu giữ được thương hiệu rượu cần Phú Túc.

Những ché đựng rượu bằng gốm được gia đình ông Nghĩa đặt riêng từ làng gốm Bát Tràng (Hà Nội) với 2 loại ché 3 lít và 8 lít. Công việc ủ rượu diễn ra thường xuyên, một năm ông nhập về khoảng 3.000 ché. Mỗi ché rượu hoàn chỉnh được bán ra thị trường có giá từ 200.000-500.000 đồng.

Lão nông giữ hương “men rừng” Phú Túc - Ảnh 3.

Nếp, trấu phải được rửa thật kĩ trước khi ủ.

Khác với loại rượu thông thường, rượu cần được ủ chứ không nấu. Vị ngọt của nếp lên men, hòa với hương trấu và lá rừng tạo nên chất men đậm đà. Mang tiếng "rượu" nhưng rượu cần không "nặng độ" như các loại rượu thông thường (chỉ từ 7 – 12% độ cồn - PV).

Lão nông giữ hương “men rừng” Phú Túc - Ảnh 4.

Để rượu ngon, người nấu phải ủ từ 3 tháng trở lên.

Với người Cơ Tu, rượu là thức uống của mùa lễ hội và tình đoàn kết dân tộc. Người thưởng rượu ngồi thành vòng tròn, uống cùng một ngụm rượu ngang nhau bằng những chiếc ống hút làm bằng tre rừng. Ống tre cứ thế chuyền tay chuyền nhau, lời mời nối tiếp lời thăm hỏi, hòa cũng những tràng cười giòn tan, bên ánh lửa bập bùng cùng những điệu múa mùa lễ hội.

Lão nông giữ hương “men rừng” Phú Túc - Ảnh 5.

Ông Nguyễn Tân, Chủ tịch UBND xã Hòa Phú cho hay địa phương sẽ tiếp tục hỗ trợ thêm kinh phí để ông Nghĩa đưa sản phẩm rượu cần ở thôn Phú Túc tham gia các hội chợ triển lãm để quảng bá thương hiệu. 

Lão nông giữ hương “men rừng” Phú Túc - Ảnh 6.

Rượu cần Phú Túc là đặc sản không thể thiếu trong những lễ hội của người đồng bào Cơ Tu.

"Thời gian tới, chúng tôi sẽ hỗ trợ nhiều thiết bị ủ rượu để giúp cho ông Nghĩa có thể cơ giới hóa, tăng năng suất nhằm góp phần gìn giữ và phát triển rượu cần của người dân tộc Cơ Tu. Cạnh đó, xã đã xây dựng bộ hồ sơ, nâng tầm rượu Phú Túc thành sản phẩm sản phẩm OCOP đặc trưng của đồng bào Cơ Tu", ông Tân nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem