Mực nước đập Tam Hiệp dâng quá nhanh sau một đêm, sắp chạm giới hạn an toàn

Đăng Nguyễn - Reuters Thứ sáu, ngày 21/08/2020 16:05 PM (GMT+7)
Mực nước tại đập thủy điện Tam Hiệp đã tăng 2 mét chỉ sau một đêm, lên mức 165,6 mét vào sáng ngày 21.8, theo Reuters.
Bình luận 0

img

Đập Tam Hiệp đã nâng cao mức xả lũ đáng kể từ ngày 19.8.

Mực nước tại đập Tam Hiệp, công trình thủy điện lớn nhất hành tinh sắp đạt đến mức giới hạn do ảnh hưởng của trận lũ lớn nhất từ trước đến nay, các số liệu chính thức cho biết.

Với lưu lượng nước đổ về đập Tam Hiệp lên tới 75.000 m3/giây từ ngày 20.8, mực nước tại đập Tam Hiệp đã tăng lên tới 165,6 mét.

Mực nước tăng thêm 2 mét chỉ sau một đêm và hơn 20 mét so với mức cảnh báo lũ, theo Reuters.

Mực nước an toàn theo thiết kế ở đập Tam Hiệp là 175 mét, với chiều cao thành đập là 185 mét.

Đơn vị vận hành đập Tam Hiệp đã nâng lưu lượng xả nước lên tới mức kỷ lục 48.800 m3/giây vào ngày 20.7. Nhưng với mực nước tăng nhanh báo động như hiện tại, đập Tam Hiệp sẽ phải mở thêm cửa xả lũ, theo Reuters.

Đập Tam Hiệp có 22 cửa xả lũ và 23 cửa xả đáy. Hôm 20.8, đơn vị vận hành đập Tam Hiệp mới chỉ mở 11 cửa xả lũ.

“Họ sẽ làm tất cả để ngăn không cho nước tràn qua thành đập”, Desiree Tullos, giáo sư Đại học bang Oregon, người nghiên cứu về dự án xây đập Tam Hiệp, nói.

“Nước tràn qua thành đập là kịch bản tồi tệ nhất vì sẽ gây ra thiệt hại đáng kể… thậm chí là toàn bộ con đập sụp đổ”, giáo sư Tullos nói.

Lượng mưa ở lưu vực sông Dương Tử năm nay đã cao hơn gấp đôi so với mức trung bình năm. Những đợt lũ lớn đã gây thiệt hại kinh tế 26 tỉ USD và khiến 63 triệu người bị ảnh hưởng.

Đập Tam Hiệp được đưa vào sử dụng từ năm 2003, không chỉ tạo ra sản lượng điện khổng lồ mà còn đóng vai trò điều tiết nước, ngăn lũ lụt tràn về vùng hạ lưu.

Theo thống kê của chính phủ Trung Quốc, đập Tam Hiệp đã trữ hơn 100 tỉ m3 nước kể từ đầu năm nay, che chắn cho hơn 18,5 triệu dân khỏi cảnh sơ tán. Chỉ riêng đập Tam Hiệp đã giúp ngăn chặn lưu lượng nước đổ về hạ lưu tới 34%, quan chức Trung Quốc cho biết.

Nhưng những người chỉ trích cho rằng năng lực kiểm soát lũ của đập Tam Hiệp cũng chỉ có giới hạn và con đập có thể tạo ra những vấn đề tồi tệ về lâu dài. Đập Tam Hiệp bị cho là góp phần làm gia tăng động đất trong khu vực, làm tổn hại hệ sinh thái sông Dương Tử.

Từ năm 2011 đến nay, Bắc Kinh đã chi hơn 600 tỉ nhân dân tệ để giảm bớt ảnh hưởng lâu dài của đập Tam Hiệp đối với môi trường xung quanh. Nhưng vẫn còn nhiều vấn đề chưa được giải quyết và chính phủ Trung Quốc đã hứa sẽ chi thêm 600 tỉ nhân dân tệ đến năm 2025, theo Reuters.

Theo Bộ Môi trường Trung Quốc, khu vực xung quanh sông Dương Tử đã xảy ra 776 trận động đất trong năm 2017, tăng 60% so với năm 2016. Một cuộc nghiên cứu từ Cục Địa chấn Trung Quốc cho hay số trận động đất ở khu vực đã tăng gấp 30 lần trong giai đoạn từ năm 2003 - 2009.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem