Nhật Minh
Thứ tư, ngày 06/01/2021 08:21 AM (GMT+7)
Lãi suất tiết kiệm đang ở mức thấp, chứng khoán thời gian qua đã tăng mạnh, vàng và bất động sản được dự báo sẽ “sáng” trong năm 2021. Nhưng trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, nhà đầu tư nên bỏ vốn vào kênh đầu tư nào?
Đối với kênh đầu tư truyền thống là tiết kiệm ngân hàng, trong năm 2020 lãi suất huy động giảm kỷ lục, trong đó lãi suất kỳ hạn 1, 2 tháng đã về mức thấp chưa từng có 2,55%/năm. Trong năm 2021, lãi suất tiết kiệm vẫn được nhiều chuyên gia dự báo sẽ tiếp tục nằm ở vùng thấp như năm 2020, dù nhu cầu vốn tín dụng có tăng lên và sản xuất kinh doanh phục hồi.
Nhận định này cũng phù hợp với chính sách kinh doanh của phần lớn các ngân hàng thương mại trong năm 2021 là tiếp tục cải thiện chất lượng tín dụng chứ không ưu tiên tăng trưởng mạnh về quy mô. Mặt khác, ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất đầu ra cho các khoản vay mới để hỗ trợ doanh nghiệp nên dư địa tăng lãi suất huy động không nhiều.
Lãnh đạo một ngân hàng thương mại đánh giá, dù trong năm qua lãi suất huy động giảm nhưng nếu so với USD, giữ VND vẫn lợi hơn. "Trong năm 2021 khó có kỳ vọng lãi suất VND tăng vì dịch bệnh vẫn chưa chấm dứt và các ngân hàng phải giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi", vị này nói.
Dưới góc độ của đơn vị tư vấn đầu tư, nhóm phân tích của VNDirect cho rằng lãi suất tiết kiệm và cho vay sẽ giảm 0,20 - 0,5 điểm% trong năm 2021 trong bối cảnh chính sách tiền tệ được nới lỏng và áp lực lạm phát hạ nhiệt.
Tương tự, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng chưa có áp lực nào đủ lớn khiến lãi suất tiết kiệm có thể tăng trở lại.
Đối với thị trường vàng, cho dù những tháng cuối năm 2020, giá vàng về mức 1.882 USD/oz , song tính chung trong năm 2020, giá vàng đã tăng 22%. Còn tính từ mức đáy 1.045 USD/oz vào trung tuần tháng 3 đến gần trung tuần tháng 8/2020 đạt đỉnh 2.075 USD/oz, kim loại quý này đã tăng tới 45% trong một khoảng thời gian chưa đầy nửa năm.
Giới chuyên gia vẫn kỳ vọng rất lớn vào giá vàng trong năm 2021. Ông Huỳnh Trung Khánh, cố vấn cấp cao Hội đồng Vàng thế giới tại Singapore, Indonesia và Việt Nam dự báo, giá vàng năm 2021 sẽ sớm lấy lại mốc giá 2.000 USD/oz do có nhiều yếu tố hỗ trợ, trong đó, yếu tố lớn nhất là làn sóng bơm tiền kích cầu kinh tế của các nước lớn. Giá vàng thế giới tăng sẽ kéo theo giá vàng trong nước.
Theo Ngân hàng Wells Fargo, giá vàng có thể lên mức 2.100 - 2.200 USD/ounce trong năm 2021. Thậm chí Goldman Sachs còn dự báo giá vàng có thể lên tới 2.300 USD/oz trong năm tới.
Trong khi đó, thị trường bất động sản theo dự báo của Viện Nghiên cứu bất động sản Việt Nam, nếu các chỉ tiêu vĩ mô năm 2021 được đảm bảo, đặc biệt dịch bệnh được kiểm soát, thị trường bất động sản sẽ phát triển ở mức cao hơn năm 2019. Thậm chí sẽ có sự bùng nổ ở một vài phân khúc nhất định, nhất là loại hình bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng, giải trí, có hạ tầng tốt, được khai thác vận hành đồng bộ, xây dựng theo hướng xanh - thông minh.
Năm 2020 cũng là năm thắng lớn với nhiều nhà đầu tư chứng khoán. Sau khi rơi xuống đáy vào tháng 3/2020, thị trường chứng khoán Việt Nam đã tăng điểm mạnh mẽ, liên tục lọt vào nhóm những thị trường tăng trưởng mạnh nhất thế giới. Tính đến hết năm 2020, chỉ số VN-Index đã tăng hơn 14%.
Lực lượng nhà đầu tư mới (F0) là nhân tố tích cực thúc đẩy thị trường. Theo số liệu từ Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD), tính tổng cộng từ đầu năm đến hết tháng 11/2020, các nhà đầu tư cá nhân mở 329.452 tài khoản, cao hơn 75,4% so với lượng mở mới của cả năm 2019. Giá trị giao dịch trên sàn HoSE có phiên lên tới trên 17.000 tỷ đồng - con số cao nhất từ trước đến nay.
Trong một báo cáo mới đây, Vndirect dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 ở mức 7,1% và lạm phát được kiểm soát dưới mức 3%. "Với sự phục hồi của kinh tế vĩ mô, trong kịch bản cơ sở, chúng tôi kỳ vọng chỉ số VN-Index năm tới có thể đạt 1.120 - 1.160 điểm", công ty chứng khoán này đánh giá.
Kênh đầu tư nào tiềm năng trong năm 2021?
Trong khi lãi suất tiết kiệm đang giảm sâu, trong các kênh đầu tư khác như vàng, bất động sản, chứng khoán, kênh đầu tư nào tiềm năng trong năm 2021 đang là câu hỏi được nhiều nhà đầu tư quan tâm.
Về vấn đề này, các chuyên gia cho rằng, việc dự báo đầu tư vào đâu để có lợi trong cả năm 2021 là chuyện vô cùng khó. Trước tiên người đầu tư phải xác định nguồn tiền nhàn rỗi trong thời gian ngắn, trung hay dài hạn, quy mô nguồn tiền như thế nào, kiến thức về tài chính ra sao, từ đó lựa chọn kênh đầu tư phù hợp.
Trong các kênh đầu tư truyền thống, tiết kiệm ngân hàng được đánh giá là kênh đầu tư an toàn nhất.
Ông Dũng phân tích, gửi tiết kiệm ngân hàng là thị trường chuyên huy động các khoản tiền nhàn rỗi trong ngắn hạn và dài hạn, với lợi nhuận trả cho người gửi tiền là các mức lãi suất tương ứng. Đây cũng là kênh đầu tư dành cho những cá nhân không có nhiều hiểu biết về những kênh đầu tư khác.
"Hiện tại, tỷ suất lợi nhuận của kênh đầu tư này chỉ khoảng 6 - 8%/năm, nhưng ưu điểm là an toàn tuyệt đối. Hệ thống ngân hàng Việt Nam được "bảo hộ" bởi Chính phủ, nên ngay cả khi ngân hàng mà bạn gửi tiền bị phá sản hoặc gặp sự cố, người gửi tiền cũng không bao giờ bị mất tiền", vị này nhấn mạnh.
Đối với thị trường bất động sản, theo ông Dũng, được các nhà đầu tư truyền thống đánh giá cao, là nơi các cá nhân mua đi, bán lại các tài sản địa ốc với tỷ suất lợi nhuận khá tốt.
Đặc biệt khi nhu cầu nhà ở tăng mạnh ở những thành phố lớn khiến cho thị trường bất động sản trở nên sôi động, giúp nhiều nhà đầu tư "thắng" đậm khi chỉ "bỏ 1 vốn thu 4 lời", 8 - 12%/năm là mức lợi nhuận bình quân của thị trường.
Tuy nhiên, kênh đầu tư này thường sẽ dành cho những người có số vốn lớn và am hiểu sâu sắc về thị trường bất động sản để tránh rủi ro cao bởi thị trường này cũng biến động liên tục mặc dù có theo chu kỳ nhất định và dài hạn.
Nêu quan điểm của mình, chuyên gia tài chính - ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu, cho rằng VND vẫn là kênh đầu tư phù hợp với người ít kiến thức về tài chính, chấp nhận mức độ rủi ro thấp. "Thị trường tiền gửi ngân hàng vẫn tiếp tục là kênh đầu tư an toàn cho đại bộ phận người dân và doanh nghiệp", ông Hiếu nói.
Đối với kênh vàng, nếu đầu tư ngay từ đầu năm 2020, hiện tỷ suất sinh lời hơn 30% (từ mức 42 triệu đã tăng lên gần 56 triệu). Lý do vàng tăng phi mã là dịch Covid-19 khiến các nhà đầu tư đổ xô đi mua vàng như một kênh đầu tư an toàn.
Trên thực tế, năm 2020 cũng là năm "đau tim" với các nhà đầu tư vàng, khi giá biến động nằm ngoài mọi dự đoán, vọt tới con số cao nhất lịch sử (2.075 USD/oz) vào tháng 8/2020 rồi lại rớt mạnh. Bởi vậy, đầu tư vào vàng là vô cùng rủi ro và chỉ phù hợp với những nhà đầu tư am hiểu về thị trường tài chính.
Với kênh đầu tư chứng khoán, thị trường đang ở đỉnh và khó tránh những đợt điều chỉnh vào năm 2021, nhà đầu tư phải biết phân tích dòng tiền và căn thời điểm để lựa chọn những cổ phiếu tốt.
Riêng với bất động sản, thanh khoản sẽ thấp hơn các kênh khác như vàng hay chứng khoán, gửi tiết kiệm. Mặc dù vậy, nhu cầu lớn cộng với nguồn cung hạn chế khiến triển vọng của thị trường bất động sản vẫn rất sáng sủa. Do đó, đối với nhà đầu tư trung, dài hạn, bất động sản vẫn là kênh đầu tư số một.
Liên quan đến kênh đầu tư bất động sản, tại diễn đàn "Toàn cảnh bất động sản 2021" vừa diễn ra, TS Nguyễn Đức Hưởng - nguyên Chủ tịch LienVietPostBank cũng khuyến nghị, lãi suất cho vay sẽ không bao giờ thấp hơn nữa, nhà đầu tư cần tận dụng vay ngân hàng mua nhà, đất. Bởi dù giá nhà, đất có hạ đến mấy thì đất vẫn là đất. "Đất không đẻ ra được nhưng người đẻ liên tục, giá đất sẽ lại lên", ông Hưởng chia sẻ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.