Nam công chức văn hóa Huế mặc áo dài đi làm: Mở đầu nhiều ý tưởng hay hơn nữa cho tà áo dài nam

Hà Thúy Phương Thứ tư, ngày 09/09/2020 18:35 PM (GMT+7)
Trước ý kiến trái chiều về việc công chức Sở VHTT Thừa Thiên - Huế mặc áo dài đến công sở, Dân Việt đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Đức Bình - sáng lập viên của nhóm Đình làng Việt và nhà thiết kế áo dài Quang Huy.
Bình luận 0
Nam công chức mặc áo dài chỉ bất tiện khi ra ngoài chè chén, đánh bài - Ảnh 1.

Nam công chức Sở Văn hóa Thể thao Huế mặc áo dài.

"Phát súng" đầu tiên

Ngày 8/9, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế cho hay, nam công chức của cơ quan này sẽ mặc áo dài vào thứ hai đầu mỗi tháng, để góp phần xây dựng nét đẹp văn hóa và "nhớ về trang phục truyền thống của dân tộc".

Nam công chức mặc áo dài chỉ bất tiện khi ra ngoài chè chén, đánh bài - Ảnh 2.

Nhà thiết kế áo dài Quang Huy.

Nhà thiết kế áo dài Quang Huy cho rằng, với quan điểm của một nhà thiết kế áo dài đã tham gia rất nhiều các kỳ festival Huế, anh luôn ủng hộ việc đưa áo dài phổ biến tới tất cả mọi tầng lớp xã hội. Việc Huế đề xuất thí điểm mặc áo dài nam đối với công chức là một quyết tâm đi đầu trong việc phát triển này cũng như xưa Chúa Nguyễn Phúc Khoát đã định lại việc mặc trang phục của Đàng Trong.

Dưới góc độ nhà thiết kế áo dài, nhà thiết kế Quang Huy có đóng góp ý kiến về việc mặc chiếc áo dài nam sao cho thuận tiện. Theo anh: "Về mẫu mã 5 tà hay mấy tà không quan trọng, vì xưa kỹ thuật dệt chỉ dệt được khổ hẹp nên thiết kế lúc bấy giờ phải cắt ghép làm sao cho đẹp và có thẩm mỹ, phù hợp thời bấy giờ, và thấy thiết kế đó là đẹp. Thời nay, dựa trên cơ sở gốc là chiếc áo dài, thiết kế làm sao để đạt tiêu chí đẹp, phù hợp với kỹ thuật công nghệ hiện đại ngày nay, cũng như công năng sử dụng của trang phục. Khi mọi người mặc ra xã hội không bị cảm giác lạc hậu mà hòa nhập được hiện đại như áo dài nữ hiện nay, đó là thách thức của các nhà thiết kế".

Nam công chức mặc áo dài chỉ bất tiện khi ra ngoài chè chén, đánh bài - Ảnh 3.

Nhà thiết kế áo dài Quang Huy trong một show Áo dài .

Tiêu chí thiết kế áo dài nam, theo nhà thiết kế Quang Huy, cần hiện đại hơn, chất liệu phổ biến hơn. Áo có thể kết hợp với quần Tây hoặc quần gọn gàng có túi để sử dụng thường ngày. Kỹ thuật cũng cần đơn giản nhưng vẫn giữ được vẻ đẹp của áo dài xưa, tránh rườm rà, kiểu cách, mô phỏng lại tầng lớp quan lại xưa. 

Về thiết kế áo dài của nam công chức Sở Văn hóa Thể thao Huế, theo anh thấy có chi tiết đeo thẻ bài chưa hợp lý lắm. Thẻ bài trước kia là để phân biệt các cấp bậc quan lại, còn không biết bây giờ ghi gì thì anh chưa được biết rõ. Còn lại tổng thể, nhà thiết kế Quang Huy thấy thiết kế như vậy vẫn đúng và nghiêm túc.

Nhà thiết kế Quang Huy khẳng định những thiết kế đầu tiên này của Sở Văn hóa Thể thao Thừa Thiên - Huế sẽ là "phát súng" đầu tiên để nhiều nhà thiết kế khác có ý tưởng hay hơn nữa dành cho tà áo dài nam.

Nam công chức mặc áo dài chỉ bất tiện khi ra ngoài chè chén, đánh bài - Ảnh 4.

Ông Nguyễn Đức Bình (áo đỏ) và các thành viên nhóm Đình làng Việt trong một dự án phục dựng áo dài ngũ thân Tết 2020.

Chỉ bất tiện khi ra ngoài làm việc riêng

Đối với ông Nguyễn Đức Bình - người đã bỏ rất nhiều công sức cho việc phục dựng áo dài nam ngũ thân - thì việc vận động mọi người mặc áo dài thuộc lộ trình nằm trong dự án đưa áo dài thành di sản phi vật thể của Huế, đưa Huế trở thành kinh đô áo dài Việt Nam. Đây là lộ trình đi từng bước một mà ông biết là có bài bản nghiêm túc khoa học, cẩn trọng, đặc biệt là đối với áo dài nam. Sở Văn hóa Thể thao Thừa Thiên - Huế may theo mẫu áo của thời Nguyễn, là di sản đã có. Ông Nguyễn Đức Bình cho hay: "Di sản này áo dài nam đã mất rồi và hiện giờ đang có chiều hướng bị lai căng, mọi người cứ tưởng đấy là áo dài Việt. Huế quyết tâm trở lại việc này, từ chủ tịch tỉnh cho đến cơ quan thực hiện, trong đó Sở Văn hóa Thể thao đã tiên phong vận động nhân viên mặc áo dài".

Về một số ý kiến nói là nam mặc áo dài vướng víu thì do mọi người không nắm được hết. Ví dụ như một số trường học, ngân hàng quy định nữ nhân viên mặc áo dài đi làm thì đâu có ai nói gì. Vậy mà khi nghe thấy nam mặc lại nói là bất tiện. Ông Nguyễn Đức Bình khẳng định: "Áo dài có bất tiện trong trường hợp người mặc bỏ công sở ra ngoài làm việc riêng, ngồi lê đánh bài, chè chén. Còn trong lúc làm việc, thực hiện các nghi lễ thì người mặc áo dài đều phải thể hiện mình là người nghiêm túc. Người nào đã khoác lên mình chiếc áo dài thì đều phải hành xử nghiêm túc, thận trọng hơn. Những người phản bác lại việc nam nhân viên Sở Văn hóa Thể thao Huế mặc áo dài là người đó chưa bao giờ mặc áo dài đúng và đẹp".

Ông Nguyễn Đức Bình cũng cho biết: Ngày xưa vua quan nhà Nguyễn mặc để làm việc có sao đâu mà mọi người giờ lại phản ứng. Ông cho rằng sự việc này cho thấy vấn đề là các cơ quan quản lý nhà nước cần phải tuyên truyền mạnh hơn nữa để cho người dân hiểu được kỹ hơn về áo dài Việt Nam. Thậm chí nhiều người mang tính chất là học giả vẫn không bám sát thực tế với vấn đề này.

Nam công chức mặc áo dài chỉ bất tiện khi ra ngoài chè chén, đánh bài - Ảnh 5.

"Áo dài chỉ bất tiện khi người mặc nó ra ngoài làm việc riêng như trà đá vỉa hè, nhậu nhẹt, đánh bài" - ông Nguyễn Đức Bình khẳng định.

Trước câu hỏi nên mặc chiếc áo dài như thế nào để phù hợp với xã hội hiện đại mà vẫn giữ được vẻ đẹp truyền thống, người sáng lập nhóm Đình làng Việt cho biết, qua thực tế và hội thảo ở Hà Nội và Huế, trong đó có những nhà thiết kế áo dài hàng đầu Việt Nam, ông nhận thấy nhiều nhà thiết kế không hiểu sâu vấn đề và thiết kế những mẫu áo dài xa rời truyền thống văn hóa. Ông cho rằng nói cách tân để cho thuận tiện hơn là bao biện. Ông Nguyễn Đức Bình khẳng định: "Trong việc thiết kế áo dài, các nhà thiết kế sợ hoặc không nghiên cứu kỹ đã tìm cách cách tân và sử dụng công nghệ may rất đơn giản để may ra chiếc áo nhân danh áo dài chứ không phải là áo dài. Áo dài của người Việt là phải phát huy được bản sắc văn hóa, tinh hoa của người thợ, cốt cách của con người Việt Nam phải thể hiện được trên áo dài. Hầu như những áo dài hiện nay không khắc phục được nhược điểm của người đàn ông Việt. Mà cái áo các cụ đã sinh ra để khắc phục được nhược điểm của người đàn ông Việt. Thử hỏi các nhà thiết kế có khắc phục được bụng bia 120cm không, nhưng áo dài truyền thống đã giải quyết được vấn đề đấy". Ông Nguyễn Đức Bình khẳng định qua quá trình nghiên cứu, phục dựng áo dài nam ngũ thân trong suốt thời gian qua.

Như vậy, ngoài những ý kiến trái chiều về việc nam công chức mặc áo dài có thuận tiện cho công việc hay không, việc mặc áo dài như thế nào cũng đang được quan tâm. Các nhà văn hóa và các nhà thiết kế đang có nhiều tranh luận giữa việc mặc áo dài truyền thống ngũ thân hay áo dài cách tân và mặc thế nào cho đúng và đẹp vẫn còn đang được tranh cãi sôi nổi.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem