|
Trồng rừng để làm vành đai chắn sóng biển. |
Theo tổ chức Liên quốc gia về Biến đổi khí hậu toàn cầu, Hải Phòng sẽ là 1 trong 10 thành phố chịu ngập lụt nặng nhất thế giới khi nước biển dâng cao 1m. Thu Ngân
Giải pháp “kép”
Qua số liệu quan trắc tại trạm Hải văn Hòn Dáu cho thấy, mực nước biển dâng cao trung bình 2,5-3cm trong vòng một thập kỷ qua.
Hiện, một số khu vực ven biển Hải Phòng xuất hiện tình trạng nước biển xâm thực vào bờ, nhất là khu vực xã Phù Long, huyện Cát Hải và vùng bãi bồi ven đê biển 1 và 2 thuộc quận Đồ Sơn và huyện Kiến Thụy. Như vậy, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với Hải Phòng không phải dự báo trong tương lai, mà nó đã và đang hiện hữu.
Ngoài 125km bờ biển, Hải Phòng còn có hệ thống sông ngòi chằng chịt nên các công trình đê sông, đê biển phòng chống thiên tai ở Hải Phòng khá đồ sộ, với 422km (riêng đê biển là 104km). Tuy nhiên, 6 tuyến đê biển của địa phương này phần lớn mới chỉ đạt tiêu chuẩn cấp 3, chỉ chống đỡ được với bão cấp 9, triều thấp.
Trong khi đó, với thực trạng đê biển của địa phương như hiện nay: Chủ yếu đê đất, chiều rộng mặt đê chỉ 4-5m, cao 3,5 - 5m, được thiết kế theo tiêu chuẩn cấp 3, chỉ có thể chống đỡ được với những cơn bão từ cấp 9 trở xuống, khi không có triều cường.
Còn khi có triều cường thì nước dâng cao gần mặt đê, sóng đánh rất khủng khiếp. Nguy cơ vỡ đê cục bộ là điều khó tránh. Thực tế những năm gần đây, tình trạng bão đổ bộ, nước biển dâng cao tràn qua đê ở một vài vị trí đê biển cũng đã xảy ra, khiến việc củng cố, nâng cấp đê biển ở Hải Phòng càng trở nên cấp bách.
Vấn đề là kinh phí cho nâng cấp, tôn cao hơn 100km đê biển này là khá lớn, theo tính toán, ít nhất cũng phải 50-70 tỷ đồng/km đê, có khi cả trăm tỷ đồng/km. Trong khi ngân sách lại có hạn, khó có thể thực hiện tu bổ, nâng cấp cùng lúc.
Nỗ lực trồng rừng phòng hộ, chắn sóng
Biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng tác động đến hầu hết các lĩnh vực kinh tế, xã hội của TP. Hải Phòng, trong đó các lĩnh vực chịu tác động trực tiếp và nghiêm trọng nhất của hiện tựơng này là: Nông nghiệp, thủy sản, bảo vệ môi trường, giao thông vận tải, cảng biển, tiêu thoát nước đô thị, đê điều và phòng chống thiên tai, phát triển đô thị và công nghiệp…”.
Ông Trần Văn Hợi - Giám đốc Ban quản lý Dự án các công trình NN&PTNT Hải Phòng cho biết, từ năm 2006 đến nay, TP. Hải Phòng đã phê duyệt 9 dự án, với tổng kinh phí xấp xỉ 1.100 tỷ đồng để nâng cấp, tu bổ 60km đê biển. Đặc biệt từ năm 2008, Hải Phòng bắt tay vào thực hiện Chương trình nâng cấp đê biển của Chính phủ.
Đến nay, tổng kinh phí đã bố trí cho Chương trình là 318,78 tỷ đồng. Có 4 dự án với tổng chiều dài 19km đê, kè biển - là những vị trí xung yếu nhất đã hoàn thành đưa vào sử dụng, với kinh phí 300 tỷ đồng.
Cùng với đó, Hải Phòng cũng đã trồng được 24,16ha rừng cây chắn sóng bằng nguồn vốn của Chương trình đê biển, với kinh phí 3 tỷ đồng.
Đến nay, rừng đã lên khá tốt và đang phát huy tác dụng phòng hộ chắn sóng bảo vệ đê biển, cố định bãi triều và đang hình thành lớp phù sa, tạo điều kiện thuận lợi cho các loài thực vật phân bố tự nhiên dưới tán rừng.
Dự kiến những năm tiếp theo (2010-2015), Hải Phòng sẽ trồng tiếp 500ha rừng cây chắn sóng nữa, với kinh phí dự kiến khoảng 60 tỷ đồng.
Đáng nói, không phải bây giờ mà hàng trăm năm nay, do phải thường xuyên đối mặt với “thuỷ thần”, các thế hệ người Hải Phòng đã ý thức được trách nhiệm của mình trong việc quai đê, trồng rừng ngập mặn chắn sóng để phòng ngừa thảm hoạ thiên tai bất trắc. Kết quả, mỗi năm có hàng chục km đê được gia cố từ chính nguồn lực của người dân địa phương.
Đặc biệt, trong tổng số 500ha rừng ngập mặn hiện có ở ngoài các tuyến đê biển của Hải Phòng, có tới 1.500ha rừng do Hội Chữ thập đỏ huy động hội viên trồng. Trong đó phải kể tới dải rừng ngập mặn 450ha ở ven biển thuộc xã Đại Hợp, huyện Kiến Thụy. Nhờ có “thành luỹ xanh” này mà có thời điểm “7 ngày 3 bão” như năm 2005, sức gió mạnh tới cấp 11, 12, nhưng đê biển ở đây vẫn vững chãi.
Thu Ngân
Vui lòng nhập nội dung bình luận.