Nét cố đô ở chợ Nón Dạ Lê

Thứ hai, ngày 26/05/2014 15:30 PM (GMT+7)
Đến Huế, hỏi già trẻ ai cũng biết có một cái chợ chuyên mua bán đủ loại nón Huế. Đó là chợ nón Dạ Lê (thuộc xã Thuỷ Văn, huyện Hương Thủy).
Bình luận 0
Chợ Dạ Lê độc đáo nhất ở Huế, bởi vì mặt hàng duy nhất mua bán hàng ngày nơi đây chỉ toàn nón và nón… Hầu như những chiếc nón Huế đi ra khắp bốn phương trời đều khởi từ chợ nón Dạ Lê.
img
Chợ Dạ Lê


Nét hồn hậu hiện rõ trên khuôn mặt nhăn nheo của những bà cụ bán nón, giọng nói nhỏ nhẹ hiền lành của các cô gái xinh đẹp. Các bạn hàng đâu chỉ mua bán, mà còn lân la thăm hỏi, chuyện trò với nhau, và khi xong việc lại ngồi với nhau kể chuyện làng trên xóm dưới. Mưa xuân bất chợt đổ xuống, các hàng nón kéo nhau vào trú mưa dưới hiên nhà ven đường, người mua kẻ bán vừa chuyện trò bán buôn, vừa giúp nhau thu vén hàng hóa.
img
Bán và mua.

Nón Dạ Lê trắng tinh, thanh nhã. Trước hết, chiếc nón nổi tiếng nhờ màu lá ngọc bích, vòng vành khung và sợi móc tự tạo nhưng kỹ thuật trau chuốt công phu, tỉ mỉ. Loại nón lá cho người lao động là loại vừa dày vừa bền nhưng nón bài thơ là loại rất nhẹ, mỏng manh, khi đội hay đưa lên ánh sáng sẽ hiện lên hình cầu Tràng Tiền, phong cảnh… kèm theo một vài câu thơ hoa mỹ, dùng đội đi chơi hay nữ sinh đội đi học.
img
Chiếc nón Huế thanh lịch, cùng với tấm áo dài duyên dáng được ca ngợi không chỉ trong nước, mà còn hấp dẫn du khách nước ngoài. Hội chợ Osaka (Nhật Bản) đã dành một khu vực trang trọng cho gian hàng nón Việt và mời các nghệ nhân Huế sang biểu diễn nghề chằm nón.

Đến các làng nón huyện Phú Vang, Hương Thủy và thành phố Huế, đâu đâu cũng thấy các chị, các em gái sớm hôm miệt mài bên khuôn nón. Chằm là công việc quyết định giá trị sản phẩm. Mũi khâu phải đều tăm tắp với đôi bàn khéo léo, thuần thục.
img
Theo chị Thúy – một người thợ lành nghề: “Lúc chằm nón phải để tay trong tay ngoài và phối hợp nhịp nhàng như một cái máy may, mũi chằm mới đều, lá không rách, và mặt nón phẳng, không phồng rộp lên. Càng già dặn tay nghề càng chằm nhanh và đẹp, trong bóng tối vẫn chằm được nón”.
Chằm nón nghề truyền thống ở làng Tây Hồ huyện Phú Vang, Huế
Chằm nón nghề truyền thống ở làng Tây Hồ huyện Phú Vang, Huế
Làng nón nổi tiếng nhất ở Huế là làng Tây Hồ (xã Phú Hồ, huyện Phú Vang, Thừa Thiên-Huế) có 276 gia đình hành nghề, có hơn 610 khuôn nón hoạt động suốt ngày đêm, cả năm chỉ nghỉ 3 ngày tết.

Trong gia đình, những người mẹ, người chị khéo tay thường xây độn, lợp xong vành lá trên khuôn rồi mới giao cho các con chằm, trai gái đều làm được. Nhưng để có chiếc nón bài thơ độc đáo, người thợ phải có tay nghề cao và rất dày công. Vì vậy nón bài thơ chỉ sản xuất theo đơn đặt hàng trước cả tháng trời, người giỏi mỗi ngày cũng chỉ chằm xong một hai chiếc.
img
Bác Văn – chủ một hàng nón – kể: “Người buôn nón từ thành phố về đây bằng xe máy, mua được nhiều họ thuê xích lô chở. Vốn của mỗi đầu nậu nón ít nhất cũng phải vài chục triệu.”

Chợ nón Dạ Lê luôn bán đủ nguyên liệu cần thiết cho nghề chằm nón như lá nón, kim chỉ, vành, khuôn nón… bạn hàng vẫn được mua chịu, khi bán nón xong thì trả.
Chiếc nón bài thơ xứ Huế.
Chiếc nón bài thơ xứ Huế.
Dạ Lê là một chợ quê độc đáo bậc nhất ở Huế, có nề nếp, bán mua bình dị, mộc mạc, với các phiên chợ luôn rộn ràng, nhộn nhịp. Vượt thời gian, nét đằm thắm của chợ nón Dạ Lê còn mãi, như bắt nguồn từ cái duyên thầm của những người con gái Huế với nghề chằm nón.
(Theo TTYN)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem