Ngày xuân uống nhiều rượu bia, làm thế nào khi ngộ độc rượu?

Tuấn Kiệt Thứ sáu, ngày 04/02/2022 06:13 AM (GMT+7)
Sau những ngày "tâm điểm" của Tết, phải bận rộn với việc cúng lễ, thăm hỏi của gia đình, từ ngày mùng 4 trở ra, cánh đàn ông rất dễ nhàn rỗi và sa vào các cuộc nhậu nhẹt "tới bến", có nguy cơ ngộ độc rượu rất cao.
Bình luận 0

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên – Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), từ gần Tết Dương lịch đến qua Tết Âm lịch, các bác sĩ lại bận nháo nhào với các ca ngộ độc rượu, viêm thận cấp, chảy máu đường tiêu hóa vì rượu.

Dù đã tuyên truyền nhiều nhưng tình trạng này vẫn không đỡ. Đáng ngại nhất là các ca ngộ độc methanol do uống phải rượu giả, rượu không rõ nguồn gốc.

Theo bác sĩ Nguyên, rượu đảm bảo an toàn thực phẩm có ethanol, còn rượu có chứa methanol là cồn công nghiệp, được 1 số người sản xuất kinh doanh rượu bất lương pha vào để tăng độ nặng cho rượu. Rượu chứa methanol gây ngộ độc rất nặng và đã có nhiều ca tử vong do ngộ độc rượu methanol.

Ngày xuân uống nhiều rượu bia, làm thế nào khi ngộ độc rượu? - Ảnh 1.

Một ca ngộ độc rượu methanol điều trị tại Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai). Ảnh BVCC

"Methanol vào trong cơ thể sẽ được chuyển hóa thành chất độc hơn, phát tác chậm, sau 1-2 ngày các biểu hiện bên ngoài mới rõ rệt.

Nếu cứ uống liên tục với liều tuy không cao nhưng chúng sẽ được tích lũy gây các tổn thương cho người bệnh hoặc gây ngộ độc cấp, nguy cơ tử vong cao.

Có không ít các ca bệnh thoát chết nhưng để lại những di chứng ở não, mắt rất nặng nề do phù, hoại tử nhân bèo, chảy máu não… Người bệnh tuy được cứu sống nhưng mất khả năng lao động, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội" – bác sĩ Nguyên chia sẻ.

Theo bác sĩ Nguyên, ethanol là cồn thực phẩm, an toàn với sức khỏe con người nhưng nếu uống quá nhiều rượu bia thì cũng gây ngộ độc rượu.

Các biểu hiện ngộ độc rượu nặng, nguy hiểm

- Bất tỉnh, gọi hỏi không biết.

- Co giật.

- Tê, yếu chân tay một bên chân tay hoặc một bên mặt, nói ngọng trong khi đã tỉnh táo.

- Thở khò khè, ứ đọng đờm rãi ở miệng họng, ho yếu. Thở yếu, nhịp thở không đều, thở chậm hoặc ngừng thở. Có thể hít sâu và nhịp thở nhanh.

- Da, môi, móng tay tím tái hoặc nhợt, lạnh.

- Tiểu ra quần, tiểu ít (lượng nước tiểu ít hơn bình thường)

- Nhìn mờ, nhìn một vật thành hai.

- Nôn nhiều, đau bụng, bụng chướng.

- Mệt nhiều

Theo các bác sĩ, nếu người say rượu, ngộ độc rượu có các biểu hiện như trên cần phải đưa đi cấp cứu ngay.

Còn những người đã uống rượu say, dù biểu hiện chưa quá nặng thì cũng không nên tham gia lái xe, lao động mà nằm nghỉ ngơi với sự theo dõi của người khác. Nếu trời lạnh phải đắp chăn ấm, không để gió lùa.

Ngày xuân uống nhiều rượu bia, làm thế nào khi ngộ độc rượu? - Ảnh 2.

Ngày xuân tụ tập, mọi người cũng không nên lạm dụng bia rượu, dẫn đến ngộ độc rượu, nguy hiểm đến tính mạng. Ảnh minh họa Istockphoto

Không uống bia để giải ngộ độc rượu

Một số người say xỉn đã dùng bia để giải ngộ độc rượu và cho rằng ngay cả bác sĩ cũng đã dùng cách này để cấp cứu cho người ngộ độc rượu. Về điều này, bác sĩ Nguyên khẳng định làm "uống thêm bia" để giải rượu là cách làm rất nguy hiểm.

Theo bác sĩ Nguyên, nhiều người đã biết đến câu chuyện các bác sĩ ở Quảng Trị truyền bia để cứu sống bệnh nhân ngộ độc rượu. Nhưng cách làm này chỉ đúng với các bệnh nhân ngộ độc rượu methanol. Còn người đã ngộ độc rượu ethanol lại uống thêm bia tức là "nhồi" thêm ethanol sẽ càng làm tăng tình trạng ngộ độc.

"Để điều trị bệnh nhân ngộ độc ethanol, bác sĩ tuyệt đối không dùng ethanol, tức là không truyền thêm bia rượu. Chỉ có người ngộ độc methanol mới dùng biện pháp truyền thêm ethanol. Do đó, nếu người dân tự ý dùng bia rượu để hy vọng "giải cứu" bệnh nhân ngộ độc rượu là rất nguy hiểm khi chưa xác định bệnh nhân ngộ độc ethanol hay methanol.

Hơn nữa, việc truyền "bia" để điều trị bệnh nhân ngộ độc methanol cũng phải với liều lượng, cách dùng hợp lý. Trong quá trình đó các bác sĩ phải giám sát chặt chẽ các chỉ số sức khỏe của bệnh nhân để kịp thời can thiệp nếu có nguy hiểm.

Bác sĩ Nguyên khuyến cáo, tốt nhất, người dân không nên lạm dụng rượu bia. Khi có dấu hiệu ngộ độc do uống rượu, bia thì phải đến ngay cơ sở y tế để được xử trí, điều trị kịp thời; Tuyệt đối không được tự ý sử dụng bia để giải ngộ độc rượu, bia gây ra, không phải cứ uống bia vào là giải độc được rượu;

"Người dân tuyệt đối không sử dụng rượu, bia không rõ nguồn gốc, rượu bia giả vì các loại rượu này có thể chứa methanol- đặc biệt gây nguy hại đến sức khỏe, thậm chí khiến người dùng tử vong với lượng dùng nhỏ", bác sĩ Nguyên khẳng định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem