Nghệ sĩ Nhân dân là đạo diễn “bộ phim thành công nhất” của điện ảnh Việt Nam
Nghệ sĩ Nhân dân là đạo diễn top đầu các "phim thành công nhất" của điện ảnh Việt Nam
Thủy Vũ
Thứ ba, ngày 08/10/2024 09:10 AM (GMT+7)
Đạo diễn, Nghệ sĩ Nhân dân Trần Vũ được coi một trong những "cây đại thụ" của điện ảnh cách mạng Việt Nam. Trong cuộc đời mình, NSND Trần Vũ chỉ làm hơn 10 phim, gần một nửa trong số đó giành giải vàng của các LHP trong nước và Liên hoan phim quốc tế.
Nghệ sĩ Nhân dân là đạo diễn một trong những bộ phim thành công nhất của điện ảnh Việt Nam
Nghệ sĩ Nhân dân Trần Vũ tên thật là Nguyễn Văn Phú, sinh năm 1925 tại Nam Định. Tham gia cách mạng từ khởi nghĩa tháng Tám, đạo diễn Trần Vũ tạm gác niềm đam mê hội họa để đi kháng chiến. Hoà bình lập lại, ông chuyển ngành và đã có mặt trong lớp học đạo diễn đầu tiên của Điện ảnh Việt Nam, cùng với NSND Hải Ninh, NSND Huy Thành... Bước ngoặt này đã cho Điện ảnh Việt Nam một đạo diễn tài danh.
Học khóa 1 Trường Ðiện ảnh Việt Nam, Trần Vũ trở thành một trong những gương mặt nổi bật, làm nên diện mạo của phim truyện Việt Nam. Bộ phim đầu tiên Con chim vành khuyên là phim tốt nghiệp, ông làm đồng đạo diễn với người bạn đồng môn - đạo diễn Nguyễn Văn Thông, theo kịch bản của chính Nguyễn Văn Thông.
Cho đến nay Con chim vành khuyên vẫn là một trong những tác phẩm thành công nhất của điện ảnh Việt Nam, đến độ ít ai có thể ngờ rằng, đây lại là một bài tập tốt nghiệp Trường Điện ảnh Việt Nam của hai ông. Nó không chỉ được đánh giá cao ở trong nước mà năm 1962, ngay sau khi hoàn thành, phim được tặng giải đặc biệt dành cho phim ngắn tại Liên hoan phim (LHP) quốc tế Karlovy Vary (Tiệp Khắc).
Ðây cũng là giải thưởng quốc tế đầu tiên dành cho phim truyện Việt Nam. Năm 1973, tại Liên hoan phim Việt Nam lần 2, phim được tặng giải Bông sen vàng.
Đạo diễn, NSND Trần Vũ được coi một trong những "cây đại thụ" của điện ảnh cách mạng Việt Nam. Trong cuộc đời mình, NSND Trần Vũ chỉ làm hơn 10 phim, nhưng gần một nửa trong số đó giành giải vàng của các Liên hoan phim trong nước, Liên hoan phim quốc tế và còn nhiều giải thưởng khác nữa. Ngoài Con chim vành khuyên, tên tuổi của ông gắn với bộ phim kinh điển Đến hẹn lại lên, Vợ chồng anh Lực, Chuyến xe bão táp, Những người đã gặp…
Ở dòng phim hiện thực - tâm lý xã hội, đạo diễn Trần Vũ đã khẳng định, tên tuổi của mình với bộ phim Vợ chồng anh Lực giành Bông sen vàng.
Ngoài ra, đạo diễn Trần Vũ, biên kịch Vũ Lê Mai và diễn viên Tuệ Minh còn được biểu dương đặc biệt tại Liên hoan phim Việt Nam. Bộ phim Đến hẹn lại lên của ông cũng trở thành một trong những phim xuất sắc nhất của điện ảnh Việt Nam. Không chỉ tạo nên một "cơn sốt” vé hiếm thấy, phim tiếp tục mang về cho Điện ảnh Việt Nam Giải thưởng chính thức tại Liên hoan phim quốc tế Karlovy Vary năm 1976 cùng giải Bông sen vàng và các giải cá nhân xuất sắc nhất cho đạo diễn Trần Vũ, nhà quay phim Nguyễn Đăng Bảy và nữ diễn viên Như Quỳnh tại Liên hoan phim Việt Nam 1975.
Hơn chục năm sau chiến tranh, đạo diễn Trần Vũ là người thành công nhất trong việc khai thác chủ đề hậu chiến, đặc biệt là khai thác tâm lý nhân vật tinh tế và các tình huống kịch có sức thuyết phục.
Đạo diễn Trần Vũ đã tạo nên một dòng phim riêng, phản ánh sâu sắc các vấn đề xã hội, khắc họa đậm nét số phận chìm nổi của những con người bình thường, cũng như thể hiện những tình cảm riêng tư, những mối quan hệ đời thường một cách tinh tế.
Bộ phim Chuyến xe bão táp thuộc dòng phim hậu chiến của đạo diễn Trần Vũ đã giành Bông sen bạc, giải Biên kịch xuất sắc nhất cho hai tác giả Bành Bảo - Trần Vũ.
Năm 1986, Việt Nam và Cộng hòa Dân chủ Đức hợp tác sản xuất bộ phim Những mảnh đời rừng (còn có tên là Ngọn tháp Hà Nội) do Trần Vũ và đạo diễn người Đức Jörg Foth thực hiện. Bộ phim lấy bối cảnh cuối thập niên 40, đầu thập niên 50 của thế kỷ 20, là câu chuyện về những người lính trong quân đội của Hitler đã đào ngũ và gia nhập vào Binh đoàn Lê dương Pháp đến Việt Nam.
Trong giai đoạn giao thời giữa 2 thời kỳ (bao cấp và đổi mới), Trần Vũ đã thực hiện thành công bộ phim Anh và em, giành được Bông sen vàng cho phim truyện điện ảnh tại Liên hoan phim Việt Nam năm 1988. Đến thời kỳ đổi mới, ông chỉ dàn dựng 2 tác phẩm nữa là Tiền ơi và Giọt lệ Hạ Long.
Năm 1994, ông hợp tác với đạo diễn Nguyễn Hữu Phần và Phi Tiến Sơn thực hiện bộ phim Giọt lệ Hạ Long, dựa trên truyện ngắn Chuyện tình bên sông Ka Long của tác giả Tô Ngọc Hiển. Đây là bộ phim hợp tác giữa Việt Nam và Hồng Kông, có sự tham gia của Quyền Linh, Nghệ sĩ Nhân dân Thu Hà, và Nghệ sĩ Nhân dân Như Quỳnh.
Bộ phim không chỉ nhận được giải B của Hội Điện ảnh Việt Nam năm 1994 (không có giải A) mà còn giúp Nghệ sĩ Ưu tú Phi Tiến Sơn chiến thắng giải quay phim xuất sắc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 11. Được công chiếu quốc tế vào năm 1995, Giọt lệ Hạ Long trở thành bộ phim Việt Nam đầu tiên được mời tham dự trình chiếu trong chương trình Panaroma tại Liên hoan phim quốc tế Berlin.
Sau hàng loạt giải thưởng tại Liên hoan phim Việt Nam và các liên hoan phim quốc tế, ông được nhà nước trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú vào năm 1984 và Nghệ sĩ Nhân dân vào năm 1988.
Năm 2007, ông được trao tặng Giải thưởng Nhà nước cho chuyên ngành điện ảnh. Đầu năm 2010, ông lâm bệnh nặng và qua đời vào ngày 16/2, hưởng thọ 85 tuổi.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.