Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù: "Tăng quyền" cho TP.HCM cũng phải tăng trách nhiệm giám sát

Bạch Dương Chủ nhật, ngày 28/05/2023 09:06 AM (GMT+7)
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã thay mặt Chính phủ trình Quốc hội dự thảo nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, tạo điều kiện cho TP.HCM phát huy vai trò là đầu tàu, dẫn dắt phát triển kinh tế của cả nước.
Bình luận 0
Nghị quyết mới cho TP.HCM: "Tăng quyền" cho TP.HCM cũng phải tăng trách nhiệm giám sát - Ảnh 1.

Chính phủ đã trình Quốc hội dự thảo nghị quyết mới cho TP.HCM. Ảnh: P.V

Một trong những nội dung dự thảo nghị quyết mới được cơ quan thẩm tra đánh giá là "việc phân cấp, phân quyền mạnh nhưng thiếu các quy định về trách nhiệm". Vấn đề này đã được các chuyên gia bàn thảo nhiều khi xây dựng dự thảo nghị quyết.

GS.TS Nguyễn Trọng Hoài, Phó hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế TP.HCM bày tỏ băn khoăn khi nhiều cơ chế trong dự thảo nghị quyết bị ràng buộc vì thông qua luật, Chính phủ, Quốc hội. Để tránh "vết xe cũ" có cơ chế nhưng không thể thực hiện của Nghị quyết 54/2017, chuyên gia này cho rằng TP.HCM cần được giao quyền nhiều hơn và kiểm soát ít hơn. Khi đó, các lãnh đạo cũng phải có trách nhiệm lớn hơn, sở ngành có động lực phụng sự hơn.

GS.TS Nguyễn Trọng Hoài nêu thực tế cổ phần hóa 38 doanh nghiệp nhà nước của TP.HCM đang "tắc" vì vướng phương án sử dụng đất. Muốn gỡ vướng phải thông qua Bộ Tải nguyên Môi trường nên sẽ không khả thi về mặt triển khai trong 5 năm tới. Do đó, GS Hoài đề xuất giao cho HĐND TP.HCM thông qua phương án sử dụng đất của doanh nghiệp nhà nước khi cổ phần hóa và chịu trách nhiệm trước Quốc hội.

Đồng quan điểm, PGS.TS Võ Trí Hảo, trọng tài viên Trung tâm trọng tài quốc tế VN (VIAC), cho rằng "thà xin một lần chứ đừng xin 25 lần", bởi nếu nghị quyết không rõ thì khi thực hiện, TP.HCM lại phải đi xin ý kiến các bộ, ngành liên quan và Chính phủ.

Về quản lý cán bộ, công chức, PGS.TS Võ Trí Hảo đánh giá tư duy quản lý công chức theo biên chế là không phù hợp thời đại, mà nên thay đổi sang tư duy quản lý tối ưu nguồn lực, bao gồm con người và công nghệ.

Theo luật sư Trương Trọng Nghĩa, nội dung dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 được xây dựng với sự hỗ trợ tích cực của các bộ, ngành. Mục tiêu của dự thảo nghị quyết cũng dựa trên tinh thần của Nghị quyết 31 khẳng định vai trò, vị trí đặc biệt của TP.HCM trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trên tinh thần TP.HCM vì cả nước, cả nước vì TP.HCM.

Nghị quyết mới sẽ khắc phục được nhược điểm của Nghị quyết 54, đó là nhiều nội dung chưa thật sự phân cấp, ủy quyền rõ ràng. Thực tế cho thấy, một siêu đô thị như TP.HCM "mặc chiếc áo thể chế" như các tỉnh, thành khác là không phù hợp. Đó là vấn đề phân bổ ngân sách, về huy động tài chính, về thẩm quyền sắp xếp tổ chức bộ máy, đội ngũ nhân lực, chính sách đất đai, về thu hút đầu tư xã hội…

Để khắc phục những hạn chế của Nghị quyết 54, nhiều nội dung trong nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 đã thể hiện rõ yêu cầu của Nghị quyết 31 là "phân cấp, phân quyền". Điều này sẽ khắc phục được nhược điểm của cách làm cũ là nhiều điểm chưa thật sự phân cấp, phân quyền rõ ràng và cụ thể, dẫn đến tình trạng xin ý kiến, chờ giải thích, hướng dẫn của cấp trên.

Nghị quyết mới cho TP.HCM: "Tăng quyền" cho TP.HCM cũng phải tăng trách nhiệm giám sát - Ảnh 3.

Cùng với phân cấp phân quyền, TP.HCM cần đẩy mạnh giám sát thực hiện. Ảnh: Đ.S

TS Trần Du Lịch cho rằng, trong dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 đề xuất cơ chế phân cấp, ủy quyền cho chính quyền và HĐND TP.HCM ở 5 lĩnh vực đang thuộc thẩm quyền của Chính phủ, các bộ, ngành. Việc này sẽ tăng tính chủ động, sáng tạo và tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương trong thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước trên địa bàn. Khi được thông qua, đây sẽ là hệ thống cơ chế, chính sách tương đối đồng bộ, mang tính vượt trội cho TPHCM theo tinh thần Nghị quyết 31 và Nghị quyết 24-NQ/TW đã đề cập.

Tuy nhiên, sau khi Quốc hội thông qua nghị quyết, Chính phủ cần phải ban hành nghị định hướng dẫn thực hiện. Nghị định này sẽ là căn cứ để bộ máy hành chính thành phố mạnh dạn đột phá, thực nhiệm vụ phát triển, khắc phục tình trạng chần chừ, chậm trễ vì phải đợi hướng dẫn của các bộ, ngành. Nghị định cũng sẽ quy định rõ trách nhiệm của TP.HCM trong việc tự chịu trách nhiệm, công khai minh bạch cũng như vai trò kiểm tra, giám sát của bộ, ngành.

Ông Lê Minh Đức, Phó Ban Pháp chế HĐND TP.HCM cho rằng, khi "tăng quyền" cho TP.HCM thì cũng cần đẩy mạnh trách nhiệm giám sát của cơ quan giám sát, trong đó có HĐND TP.HCM. Sau giám sát, các đoàn giám sát của Thường trực, các ban, tổ đại biểu của HĐND TP.HCM đề xuất, kiến nghị các cấp chính quyền, các cơ quan chuyên môn có giải pháp khắc phục những hạn chế, tồn tại, giải quyết kịp thời những vấn đề nhân dân kiến nghị, bức xúc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem