Ngôi biệt thự cổ kính 123 năm tuổi toàn treo "siêu phẩm hội họa" của họa sĩ Công Quốc Hà
Ngôi biệt thự cổ kính 123 năm tuổi toàn treo "siêu phẩm hội họa" của họa sĩ Công Quốc Hà
Ma Khánh Yến
Chủ nhật, ngày 28/04/2024 10:00 AM (GMT+7)
Mùa thu năm 2006, một mối duyên định mệnh khiến gia đình họa sĩ Công Quốc Hà tiếp nhận căn biệt thự cổ kính 123 năm tuổi ở thành phố Linköping (Thụy Điển). Sau hơn 10 năm, nơi đây dần trở thành một "bảo tàng hội họa thu nhỏ" ở xứ sở Bắc Âu.
Là một trong những họa sĩ của mỹ thuật Việt Nam đương đại, nhiều năm qua, họa sĩ Công Quốc Hà đã tạo nên một dấu ấn riêng với dòng tranh về phố Hà Nội và thiếu nữ. Hơn một thập niên cùng gia đình sinh sống và làm việc tại Thụy Điển, gần đây, ông mới chia sẻ với Dân Việt về không gian sống bao trùm trong một bầu không khí nghệ thuật của gia đình ông tại thành phố Linköping (Thụy Điển).
Lâu đài cổ kính 123 năm tuổi và sự tình cờ định mệnh
Họa sĩ Công Quốc Hà chia sẻ, giữa gia đình ông và Biệt thự Sjögestad có một mối duyên nợ định mệnh: "Một lần, gia đình tôi tới xem căn biệt thự này, chủ nhân đầu tiên của biệt thự chính là nhà phê bình hội họa số một của Thụy Điển vào thế kỷ 19. Trên các bức tường nơi đây từng treo kín các tác phẩm hội họa của những hoạ sĩ đại diện tiền bối sáng giá nhất Thụy Điển như: Carl Larsson, Bruno Liljefors, Gustaf Fröding, Verner von Heidenstam và Karl Johan.
Sau đó, vào mùa thu năm 2016, "một sự kiện chuyển giao thế kỷ đầy màu sắc" đã diễn ra, khi tôi – một họa sĩ Việt Nam và con gái lớn có cơ hội tiếp tục tiếp quản lâu đài" - ông trò chuyện với PV Dân Việt.
Biệt thự Sjögestad là một lâu đài cổ kính được xây dựng từ năm 1901, thuộc thành phố Linköping (cách thủ đô Stockholm khoảng 200 km). Thiết kế của biệt thự này bao gồm nhiều khu nhà, bên cạnh khu nhà chính, còn có studio và khu nhà thờ tổ. Với quan điểm nghệ thuật là trái tim của ngôi nhà - một phần trung tâm của trải nghiệm, mọi món đồ trang trí cũng như nội thất tại đây đều được gia đình họa sĩ lựa chọn hết sức cẩn trọng, tinh tế.
Ngoài hội họa, trong biệt thự còn được trang trí rất nhiều món đồ décor hiếm và quý giá. Con gái của họa sĩ - Công Nữ Hoàng Anh là một người có niềm đam mê bất tận với những cái đẹp trong món đồ thủ công và thiết kế. "Suốt các phòng của lâu đài, bạn có thể chiêm ngưỡng các cổ vật, đồ nội thất, decor vô cùng tinh tế, độc đáo mà con gái tôi đã sưu tập từ nhiều nơi trên thế giới. Từ những tác phẩm gốm, sứ lung linh, huyền diệu của một thời Trung Hoa, Nhật Bản huy hoàng đến các tác phẩm art decor hiện đại. Tất cả đều được chọn lựa, sắp đặt bằng trái tim, tâm huyết và thổi một sức sống mới cho khu biệt thự", họa sĩ Công Quốc Hà cho biết.
Từng góc nhỏ trong ngôi nhà đều mang hồn Việt
Trước khi sang Thụy Điển sinh sống, họa sĩ Công Quốc Hà luôn ấp ủ sẽ xây dựng một trung tâm nghệ thuật, là nơi kết nối những người yêu hội họa với bạn bè quốc tế. Bởi vậy, ông đã âm thầm sưu tập rất nhiều tranh, tượng của các họa sĩ Việt Nam và thế giới mà ông mến mộ.
Trong kho tàng nghệ thuật quý giá của mình, họa sĩ lưu giữ rất nhiều bản phác thảo, ký họa từ thời sinh viên, những tác phẩm đã theo ông rất nhiều thập kỷ, lưu giữ mọi vui buồn trong cuộc đời, có cả những tác phẩm chưa từng được công bố. Những "đứa con tinh thần" của các bậc thày hội họa như: Lê Phổ, Nguyễn Khang, Lê Công Thành, Mai Long... tác phẩm của các danh họa nổi tiếng thế giới như: Picasso, Henry Matisse, Carl Eldh… cũng được bảo quản cẩn trọng.
Họa sĩ Công Quốc Hà khẳng định, văn hóa Việt Nam là sợi chỉ xuyên suốt, là dấu ấn đặc biệt trong ngôi nhà.
"Từng góc nhỏ của ngôi nhà đều mang đậm cái tinh túy, cái hồn Việt, cốt cách Hà Thành. Những bạn bè đã tới thăm gia đình chúng tôi đều cảm thấy rất vui, rất tự hào khi thấy được những nét đẹp, kho tàng quý báu của văn hóa Việt được gìn giữ và tỏa sáng ở xứ sở Bắc Âu".
Danh họa Việt Nam đương đại thổ lộ, sưu tầm nghệ thuật không bao giờ đi đến sự kết thúc. "Ngày biến thành tuần, tuần thành tháng rồi tháng tiếp nối thành năm. Mỗi ngày mới luôn có những sợi chỉ mới để kéo và mục tiêu liên tục được nâng lên. Tôi thực sự rất vui khi bộ sưu tập nghệ thuật của gia đình đã tìm được không gian phù hợp".
Trong thời gian tới đây, gia đình họa sĩ Công Quốc Hà sẽ hoàn thành một bảo tàng tại Thụy Điển. Ông mong muốn khu bảo tàng này cũng sẽ giúp bảo tồn và phát triển văn hóa Việt trên thị trường quốc tế.
"Bảo tàng hứa hẹn sẽ mang đến những tác phẩm đặc biệt, là sự kết hợp của di sản văn hóa phong phú, tài năng sáng tạo của người nghệ sĩ với tay nghề thủ công tinh tế, chất lượng và tính chuyên nghiệp cao. Mục đích của tôi là biến nơi đây thành điểm giới thiệu di sản văn hóa và kỹ thuật thủ công sơn mài tinh tế của Việt Nam đến với các bạn Bắc Âu, giao lưu và tổ chức các sự kiện nghệ thuật quốc tế", họa sĩ bày tỏ.
Hoạ sĩ Công Quốc Hà, sinh năm 1955, ông là một trong những họa sĩ sơn mài nổi tiếng của Việt Nam với câu nói thường được lưu truyền trong những người yêu tranh "Phố Phái, gái Hà". Nhiều năm qua, tác phẩm của ông từng được trưng bày tại hàng loạt triển lãm trên thế giới, có người sưu tầm tại khắp các quốc gia.
Họa sĩ cũng là người tiên phong trong việc mở rộng tầm nhìn về nghệ thuật, nâng tầm ảnh hưởng của thương hiệu với việc lan tỏa các sản phẩm của ông dưới nhiều hình thức như tranh in, khăn, áo… Trong năm nay, ông sẽ cho ra mắt bộ sưu tập mới, tại đó diễn giải sức sáng tạo vượt không gian, thời gian, khẳng định, thôi thúc con người đừng bao giờ ngừng mơ ước.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.