Cần gấp giải pháp “cấp cứu” sức mua tại TP.HCM - Bài 1: Chợ ế, cả tuần chưa bán mở hàng

Hồng Phúc Thứ năm, ngày 18/05/2023 09:51 AM (GMT+7)
Nhiều quầy sạp tại các chợ truyền thống ở TP.HCM đang buộc phải ngừng bán. Người dân thắt chặt chi tiêu nên sức mua tiếp tục rơi xuống thấp kỷ lục. Chuyện cả tuần chưa bán mở hàng cái áo, cái quần đã quá quen thuộc nhưng khi nhắc lại, tiểu thương không cầm được nước mắt.
Bình luận 0

LTS: Tình hình thương mại, dịch vụ, mua sắm, bán lẻ tại TP.HCM từ sau Tết Nguyên đán đến nay giảm sâu. Buôn bán ế ẩm xuất hiện đều ở các kênh bán lẻ, từ truyền thống đến hiện đại. Theo lý giải của các đơn vị, do “người dân hết tiền mua sắm” trong bối cảnh kinh tế khó khăn, phải thắt chặt hầu bao, muốn chi cho mặt hàng nào cũng đều phải tính toán, cân nhắc.

Tốc độ tăng trưởng GRDP của TP.HCM quý I/2023 chỉ tăng 0,7% so với cùng kỳ (GRDP đạt 360.622 tỷ đồng). Đây là con số đáng báo động khi tốc độ tăng trưởng GRDP của TP.HCM lần đầu tiên thấp kỷ lục.

Dù khu vực thương mại, dịch vụ có tăng trưởng, nhưng theo các chuyên gia, con số này vẫn chưa cao, nhất là chưa thể phục hồi như trước khi dịch Covid-19. Đáng chú ý, sức mua lại đang có xu hướng giảm sâu, sau các dịp nhu cầu mua sắm tăng vọt như Tết Nguyên đán và gần nhất là sau kỳ nghỉ lễ 30/4.

Tiết kiệm từng đồng

Chị Thanh Tuyền - công nhân công ty Pou Yuen, quận Bình Tân - TP.HCM đau đầu với các khoản chi tiêu hàng ngày sau khi vừa gửi về cho ba mẹ ở quê 5 triệu đồng. Các bữa cơm gần đây của gia đình chị chủ yếu là rau, trứng chiên và mấy con cá mua ở chợ chồm hổm quanh công ty.

“Cá thịt, rau vẫn rẻ, chưa tăng giá. Nhưng tiền bạc bây giờ của chúng tôi ít quá, chưa biết sắp tới công ty có cắt giảm công nhân nữa hay không nên phải tiết kiệm. Tích cóp được đồng nào hay đồng đó. Mua sắm bây giờ mỗi ngày chủ yếu là mua thịt cá, mấy bộ đồ bộ bán trước cổng công ty chưa tới 100.000 đồng tôi cũng không dám rớ”, chị Tuyền nói.

Cần gấp giải pháp “cấp cứu” sức mua tại TP.HCM - Bài 1: Chợ ế, cả tuần chưa bán mở hàng- Ảnh 1.

Người dân hết tiền mua sắm: Công nhân chắt bóp chi tiêu vì cuộc sống khó khăn, nhiều nguy cơ bị sa thải khi doanh nghiệp thiếu đơn hàng. Ảnh: Hồng Phúc

Không chỉ công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, nhiều bà nội trợ cũng bắt đầu tính toán kỹ lưỡng mỗi khi đi chợ. 

Bà Thanh Hương (ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) đi chợ gần nhà những ngày gần đây chỉ đi đúng một đường ra khu vực rau củ, thịt cá, vì sợ chi “quá tay” cho các khoản hoa tươi, bánh trái.

“Chỉ tiêu của tôi đặt cứng bây giờ là 200.000 đồng mỗi ngày; khi thì thịt, khi thì cá kèm với rau củ. Trước đây, cả nhà 4 người ăn sáng bên ngoài nhưng bây giờ thì khác. Tôi mua ít đồ để nấu ăn sáng vào hôm sau cho tiết kiệm. Nấu ăn bữa sáng đơn giản đâu đó chưa tới 100.000 đồng, nhưng ăn bên ngoài, chỗ nào ăn được chút là gấp đôi”, bà Hương nói.

Cần gấp giải pháp “cấp cứu” sức mua tại TP.HCM - Bài 1: Chợ ế, cả tuần chưa bán mở hàng- Ảnh 2.

Tiểu thương bán vải chợ Tân Định, quận 1, TP.HCM ngồi dài hai bên lối đi để chờ khách. Ảnh: Hồng Phúc

Muốn thấy rõ người dân thắt chặt chi tiêu ra sao phải đến các khu chợ công nhân, chợ truyền thống. 

10h sáng ngày 16/5, chợ Bà Chiểu ở quận Bình Thạnh không thấy người mua bao nhiêu, chỉ có tiểu thương ôm ghế ngồi cạnh quầy hàng chờ khách. Không khí chợ buồn hiu. 

Qua giờ cao điểm nhưng sạp thịt của bà Dương Mai, tiểu thương có hơn 30 năm bán tại chợ này, vẫn còn ê hề. “Giá các mặt hàng thịt heo đang giảm nhưng sức mua còn giảm nặng hơn nữa. Hiện mỗi ngày số lượng tôi bán ra giảm 70% so với trước dịch Covid-19. Dù thịt heo nhà nào cũng cần, nhưng người dân rất cân nhắc, trước đây mua hàng ngày thì bây giờ xen kẽ, mình rất khó tính toán mua bán. Người ta hết tiền mua rồi”, bà Mai rầu rĩ.

Khóc ròng vì cả tuần chưa bán mở hàng

TP.HCM có hơn 200 chợ truyền thống đang hoạt động khắp các quận huyện. Chỉ một số chợ ở khu vực trung tâm như chợ Bến Thành, chợ Tân Định có khách du lịch thì tình hình buôn bán có phần lạc quan, còn lại tình cảnh chung hiện nay, theo ghi nhận của Dân Việt, đều ế thảm. Dịch Covid-19 qua đã lâu nhưng nhiều sạp tại các chợ vẫn cửa đóng, then cài.

Nằm ngay khu dân cư đông đúc, đường sá tấp nập nhưng tình hình buôn bán của tiểu thương chợ Hòa Hưng (quận 10) gần như bất động. 

Bà Lê Thị Niệm (66 tuổi) tiểu thương tại chợ này, than cả chục năm buôn bán, chưa bao giờ bà gặp tình cảnh lại ảm đạm như vậy. Bà nói trước đây, chợ Hòa Hưng khách đông từ sáng đến tối, nhưng giờ vắng hoe.

“Giờ tôi muốn sang sạp cũng khó, vì chợ ế thế này không ai muốn đến buôn bán”, bà Niệm nói mà không cầm được nước mắt.

Cần gấp giải pháp “cấp cứu” sức mua tại TP.HCM - Bài 1: Chợ ế, cả tuần chưa bán mở hàng- Ảnh 3.

Khu vực thực phẩm thiết yếu tại chợ Bà Chiểu, quận Bình Thạnh, TP.HCM vắng tanh, không một vị khách. Ảnh: Hồng Phúc

Ngay cả chợ Bà Chiểu - một ngôi chợ có tiếng tại TP.HCM, nhưng tình hình vẫn rất đáng báo động. Tại khu vực hàng thiết yếu, tạp hóa, tiểu thương chỉ biết nhìn nhau chờ khách. Tình hình chung hiện giờ của tiểu thương là 7h sáng mở hàng, khách lai rai đến 9h sáng là ngồi chơi tới chiều. Dù vậy, nhiều tiểu thương vẫn nán lại, may ra có khách. Số khác quyết định dọn hàng về sớm, vì giờ cao điểm buổi chiều cũng không có bao nhiêu người tới chợ.

Khi được hỏi về chuyện buôn bán, nhiều tiểu thương ngành hàng thiết yếu khoác tay, giọng buồn hiu: “Ở đây chưa ế nhất đâu, cứ vào sâu bên trong, vắng tanh như chùa Bà Đanh luôn chứ không còn là chợ Bà Chiểu”.

Chúng tôi đi theo lời chỉ dẫn. Bên trong nhà lồng, khu vực tầng 1 chuyên kinh doanh giày dép, quần áo, nhiều lối đi không một bóng khách. Người bán lướt điện thoại. Khi hỏi về sức mua, hầu hết họ đều lắc đầu chán nản như chực khóc, vì rau củ, thịt cá người tiêu dùng còn mua ít lại, thì quần áo giày dép làm sao bán được.

Bà Đỗ Thúy Hòa - Chủ tịch Hội Phụ nữ chợ Bà Chiểu, xác nhận với Dân Việt tình hình sức mua hiện nay tại chợ Bà Chiểu rất thấp so với những năm trước. Bà nói tuy có phục hồi hơn sau dịch Covid-19, nhưng phục hồi cũng không được bao nhiêu. 

“Có khi 2-3 ngày, thậm chí cả tuần lễ các tiểu thương ngành hàng quần áo, vải sợi, mỹ phẩm, giày dép cũng không bán mở hàng được, vì sức mua quá yếu”, bà Hòa nói.

Theo bà Hòa, tình hình chung các chợ hiện nay đều rơi vào cảnh ế ẩm, vì người dân thắt chặt chi tiêu. Người tiêu dùng chỉ dám mua mặt hàng tươi sống, hàng hóa thiết yếu, bất chấp việc ban quản lý các chợ linh động tổ chức nhiều chương trình như bán hàng trực tuyến, tăng khuyến mãi, quà tặng để thu hút người dân mua sắm.

Người dân cạn tiền mua sắm - bài 2: Siêu thị ngược xuôi kích cầu, giảm giá sâu vẫn ế, chật vật thu bạc lẻ


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem