“Cấp cứu” sức mua tại TP.HCM - Bài 2: Siêu thị ngược xuôi kích cầu vẫn chật vật thu bạc lẻ
Cần gấp giải pháp “cấp cứu” sức mua tại TP.HCM - Bài 2: Siêu thị ngược xuôi kích cầu vẫn chật vật thu bạc lẻ
Hồng Phúc
Thứ sáu, ngày 19/05/2023 06:27 AM (GMT+7)
Giá hàng loạt loại rau củ tại siêu thị ở TP.HCM đang giảm rất sâu, chỉ từ hơn 10.000 đồng/kg kể kích thích sức mua. Cùng một loạt các chương trình khác như bình ổn giá, "khóa giá" nhưng vẫn ế ẩm trong bối cảnh kinh tế khó khăn.
Không chỉ tại chợ truyền thống, sức mua tại các kênh bán lẻ hiện đại như siêu thị, cửa hàng thực phẩm, trung tâm thương mại cũng đang giảm rất sâu. Những người có thu nhập từ khá trở lên cũng đang mạnh tay cắt giảm chi tiêu trong bối cảnh kinh tế khó khăn hậu Covid-19.
Siêu thị ế thấy thương, đại gia cũng chỉ thu từng cắc
Ghi nhận của Dân Việt trong những ngày tháng 5 tại hầu hết các siêu thị lớn ở TP.HCM như Co.opmart, GO!, Aeon, MM Mega Market, cho thấy sức mua đã giảm sâu sau đợt lễ 30/4. Dù sáng hay chiều tối thì lượng khách tại các siêu thị này không cao, kể cả các điểm bán thường có doanh số tốt nhất của từng siêu thị.
Tại MM Mega Market An Phú (TP.Thủ Đức) dù là cao điểm buổi sáng nhưng tổng lượng khách hàng đến đây mua sắm trong nhiều ngày đều thưa thớt. GO! Gò Vấp (quận Gò Vấp), Big C miền Đông (quận 10) cũng tương tự.
Người dân hết tiền mua sắm: Siêu thị giảm giá sâu vẫn vắng khách. Ảnh: Hồng Phúc
Lãnh đạo các siêu thị đều cho biết sức mua giảm sâu sau các dịp Tết và giá trị từng đơn hàng cũng giảm mạnh so với trước đó. Người tiêu dùng có xu hướng chỉ tập trung cho các sản phẩm thiết yếu, cắt giảm nhu cầu cho nhóm sản phẩm chưa quá cần thiết hoặc hàng cao cấp.
Ông Nguyễn Đức Toàn - Giám đốc MM Mega Market Việt Nam, xác nhận trong quý I/2023, giỏ hàng của người tiêu dùng mua sắm tại các điểm bán MM khu vực TP.HCM đang bị hụt đi, giảm khoảng 10% so với cùng kỳ, do sức mua và nhu cầu hiện nay chỉ tập trung vào nhóm hàng thiết yếu.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thu Hiền - Giám đốc Đối ngoại Central Retail (doanh nghiệp quản lý chuỗi GO!, Tops Market và Big C tại Việt Nam) đánh giá tình hình sức mua trong quý I/2023 là không an toàn, do rơi vào cao điểm Tết và người tiêu dùng đang thắt chặt chi tiêu cho nhóm sản phẩm ngoài hàng thiết yếu.
Bà Hiền cho biết sức mua đang có xu hướng chững lại và chưa dám đưa ra dự đoán nào cho quý II/2023.
Ngay cả Thế Giới Di Động, doanh nghiệp lớn trong mảng bán lẻ sản phẩm công nghệ, điện máy, hàng tiêu dùng cũng báo cáo một kết quả kinh doanh ảm đạm nhất lịch sử kể từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán. Kết thúc quý I/2023, Thế Giới Di Động chỉ lãi hơn 21 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lên đến 1.450 tỷ.
Hàng loạt các trung tâm thương mại tại TP.HCM cũng đều "ế nhệ". Gần đây, Parkson đã tuyên bố nộp đơn phá sản, nhiều trung tâm thương mại khác phải tìm cách kinh doanh mới trong bối cảnh tầng lớp có thu nhập khá trở lên ít lui tới.
Ông Nguyễn Anh Đức - Tổng giám đốc Saigon Co.op, cho biết năm 2022, tăng trưởng của ngành bán lẻ đạt 22% thì theo dự báo của Bộ KHĐT năm 2023 chỉ ở mức 17,5%. Tuy nhiên, theo ông Đức, thực tế những tháng đầu năm con số này còn thấp hơn. Ông dẫn số liệu của Hiệp hội bán lẻ Việt Nam, rằng không có nhà bán lẻ nào trong quý I/2023 tăng trưởng dương, để thấy các doanh nghiệp bán lẻ cũng đang rất khó khăn trong bối cảnh người dân thắt chặt chi tiêu.
Kích cầu bằng giảm giá và chờ đợi…
Không hẹn mà gặp, giải pháp duy nhất của các nhà bán lẻ lúc này là đẩy mạnh hết cỡ cho hoạt động khuyến mãi, giảm giá để kích cầu mua sắm.
Chưa bao giờ giá các mặt hàng thực phẩm tươi sống tại các siêu thị lại giảm mạnh như hiện nay. Giá bán nhiều mặt hàng đang rất cạnh tranh, thậm chí ngang ngửa hoặc rẻ hơn so với giá bán tại chợ truyền thống, chỉ từ trên dưới 10.000 đồng/kg.
Cụ thể, các siêu thị MM Mega Market, GO!, Big C, Co.opmart tại TP.HCM đang có hàng loạt ưu đãi, giảm giá cho các loại rau củ quả: Bắp cải Đà Lạt 8.000 - 9.000 đồng/kg, su su Đà Lạt 14.000 đồng/kg, bí đao 12.000 đồng/kg, dưa leo 19.000 đồng/kg, cải thìa 24.000 đồng/kg, bí giống Nhật 22.000 đồng/kg… nhiều thời điểm còn rẻ hơn giá mua ở các chợ nhỏ.
Giám đốc MM Mega Market Việt Nam Nguyễn Đức Toàn cho biết hệ thống này đang áp dụng hai chiến dịch về giá, được xem là lớn nhất trong năm, gồm giá sỉ cho hơn 40 mặt hàng thực phẩm tươi sống và “khóa giá” hơn 500 mặt hàng thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu, để hỗ trợ người tiêu dùng, kích thích sức mua trong bối cảnh khó khăn chung.
Riêng chương trình “khóa giá”, khách hàng hoàn toàn có thể yên tâm mua sắm với giá cố định trong suốt quý II/2023, kể cả trong trường hợp xảy ra biến động thị trường.
Theo đại diện Central Retail, thời gian qua, tập đoàn đã nỗ lực chủ động thực hiện nhiều biện pháp, hợp tác với các nhà cung cấp, Sở Công Thương TP.HCM để thực hiện chương trình bình ổn, giảm giá kích cầu trong bối cảnh hiện nay. “Chúng tôi cũng sẽ có chương trình đồng hành giá luôn rẻ hơn, chạy cả năm, hy vọng với lượng hàng hóa dồi dào, giảm sâu sẽ thu hút người tiêu dùng”, vị này cho biết.
Dù vậy, lãnh đạo một doanh nghiệp bán lẻ lớn cho biết các hoạt động kích cầu đã triển khai thời gian qua vẫn chưa kéo nổi sức mua, trong bối cảnh kinh tế TP.HCM ảm đạm, nhu cầu mua sắm giảm quá sâu.
Các doanh nghiệp bán lẻ từ lớn tới nhỏ đang tiếp tục giảm sâu hơn nữa để kích cầu. Tuy nhiên, tất cả đều chung nhân định phải có thêm nhiều giải pháp, hỗ trợ đồng bộ để “cấp cứu” sức mua quá kém trong bối cảnh kinh tế hiện nay.
Người dân cạn tiền mua sắm - bài 3: Cần gấp giải pháp “cấp cứu” sức mua
Vui lòng nhập nội dung bình luận.