Người đóng giả Bác Hồ vào quán bar đối mặt vi phạm hình sự?
Người đóng giả Bác Hồ vào quán bar ở Hà Nội có thể đối mặt vi phạm hình sự?
Đình Việt
Thứ ba, ngày 03/11/2020 08:29 AM (GMT+7)
Cơ quan Công an đã triệu tập nam thanh niên đóng giả Bác Hồ vào một quán bar ở Hà Nội để làm rõ động cơ, mục đích để xử lý nghiêm minh. Việc đóng giả, "nhái" hình ảnh lãnh tụ một cách thiếu nghiêm túc khiến rất nhiều người bức xúc.
Theo clip được chia sẻ, nam thanh niên đóng giả Bác Hồ đã đến quán bar có địa chỉ tại phố Hai Bà Trưng, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội).
Sau khi bị dân mạng phản ứng gay gắt, đoạn clip đã được chủ nhân xóa khỏi trang cá nhân, quán bar cũng khóa trang Facebook của mình. Tuy nhiên, đoạn clip đã được nhiều người sao chép và chia sẻ ở các diễn đàn.
"Đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc xác minh, nếu có chuyện lợi dụng hình ảnh lãnh tụ để mua vui phải xử lý thật nghiêm" – một bạn đọc bức xúc.
Theo thông tin mới nhất liên quan đến vụ việc nhóm thanh niên đóng giả Bác Hồ, CSĐT Công an quận Hoàn Kiếm (TP Hà Nội) đang thụ lý vụ nhóm thanh niên đóng giả Bác Hồ vào một quán bar trên địa bàn đêm Halloween.
Đối tượng đóng giả Bác Hồ còn nói: "Tôi nói đồng bào có nghe rõ không?".
Danh tính nam thanh niên đóng giả Bác Hồ trong đêm Halloween tại quán bar được cảnh sát xác định là Đ.T.N (SN 1976, hiện đang thường trú ở quận Đống Đa, TP Hà Nội).
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết, những hình ảnh, clip đang xuất hiện trên mạng xã hội với thái độ cười cợt có nội dung ghi lại sự việc một thanh niên đóng giả Bác Hồ rồi vào quán bar với thái độ thiếu nghiêm túc; đi đứng nói năng thiếu chuẩn mực đang khiến dư luận phẫn nộ và lên án.
Theo vị luật sư, việc đưa lên mạng những hình ảnh như vậy là không phù hợp chuẩn mực đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục Việt Nam và có dấu hiệu vi phạm Luật An ninh mạng.
Cụ thể điểm a, khoản 1, điều 8; khoản 1, điều 16 và khoản 1, điều 18 Luật An ninh mạng 2018 quy định nghiêm cấm sử dụng không gian mạng để đăng tải, phát tán thông tin có nội dung xúc phạm lãnh tụ, danh nhân, danh hùng dân tộc; tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân.
Theo đó, người có hành vi vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 7, điều 102, Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 3/2/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.
Cụ thể, phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: Tuyên truyền, kích động bạo lực; truyền bá tư tưởng phản động mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; Cung cấp thông tin, hình ảnh vi phạm chủ quyền quốc gia; xuyên tạc sự thật lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, danh nhân, anh hùng dân tộc mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
Đối với người có hành vi đóng giả Bác Hồ với thái độ thiếu nghiêm túc, cơ quan chức năng cần xác minh đối tượng đó thực hiện hành vi nhằm động cơ, mục đích gì.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.