Trưởng thôn có quyền hạn gì?

PV Chủ nhật, ngày 01/11/2020 11:10 AM (GMT+7)
Sự việc ca sĩ Thủy Tiên tặng tiền từ thiện hỗ trợ cho người dân Quảng Trạch (Quảng Bình) và sau đó trưởng thôn Ngọa Cương thu lại để phân chia đều cho các hộ khác đã gây tranh luận lớn. Trong thực tế, trưởng thôn có quyền hạn như thế nào?
Bình luận 0

Không được phép yêu cầu người dân phải bàn giao lại tài sản từ thiện

Trước đó, ngày 28/10/2020, ca sĩ Thuỷ Tiên đã về xã Cảnh Hoá (Quảng Trạch) trao quà ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do đợt lũ lụt cho 703 hộ, mỗi hộ 6 triệu đồng, trong đó, thôn Ngoạ Cương có 69 hộ được hỗ trợ. Sau khi các hộ dân được trao số nói trên, Ban cán sự thôn Ngoạ Cương đã thu lại toàn bộ.

Trả lời với báo chí, chính quyền huyện Quảng Trạch cho biết, để đảm bảo sự công bằng, hài hoà và giữ gìn sự đoàn kết, gắn bó tình làng, nghĩa xóm, những năm trước đây, ban cán sự và người dân thôn Ngoạ Cương đã bàn bạc, đi đến thống nhất chủ trương, khi có các hoạt động cứu trợ bão lụt, đối với hàng hoá thì người dân được hưởng, còn tiền mặt thì thôn sẽ thu lại.

Cuối đợt, Ban cán sự thôn sẽ họp bàn với người dân bình xét, cân đối và phân chia lại cho từng hộ, trong đó ưu tiên cho những hộ gia đình bị thiệt hại nặng.

Trao đổi với Dân Việt về vấn đề này, luật sư Đặng Văn Cường – Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết: Hoạt động từ thiện, hay việc nhân dân quyên góp tiền bạc, tài sản để ủng hộ, giúp đỡ người dân miền Trung về bản chất là quan hệ tặng cho tài sản, một loại giao dịch dân sự phổ biến, là một quan hệ pháp luật dân sự.

base64-1604036424489329624447.png

Thông tin gây xôn xao cộng đồng mạng.

Trong giao dịch tặng cho tài sản, bên tặng cho là những người quyên góp tiền bạc, vật chất, bên nhận tặng cho là những người dân được nhận cứu trợ tiền bạc, nhu yếu phẩm, bên trung gian nhận vận chuyển và giao tài sản là những nhóm người kêu gọi và trực tiếp đi tới vùng lũ như ca sĩ Thủy Tiên, cầu thủ Công Vinh,…

"Người nhận tặng cho – những bà con vũng lũ nhận cứu trợ có toàn quyền định đoạt với tài sản từ thiện được nhận, có thể là tiền hoặc nhu yếu phẩm, không có bất kỳ cá nhân, cơ quan, tổ chức nào được phép yêu cầu họ phải bàn giao lại tài sản từ thiện đó nếu họ không tự nguyện, không đồng ý" – Luật sư cho hay.

Cũng theo luật sư Cường, Điều 3 Nghị định 64/2008/NĐ-CP ngày 14/5/2008 của Chính phủ về việc vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo cũng quy định nghiêm cấm các hành vi: Cản trở hoặc ép buộc tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động cứu trợ nhân đạo; Báo cáo sai sự thật, gian lận, chiếm đoạt, sử dụng trái phép tiền, hàng do các tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước ủng hộ, đóng góp. Lợi dụng hoạt động cứu trợ để vụ lợi.

Trưởng thôn có quyền hạn thế nào?

Dưới góc độ pháp lý, trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố là những người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố; được hưởng phụ cấp hàng tháng, mức phụ cấp do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định theo quy định của pháp luật. Mỗi tổ dân phố có Tổ trưởng tổ dân phố. Trường hợp cần thiết thì có 1 Phó Trưởng thôn, 1 Phó Tổ trưởng tổ dân phố.

Điều 10 Thông tư số 14/2018/TT-BNV sửa đổi Thông tư 04/2012/TT-BNV hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố do Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố như sau:

Về nhiệm vụ

Triệu tập và chủ trì hội nghị thôn, tổ dân phố; tổ chức thực hiện những công việc thuộc phạm vi thôn, tổ dân phố đã được nhân dân bàn và quyết định; bảo đảm các nội dung hoạt động của thôn, tổ dân phố theo quy định tại Điều 5 Thông tư này.

Vận động, tổ chức nhân dân thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở và hương ước, quy ước của thôn, tổ dân phố đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Tập hợp, phản ánh, đề nghị chính quyền cấp xã giải quyết những kiến nghị, nguyện vọng chính đáng của nhân dân trong thôn, tổ dân phố. Báo cáo kịp thời với Ủy ban nhân dân cấp xã về những hành vi vi phạm pháp luật trong thôn, tổ dân phố.

Thực hiện việc lập biên bản về kết quả đã được nhân dân thôn, tổ dân phố bàn và quyết định trực tiếp những công việc của thôn, tổ dân phố. lập biên bản về kết quả đã được nhân dân thôn, tổ dân phố bàn và biểu quyết những công việc thuộc phạm vi cấp xã. báo cáo kết quả cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã.

Phối hợp với Ban công tác Mặt trận và các tổ chức chính trị-xã hội ở thôn, tổ dân phố để vận động nhân dân tham gia thực hiện các phong trào và cuộc vận động do các tổ chức này phát động.

Sáu tháng đầu năm và cuối năm phải báo cáo kết quả công tác trước hội nghị thôn, tổ dân phố.

Về quyền hạn

Được ký hợp đồng về xây dựng công trình do nhân dân trong thôn, tổ dân phố đóng góp kinh phí đầu tư đã được hội nghị thôn, tổ dân phố thông qua và bảo đảm các quy định liên quan của chính quyền các cấp.

Được phân công nhiệm vụ giải quyết công việc cho Phó Trưởng thôn, Phó Tổ trưởng tổ dân phố. được chính quyền cấp xã mời họp và cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến quản lý, hoạt động của thôn, tổ dân phố. được bồi dưỡng, tập huấn về công tác tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố".

Như vậy, trách nhiệm của chính quyền địa phương khi xảy ra thiên tai, bão lũ là phối hợp với các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền để giúp dân khắc phục kịp thời hậu quả của thiên tai; tiếp nhận những kiến nghị, nguyện vọng chính đáng của nhân dân để báo cáo, đề xuất đến các cơ quan có thẩm quyền. Khi có những hộ gia đình, cá nhân bị thiệt hại do hậu quả của thiên tai, trưởng thôn phải nắm bắt tình hình, thông tin, nhu cầu của nhân dân để có kế hoạch lập danh sách, báo cáo các cấp chính quyền xử lý phù hợp.

Việc khắc phục thiệt hại, hậu quả của thiên tai nên được chủ động thực hiện kịp thời, nhanh chóng, không nên ỷ lại, trông chờ, phụ thuộc vào những yếu tố khác. 

Khi có những tổ chức, đoàn từ thiện, cá nhân thiện nguyện tới giúp đỡ nhân dân thì trưởng thôn cùng những cá nhân giúp việc trong bộ máy chính quyền cơ sở cần tiếp đón, hỗ trợ phối hợp, hướng dẫn và cung cấp thông tin để những người từ thiện tiếp cận được với bà con khó khăn bị thiệt hại, kết nối tổ chức từ thiện với người dân.

"Tài sản từ thiện về bản chất là tài sản được tặng cho người dân, người dân là người có quyền sở hữu, định đoạt tài sản đó từ thời điểm được nhận chuyển giao tài sản. Do đó, nếu thôn thu lại tiền của những hộ gia đình này là không phù hợp. 

Có thông tin cho rằng việc thu lại tiền là để chia đều lại cho những hộ gia đình khác và những người dân cũng đồng ý, tự nguyện với việc này. 

Có thể mục đích của việc điều tiết tài sản từ thiện là tốt nhưng việc giải quyết như vậy là chưa hợp lý, có thể dẫn đến dư luận trái chiều, làm ảnh hưởng đến tâm lý của những người hoạt động từ thiện khác" – Luật sư Cường cho hay.

Theo luật sư, trường hợp này, thôn nên trả lại tiền cho các hộ dân và rút kinh nghiệm. Nếu như có những hộ gia đình khác trong thôn còn khó khăn, cần sự hỗ trợ thì thôn có thể lập danh sách thống kê, xác minh thông tin và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết hoặc kêu gọi sự hỗ trợ từ các nguồn khác chứ không nên sử dụng số tiền mà người dân đã được nhận từ thiện cho cá nhân họ để chia cho những người khác. 

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem