Hiện tại, chính phủ Mỹ đang đẩy mạnh cuộc điều tra đối với xe điện Tesla sau khi hơn 750 tài xế phàn nàn rằng, xe của họ bất ngờ bị phanh gấp ở tốc độ cao. Cụ thể, Cơ quan An toàn Giao thông Cao tốc Quốc gia Mỹ (NHTSA) đã nhận được 758 báo cáo từ các chủ sở hữu Tesla cho biết, họ đã trải qua một hiện tượng nguy hiểm được gọi là "phanh ảo", theo một bức thư mà cơ quan này gửi cho Tesla.
Trong đơn khiếu nại đệ trình lên Cơ quan An toàn Giao thông Cao tốc Quốc gia Mỹ (NHTSA), các chủ sở hữu Tesla đã kể lại những sự cố đáng sợ khi xe của họ phanh gấp và bất ngờ ở tốc độ cao tốc. Các tài xế cho biết, các sự cố phanh ảo thường xảy ra khi họ bật điều khiển hành trình Autopilot, một hệ thống tự động tăng tốc, phanh và đánh lái trên đường cao tốc.
Vấn đề có thể là do trục trặc rong hệ thống phanh khẩn cấp tự động của Tesla, một tính năng an toàn được thiết kế để phát hiện va chạm sắp xảy ra để dừng xe lại. Một số tài xế cho biết, các xe phía sau phải né tránh để tránh bị tông vào xe điện Tesla gặp sự cố phanh gấp đột ngột này.
Trước đó, vào tháng 2, NHTSA cho biết họ đang điều tra vấn đề này ở các mẫu SUV Model Y và sedan Model 3 từ các năm model 2020 và 2021. Trong lá thư mới nhất, cơ quan này yêu cầu Tesla trả lời một danh sách dài các câu hỏi trước ngày 20 tháng 6. Bằng không, nhà sản xuất ô tô phải đối mặt với hình phạt lên tới 115 triệu đô la nếu không trả lời kịp thời.
Có thể thấy, Tesla đang phải đối mặt với sự giám sát chặt chẽ từ các cơ quan quản lý, đặc biệt là về công nghệ lái xe bán tự động của họ. Mỹ cũng đang điều tra sự cố xe Tesla sử dụng hệ thống lái tự động hoặc điều khiển hành trình đâm vào xe khẩn cấp đang dừng.
Gần đây nhất, vào ngày 10/6, một cuộc điều tra liên bang về chức năng Autopilot của Tesla tăng cường với 830.000 xe ô tô và gần 200 vụ tai nạn mới đang được tiến hành.
NHTSA cho biết trong một thông cáo rằng, họ đang mở rộng cuộc thăm dò về tính hiệu quả của hệ thống hỗ trợ lái xe tự động của Tesla. NHTSA hiện sẽ xem xét dữ liệu từ 830.000 xe Tesla và gần 200 trường hợp va chạm mới liên quan đến xe Tesla có chức năng Autopilot đang hoạt động, bao gồm các xe Model S được sản xuất từ năm 2014 đến năm 2021, Model X (2015–2021), Model 3 (2018–2021) và Model Y (2020–2021).
Cơ quan này cũng cho biết, hiện họ đang coi cuộc điều tra này theo hướng "Phân tích kỹ thuật", đây là một bước cần thiết trước khi có thể thu hồi những chiếc xe có chức năng Autopilot.
Jonathan Adkins, giám đốc điều hành của Hiệp hội An toàn Đường cao tốc Mỹ, nơi điều phối các nỗ lực của tiểu bang để thúc đẩy lái xe an toàn cho biết: "Chúng tôi đã yêu cầu giám sát chặt chẽ hơn Autopilot trong một thời gian".
Cuộc thăm dò mở rộng của NHTSA sẽ "khám phá mức độ Autopilot và các hệ thống Tesla liên quan có thể làm trầm trọng thêm các yếu tố con người hoặc rủi ro an toàn hành vi", theo thông cáo.
Cơ quan sẽ xem xét Autopilot và các hệ thống thành phần khác nhau của nó xử lý các tác vụ lái, phanh và các tác vụ lái xe khác, đồng thời nâng cao kiểm soát hơn hệ thống mới mà Tesla gọi là Tự lái Hoàn toàn.
Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Edward Markey của Massachusetts hoan nghênh việc NHTSA leo thang điều tra. "Mỗi ngày mà Tesla không tuân theo các quy tắc an toàn và đánh lừa công chúng về hệ thống 'Lái xe tự động' của mình, đường sá của chúng tôi trở nên nguy hiểm hơn", anh ấy đã viết trên dòng tweet.
Giám đốc điều hành Tesla, Elon Musk vẫn đang quảng cáo những lợi ích của Hệ thống mới Tự lái hoàn toàn (FSD) và đã thông báo về việc mở rộng phần mềm beta mới nhất lên 100.000 ô tô vào đầu tháng này trên Twitter. Ông tuyên bố rằng, bản cập nhật mới sẽ có thể "xử lý những con đường không có dữ liệu bản đồ" và "trong vòng vài tháng, FSD sẽ có thể lái xe đến một điểm GPS với dữ liệu bản đồ bằng 0". Tuy nhiên, Elon Musk đã bị chỉ trích vì thổi phồng tính năng Tự động lái và Tự lái hoàn toàn theo những cách cho thấy, chúng có khả năng lái xe ô tô mà không cần sự đóng góp của tài xế.
Ông Jonathan Adkins còn cho biết: "Ít nhất chúng nên được đổi tên. Những cái tên đó khiến mọi người nhầm lẫn khi nghĩ rằng, chúng có thể làm được nhiều hơn những gì chúng thực sự có khả năng".
Việc đào sâu các cuộc điều tra cho thấy, NHTSA đang xem xét nghiêm túc hơn những lo ngại về an toàn xuất phát từ việc thiếu các biện pháp bảo vệ để ngăn người lái sử dụng Autopilot một cách nguy hiểm.
Dĩ nhiên, cuộc điều tra Autopilot mới này tách biệt với một động thái gần đây khác của NHTSA nhằm yêu cầu Tesla cung cấp thêm thông tin về "phanh ảo" do hệ thống phanh khẩn cấp tự động (AEB) của công ty gây ra. Công ty có thời hạn cho đến ngày 20 tháng 6 để nộp tài liệu về hàng trăm vấn đề AEB được báo cáo lên chính phủ.
Hiện phía xe điện Tesla đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận nào từ phía Insider.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.