Người hòa giải bằng nghệ thuật

Mỹ Hằng Chủ nhật, ngày 01/05/2022 10:00 AM (GMT+7)
Cách Hà Nội nửa vòng Trái đất, có một ngôi nhà tràn ngập những món đồ đến từ Việt Nam, trong đó, có một chiếc xích lô thật. Chủ nhà - David Thomas, người đã kỳ công mang những món đồ đó về, là một hoạ sĩ, một cựu chiến binh Mỹ, là người tiên phong cho công cuộc hòa giải giữa hai nước.
Bình luận 0

Ngôi nhà Việt Nam

Căn nhà gỗ của David Thomas ở thành phố Boston giống như một bảo tàng thu nhỏ về văn hoá Việt Nam. Chỗ nào cũng thấy những dấu ấn rất đặc trưng của Việt Nam. Đàn bầu trong phòng khách, rối nước trên bàn trà, đôi hạc gỗ đầu cầu thang, tượng Phật bà nghìn mắt nghìn tay trên tủ, ngoài vườn là chum sành, trên tường là tranh của nhiều hoạ sĩ Việt Nam hiện đại và cả những bức tranh Hàng Trống…

Chiếc xích lô để ở sân sau nhà. Đôi khi, có bạn bè đến chơi và tò mò, David Thomas sẵn sàng biến thành một "ông xích lô", đạp xe chở họ một vòng quanh sân. Phải yêu Việt Nam đến thế nào thì chủ nhà mới dành công sức sưu tầm và đưa những món đồ đó thành một phần cuộc sống hàng ngày của mình ở Mỹ. Hơn thế, ngôi nhà còn là điểm gặp gỡ của rất nhiều nghệ sĩ Việt Nam khi tới Mỹ.

gop/ Người hòa giải bằng nghệ thuật - Ảnh 1.

David Thomas trong lần trở lại Việt Nam lần đầu tiên năm 1987 và ảnh chụp tại một trại trẻ mồ côi cho trẻ lai Mỹ - Á ở TP.HCM. Ảnh: Artnewengland

Năm 2000, David Thomas đã được trao tặng Huy hiệu "Vì sự nghiệp nghệ thuật Việt Nam" đầu tiên cho một người nước ngoài do những đóng góp to lớn của ông.

Những gì hiện diện trong căn nhà của David Thomas bắt đầu - và dường như cũng phần nào trái ngược với cách mà ông tới Việt Nam lần đầu tiên. Năm 1968, sau khi tốt nghiệp trường Mỹ thuật ở Portland, bang Maine, nơi ông sinh ra, David gia nhập quân đội Mỹ. Cuộc chiến của Mỹ ở Việt Nam khi đó rất khốc liệt. David được đưa sang Việt Nam tháng 4/1969. Trong một năm ở Việt Nam, ông được phân về Tiểu đoàn 20 Công binh đóng tại Pleiku, với tư cách là một kỹ sư, họa sĩ chiến đấu. Ông vẽ các bản thiết kế cho đơn vị rồi tình nguyện làm lái xe jeep cho thiếu tá Jim Yenekis. Trong 6 tháng trời, ông lái xe trên các con đường ở Tây Nguyên, từ Pleiku tới Buôn Ma Thuột, Quy Nhơn, Kon Tum…

Thời gian đó, Việt Nam với David Thomas không chỉ là chiến tranh. Một trong những nhiệm vụ của ông là mang đồ giặt của trại lính tới một gia đình người Việt trong thị trấn. Cặp vợ chồng người Việt và hai người con của họ khiến ông rất ấn tượng và giữa họ đã nảy sinh tình bạn thân thiết, khiến David bắt đầu nghi ngờ về cuộc chiến, thay đổi suy nghĩ về người Việt, khác với những gì mà các bậc chỉ huy nói với lính Mỹ lúc đó.

Hết hạn quân dịch ở Việt Nam, David Thomas về Mỹ và giải ngũ năm 1971. Ông trở thành một cựu binh phản chiến. Ông tiếp tục học lên cao trong ngành mỹ thuật. Rất nhiều tác phẩm của ông là về phong trào phản chiến. Sau này, ông trở thành một giảng viên về nghệ thuật ở Boston trong nhiều năm.

Người đi tiên phong

David Thomas có thể gọi là một trong số những người đi tiên phong trong công cuộc hoà giải với Việt Nam - bằng nghệ thuật. Vào giữa những năm 1980, Mỹ vẫn cấm vận thương mại với Việt Nam, giữa hai nước không có quan hệ ngoại giao. Cái tên Việt Nam vẫn là một sự cay đắng ở Mỹ. Nhưng cũng tại thời điểm đó, đã bắt đầu diễn ra những nỗ lực đầu tiên của những người Mỹ, của các cựu chiến binh Mỹ trở lại Việt Nam, cho dù giữa hai bên lúc đó là hố sâu ngăn cách của hậu quả cuộc chiến, và ở khắp mọi nơi trên đất nước Việt Nam vẫn còn nguyên những hố bom của Mỹ. Những Thượng nghị sĩ Mỹ kỳ cựu sau này như John Kerry, John McCain đều đã bắt đầu đến Việt Nam từ thời kỳ đó, vận động cho quá trình đầy khó khăn nhằm bình thường hoá quan hệ giữa hai nước.

gop/ Người hòa giải bằng nghệ thuật - Ảnh 3.

David Thomas trong nhà ông tại Boston. Ảnh: Long Hưng

David Thomas cũng trở lại Việt Nam lần đầu tiên năm 1987 theo Dự án Hòa giải Đông Dương/Mỹ của Tổ chức Quaker's. Ông mang theo những bức tranh của mình, trong đó, nhiều bức ông vẽ trẻ em Việt Nam - theo ký ức sâu sắc của một năm đóng quân ở Pleiku và đi lại ở các vùng cao nguyên, Nam Trung Bộ. Chuyến đi khiến ông nhận ra rằng người Việt cũng chịu những hậu quả kinh khủng của chiến tranh có lẽ còn hơn cả người Mỹ, cả về thế chất và tinh thần, cả về kinh tế và xã hội. Ông quyết định dành thời gian và nỗ lực của mình để hàn gắn vết thương chiến tranh.

Cuộc gặp với ông Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam lần đó mang tính quyết định để cả hai bên nghĩ tới một triển lãm tranh chung, tạo ra một nhịp cầu hoà giải Việt - Mỹ. Họ chọn ra 8 bức tranh của 2 họa sĩ Việt Nam, 2 họa sĩ Mỹ để làm một phòng trưng bày nhỏ ở Trường Mỹ thuật Emmanuel tại Boston, nơi David giảng dạy. Dù chỉ 8 bức tranh, nhưng đó là một cố gắng phi thường khi hai bên vẫn nhìn nhau đầy thù địch, và đó có lẽ là sự trao đổi văn hóa đầu tiên giữa hai nước.

Năm 1990, David Thomas thành lập Dự án Nghệ thuật Đông Dương (IAP), một tổ chức trao đổi nghệ thuật, văn hóa, giáo dục giữa Việt Nam và Mỹ. Tổ chức này hoạt động suốt nhiều thập kỷ, đóng vai trò rất lớn trong việc tổ chức các cuộc triển lãm, các trao đổi nghệ thuật của nghệ sĩ hai bên. Là giám đốc IAP, David cũng kiêm luôn cả vai trò tổ chức chương trình, gây quỹ, kế toán, quản lý nhân viên. Triển lãm đầu tiên của IAP mang tên "Nhìn từ hai phía" được trưng bày ở Boston đã gây tiếng vang lớn. Lần đầu tiên, 20 họa sĩ mỗi bên hội tụ, mỗi người 2 bức tranh, từ Boston được đưa tới 17 thành phố của Mỹ và 3 bảo tàng của Việt Nam những năm sau đó.

Khi mà vết thương chiến tranh vẫn còn nhức nhối và làm chia rẽ nước Mỹ sâu sắc, thì nghệ thuật là cách lên tiếng về vết thương đó để mỗi bên lắng nghe và xoa dịu lẫn nhau, xoa dịu chính mình.

Cho đến giờ, IAP đã tổ chức được 3 triển lãm của các hoạ sĩ Việt Nam tại Mỹ, bảo trợ hơn 50 hoạ sĩ Việt Nam sang Mỹ sáng tác và tìm hiểu nước Mỹ, tổ chức các hội thảo, giảng dạy ở Việt Nam, kết nối các trường đại học hai bên, đưa nhiều đoàn người Mỹ sang tìm hiểu Việt Nam - từ các giáo sư, nghệ sĩ đến sinh viên Mỹ…

Những công trình của sự tận tâm

Hơn 30 năm qua, David Thomas đã trở thành một người bạn thân của Việt Nam. Ông đã thực hiện hơn 50 chuyến đi tới Việt Nam. Một trong những chuyến đi gần nhất của ông vào cuối 2018. Trong chuyến đi ấy, ông cũng đến thăm Buôn Ma Thuột để tìm hiểu về văn hoá cà phê Việt Nam. Ông đến thăm các rẫy cà phê, thăm gia đình những người nông dân trồng cà phê, trò chuyện với các doanh nhân trẻ của Việt Nam đang nỗ lực đưa cà phê Việt Nam ra thế giới.

David nói về dự định làm một cuốn sách về cà phê Việt. "Tôi muốn giới thiệu về đất nước và văn hoá Việt Nam, con người Việt Nam, phong tục tập quán Việt Nam qua câu chuyện cà phê" - ông nói với tác giả bài viết.

David Thomas còn là người đi tiên phong trong những tác phẩm của người Mỹ về Việt Nam. Một trong những tác phẩm đầu tiên của ông là cuốn "Chân dung Hồ Chí Minh qua con mắt một họa sĩ" xuất bản năm 2001. Là một nghệ sỹ đồ hoạ, David đã thực hiện 50 bức chân dung Hồ Chủ tịch trên nhiều chất liệu như xé dán, in thạch bản…

Phần lời của tác phẩm được viết bởi Charles Fenn - một cựu sĩ quan tình báo Mỹ, người trực tiếp điều khiển nhóm tình báo Con Nai của Đồng minh hoạt động ở Việt Nam năm 1945. Charles Fenn đã gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Côn Minh đầu năm 1945 và sau này giữa hai người đã gắn bó bằng một tình bạn lâu dài. Cuốn sách đặc biệt này đã được nhiều nhà sưu tầm sách hiếm và các thư viện đại học lớn của Mỹ mua về lưu trữ. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem